Theo đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đối số Quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tập trung vào phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy, quảng bá toàn dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số làm cho người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại.
Nghị quyết Đại hội 14 Đảng bộ tỉnh Hậu Giang cũng đã xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, vấn đề quan trọng trong chuyển đổi số của tỉnh chính là xuất phát từ sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị, cho đến cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân, bởi vì "Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ”.
Với phương châm “Phát triển Chính quyền số làm cho người dân tin hơn, phát triển kinh tế số làm cho người dân giàu hơn, phát triển xã hội số làm cho người dân hạnh phúc hơn”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, đề nghị, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương và của tỉnh. Phải xác định chuyển đổi số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân; trong đó lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, là chủ thể quan trọng nhất, là mục tiêu, yêu cầu, động lực và là đối tượng chính thụ hưởng thành quả của quá trình chuyển đổi số.
Tập trung xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cho cấp sở, huyện, xã, phường, thị trấn, trường học, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó có đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng tại 100% các ấp, khu vực để làm lực lượng nòng cốt trong thực hiện chuyển đổi số toàn dân.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân về chuyển đổi số. Nghiên cứu, có cơ chế thu hút, mời các chuyên gia công nghệ trong và ngoài tỉnh, tham gia tư vấn, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số cấp tỉnh; nghiên cứu đề xuất thành lập Tổ chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số cho Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh.
Theo báo cáo đánh giá kết quả chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, tỉnh Hậu Giang đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố, năm 2021 đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố. Với kết quả này cho thấy, nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân đã có chuyển biến tích cực. Đặc biệt là doanh nghiệp, người dân đã bắt đầu có ý thức trách nhiệm và mong muốn được tham gia vào quá trình chuyển đổi số.