Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam còn rất non trẻ

Thứ tư, 31/08/2022 17:40

Ông Lý Đình Quân, Tổng giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator) cho biết, do mới phát triển 5 năm gần đây nên hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở Việt Nam còn rất non trẻ, các nguồn lực để phát triển cũng mới chỉ ở giai đoạn ban đầu.

Thúc đẩy các nguồn lực tham gia vào quá trình ĐMST

Nếu như trước đây truyền thông thường nhắc đến cụm từ "hệ sinh thái khởi nghiệp" thì gần đây, khái niệm hệ sinh thái mở hay hệ sinh thái ĐMST lại thường xuyên được đề cập đến. Về vấn đề này, ông Lý Đình Quân, Tổng giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn kiêm Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp ĐMST quốc gia cho biết, trước kia, cụm từ "khởi nghiệp" mà mọi người thường nhắc đến, thực ra phải được gọi đầy đủ là "hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST". Nó gồm những thành tố cơ bản nhất của một hệ sinh thái, để có thể cùng hợp tác tạo ra những mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp.
20221103-ta10.jpg 

Còn hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mở là một câu chuyện lớn hơn rất nhiều, khi liên quan đến các yếu tố khác như văn hóa, nguồn lực và gắn kết nhiều yếu tố sáng tạo. Do đó, nó không chỉ thúc đẩy hỗ trợ khởi nghiệp mà còn cả ĐMST của nền kinh tế, phục vụ quá trình thương mại hóa thông qua các hoạt động khởi nghiệp ĐMST. "Qua đó, các hoạt động khởi nghiệp sẽ trở nên sáng tạo một cách mạnh mẽ hơn", ông Quân cho biết thêm.

Đánh giá về hệ sinh thái ĐMST ở Việt Nam hiện nay, do mới phát triển 5 năm gần đây nên hệ sinh thái ở Việt Nam còn rất non trẻ và các nguồn lực để có tư duy ĐMST cũng mới chỉ ở giai đoạn ban đầu. Vì vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mở ở Việt Nam còn rất hạn chế. Một số điểm sáng có thể kể đến như việc Bộ Khoa học và Công nghệ, một số tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, một vài trường đại học… đang nỗ lực để thúc đẩy các hoạt động về hệ sinh thái ĐMST và cũng đã có những tư duy mở cho ĐMST.

Còn lại một số bộ, ngành cũng như các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vẫn chưa thực sự mở trong vấn đề nguồn lực, tư duy kết nối để có thể thúc đẩy các quá trình ĐMST. "Đây cũng là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội để chúng ta thay đổi và thúc đẩy các nguồn lực vào quá trình ĐMST vào trong nền kinh tế. Chỉ có như vậy, thì Việt Nam mới tạo ra một hệ sinh thái ĐMST mở một cách mạnh mẽ và hiệu quả", ông Quân khẳng định.

Cũng theo ông Quân, một sản phẩm mà startup tạo ra để phục vụ cho xã hội là sự cô đọng của rất nhiều ngành nghề. Do đó, startup sẽ cần sự hỗ trợ của rất nhiều chuyên gia trong mọi lĩnh vực, từ những nhà khoa học chuyên môn, cho đến các chuyên gia công nghệ, chuyên gia ĐMST. Đồng thời, cũng sẽ cần đến các tổ chức hỗ trợ trong suốt quá trình mà startup vận hành doanh nghiệp. Vì vậy, để hỗ trợ startup tạo thành sản phẩm cũng như một mô hình kinh doanh chất lượng thì sẽ phải đòi hỏi một nguồn lực hỗ trợ rất lớn. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải có một hệ sinh thái ĐMST mở để kết nối mọi nguồn lực."Để làm được điều này, đòi hỏi tư duy mở của những nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nhân… để kết nối lại với nhau và đồng bộ hóa bằng tri thức, văn hóa và sự tôn trọng lẫn nhau", ông Quân nói.

Đồng thời, mỗi thành tố trong hệ sinh thái mở cũng phải thay đổi tư duy, thay đổi cách thức để phù hợp cũng như phát huy thế mạnh của mình khi tham gia.

3 xu hướng ĐMST gắn liền với sự phát triển của startup

Theo báo cáo toàn cảnh ĐMST mở Việt Nam 2021 do Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP và Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, có 3 xu hướng ĐMST đang định hình sự phát triển của doanh nghiệp bao gồm: ĐMST dựa trên lý tưởng tồn tại; ĐMST lấy trải nghiệm của khách hàng làm trung tâm; ĐMST dựa trên nền tảng công nghệ cốt lõi. Đối với vấn đề này, ông Quân cho rằng, 3 xu hướng này đều được "kết tinh" trong quá trình mà các startup khởi nghiệp. Cụ thể, để khởi nghiệp, đội ngũ sáng lập phải có khát vọng, tinh thần, lý tưởng để đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề tồn tại, nỗi đau của thị trường, thúc đẩy mô hình kinh doanh sáng tạo.

Còn đối với việc "lấy trải nghiệm khách hàng là trung tâm", đó là xu hướng cá nhân quá. Nhất là trong giai đoạn "bình thường mới" sau dịch COVID-19, người dùng ngày càng quan tâm đến việc chăm sóc cá nhân nhiều hơn. Vì vậy, các trải nghiệm, quá trình cá nhân hóa sẽ ngày càng quan trọng đối với các sản phẩm, dịch vụ. "Đó cũng sẽ là mục tiêu mà các startup hướng đến để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn", ông Quân chia sẻ.

Xu hướng thứ 3 liên quan đến yếu tố công nghệ. Trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp sẽ luôn phải tìm cách để ứng dụng công nghệ và tự động hóa toàn bộ các hoạt động của đơn vị mình.

"Theo tôi, 3 xu hướng đó không thể tách rời nhau mà có thể phải đi chung để tạo ra sức mạnh của startup trong quá trình khởi nghiệp", ông Quân khẳng định.

theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top