Bài 1: Nỗi lo chạy tàu “máy lão”
“Khi tàu đánh cá gặp sóng to, gió lớn, phải tăng ga cho tàu vượt qua đầu ngọn sóng. Máy tàu quá cũ, nó xì ra nhiều bệnh, may thì cầm cự được kịp gọi tàu bạn tới cứu giúp; còn xui thì chết máy, sóng biển phía sau chồm tới phủ lên cả boong tàu coi như tiêu luôn” - thợ máy và chủ tàu Nguyễn Văn Minh, ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi nêu lên thực trạng.
“Ma trận” hàng bãi
Chưa đầy 1 tháng đầu năm 2022, trên khu vực biển Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu đã xảy ra 2 vụ tai nạn tàu cá, chìm 2 chiếc tàu, mất tích 4 người. Còn số tàu bị hỏng máy ở biển khơi được tàu của ngư dân, lực lượng Biên phòng, Hải quân, trung tâm cứu hộ, cứu nạn hàng hải... đến cứu giúp và kéo tàu về bờ, lên đến vài chục chiếc.
Với vai người đi mua máy tàu đánh cá cũ, tôi đã được các chủ xưởng sửa chữa và cửa hàng bán máy cũ chào mời khá nồng nhiệt, thậm chí họ còn kể cặn kẽ đường đi các loại máy cũ. “Máy bãi có nhiều dạng khác nhau, may mắn mới mua đúng hàng bãi từ Nhật Bản. Bởi vì ngư dân Nhật Bản họ sử dụng máy mới 100%, chạy được một thời gian, họ thải ra thành máy bãi, bán lại cho nhiều nước như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia... Tất cả loại máy này được xếp vào “đời đầu” của máy cũ, mua về phải đầu tư thêm tiền tân trang lại máy, sử dụng khoảng 10-15 năm là thành “máy lão”. Máy đã rệu rã, chủ tàu cẩu máy lên bán lại cho con buôn, nó chạy lòng vòng, trở thành máy cũ “đời đầu” bán lại cho ngư dân hám rẻ. Mua phải máy như thế này coi như ôm hận” - chủ tiệm máy L.V.N, ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa giới thiệu.
“Luật bất thành văn”, cả thợ máy và chủ tàu khó biết được bên trong phụ tùng máy bãi như thế nào, chỉ nhìn bên ngoài định giá và mua. Coi như may nhờ rủi chịu, giá từ 80-300 triệu đồng, tùy theo công suất máy. “Nhiều chủ tàu đã mua trúng loại “máy lão” từ Trung Quốc về, phải bù thêm cả 100 triệu đồng mua phụ tùng thay thế, tính ra giá thành quá đắt, chất lượng quá kém. Toàn bộ gia tài của ngư dân đã đổ vào mua máy, hết cách phải chấp nhận vừa làm ăn, vừa run sợ” - ông L.V.N tiết lộ thông tin.
Hiện nay, nhiều chủ tàu có kinh nghiệm đến tiệm sửa chữa chọn mua máy cũ, họ được kiểm nghiệm máy nổ và được chủ tiệm cam kết bảo hành trong vòng 6 tháng. Thời gian bảo hành nếu có bị hư hỏng gì, tiệm máy phải có trách nhiệm cử thợ xuống tàu sửa chữa, thay thế phụ tùng miễn phí. Chủ tàu giữ lại khoản tiền, chiếm khoảng 10% giá trị của máy để ràng buộc trách nhiệm với chủ tiệm trong thời gian bảo hành.
Thông thường, chủ tàu mua máy cũ tại tiệm sửa chữa giá từ 100-200 triệu đồng/công suất máy, chủ tiệm mua lại máy của chủ tàu (đang gắn dưới tàu) theo giá sắt vụn hoặc có thể đắt hơn trên dưới 10 triệu đồng, coi như đôi bên cùng có lợi. Máy được cẩu về xưởng, tháo bung ra hết, xem những bộ phận nào còn sử dụng được thì đánh bóng giống như mới, những phụ tùng nào quá cũ sẽ thay thế từ các máy khác, nếu thiếu bộ phận nào, mua thêm bù vào cho đủ, ráp lại thành cái máy dạng “thập cẩm” với phụ tùng từ nhiều nhà sản xuất.
Vỏ máy được vệ sinh sạch sẽ và phun lên lớp sơn màu máy mới, gặp người mua máy dạng tay ngang, nhìn giống như máy mới tân trang “đời đầu” từ Nhật Bản về; thực chất nó đã qua “đại phẫu” lần thứ 3, thứ 4, được xem là máy “siêu lão”, hoạt động từ 40-50 năm. Chủ tàu khác lại mua máy lắp xuống tàu đi biển, tạo nên vòng đời máy cũ cứ dài ra, số người chết, mất tích trên biển cứ tăng lên hằng năm.
Cuộc đua sắm máy cũ
Những năm gần đây, ngư dân được Nhà nước hỗ trợ tiền dầu 4 chuyến/năm cho tàu đánh cá xa bờ. Tàu có công suất máy 90 - 150CV được hỗ trợ 22 triệu đồng/chuyến; tàu 150 - 250CV (30 triệu đồng/chuyến), tàu 250 - 400CV (55 triệu đồng/chuyến), từ 400 - 700CV (75 triệu đồng/chuyến), từ 700CV trở lên có mức hỗ trợ là 100 triệu đồng/chuyến. Với mức hỗ trợ đáng kể, vô hình trung trở thành cuộc đua “lên đời” công suất máy cũ tàu cá để được hưởng tiền hỗ trợ dầu trong ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ.
“Mua cái “máy lão” với công suất 450CV trị giá 160 triệu đồng, tàu đẩy xuống biển, chủ không vì mục đích chính yếu đi khai thác thủy sản, họ chỉ đi nhắn tin theo đúng quy định của ngành thủy sản để lấy tiền hỗ trợ dầu, mỗi năm được thanh toán 300 triệu đồng, coi như đã có đồng lãi từ mua máy. Năm sau là lãi ròng nên máy cũ có công suất lớn bán chạy như tôm tươi, khách hàng từ các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên tìm đến mua cũng nhiều” - ông L.V.N chỉ ra thực tế.
“Trong thâm tâm, các chủ tàu, thuyền trưởng nào cũng muốn sắm máy mới, họ biết rất rõ máy cũ không an toàn, nó bung ra bất cứ lúc nào ở giữa biển khơi, tính mạng mình cực kỳ nguy hiểm. Thực tế, ở vùng biển Nam Trung Bộ đã có nhiều người chết do máy hỏng ở giữa biển rồi. Mua máy mới 100% giá thành đắt từ 1-4 tỉ đồng, sản lượng đánh bắt liên tục bị sụt giảm, khó kéo lại vốn nên đa phần chủ tàu chấp nhận lắp máy cũ. Nếu nghề mành chụp, họ còn sắm thêm 2 - 4 cái máy phát điện cỡ lớn nữa. Dân nghèo làm sao chịu nổi số vốn quá lớn đó” - chủ tàu cá Huỳnh Quang Năng, ở thành phố Nha Trang nói lên sự thật.
Ở biển khơi, nguy hiểm nhất khi gặp gió cấp 5-7, hoặc tàu đang nằm ở phía rìa tâm bão lớn, sóng biển rất cao, thuyền trưởng tăng ga hết cỡ để cho chiếc tàu cố vượt qua đầu con sóng, gặp “máy lão” nó chịu không nổi sức mạnh của sóng. Ông Năng lý giải: “Trên tàu đánh cá luôn có mấy tấn dầu, gần 1.000 cây đá lạnh, nước ngọt... Lúc cơn sóng thứ nhất vượt qua, đẩy chiếc tàu xuống lượn sâu nhất, máy khỏe sẽ lên nhanh được đầu ngọn sóng tiếp theo. Gặp máy yếu, tàu chở nặng, chạy chậm không vượt qua được đầu ngọn sóng, sóng phía sau lao tới phủ kín và nhấn chìm cả chiếc tàu”.
Bài 2: Chăm máy như chăm con