Chủ động nắm bắt
Ông Trần Minh Nìm, Cơ sở mật ong Hương Tràm, ở huyện Long Mỹ, cho biết: Ngoài tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, cơ sở còn mở rộng các kênh online để hướng tới số lượng khách hàng ở xa, muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm mật ong một cách nhanh chóng khi có nhu cầu mua hàng. Các thông tin, hình ảnh, chứng nhận tiêu chuẩn đầy đủ, rõ ràng được đăng tải lên tạo niềm tin nhất định cho khách hàng. Kể từ khi đa dạng các hình thức quảng bá, bán hàng, có thể thấy doanh thu chuyển biến tích cực, tăng khoảng 30% so với trước đây chỉ làm mỗi kênh trực tiếp. Xuất phát từ nhu cầu phân phối sản phẩm đi xa hơn, cơ sở còn có nhiều cải tiến quan trọng trong bao bì, cách đóng chai, đóng gói để vận chuyển và bảo quản sản phẩm tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia vào các gian hàng giao dịch TMĐT trong nước phổ biến hiện nay như Voso.vn, Postmart.vn... để tăng cường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, phù hợp với tình hình phát triển trong giai đoạn hiện nay. Sàn TMĐT Voso.vn đã đăng được 32 đơn vị, đưa 58 sản phẩm đạt chuẩn OCOP lên sàn, thời gian qua tiêu thụ hơn 32,4 tấn sản phẩm, tổng trị giá 512 triệu đồng. Còn sàn PostMart đã đăng 47 đơn vị với 89 sản phẩm, trong đó 54 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tiêu thụ 4.032kg sản phẩm, với tổng trị giá 721 triệu đồng.
Giải pháp để thúc đẩy thương mại điện tử
Có thể nói, kết quả bước đầu còn khiêm tốn so với tiềm năng hiện nay, nhưng đây chính là cơ hội để các cơ sở bắt tay vào quá trình chuyển đổi số và làm quen kinh doanh trên thị trường điện tử, chuẩn bị hành trang cơ bản sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế. Sau thời gian triển khai hỗ trợ, quá trình đưa sản phẩm lên sàn TMĐT cũng còn các hạn chế khi một vài doanh nghiệp, hợp tác xã chưa mạnh dạn tham gia, còn ngại đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Nguồn cung chưa đảm bảo theo yêu cầu do sản xuất còn manh mún, thiếu tính liên kết. Hầu hết còn hiểu biết ít về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, quảng bá, xây dựng hình ảnh cũng như dịch vụ sau bán hàng.
Ông Lê Hồng Đức, Trưởng phòng giải pháp Quảng cáo, Công ty Cổ phần Công nghệ Haravan, nhận định: Hậu Giang là tỉnh có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, tuy nhiên quy mô chủ yếu vẫn là cơ sở nhỏ, siêu nhỏ, rất cần sự hướng dẫn, đào tạo, tập huấn từ các ngành chức năng, tiếp cận được các giải pháp công nghệ phù hợp. Ngoài chú trọng về chất lượng và đa dạng hơn các sản phẩm chế biến, quan trọng nhất là đầu tư về hình ảnh, cải thiện bao bì, bởi đây là ấn tượng đầu tiên của sản phẩm gửi đến khách hàng không thể tiếp cận trực tiếp. Một khi làm tốt khâu này sẽ là động lực bán hàng tốt hơn trên môi trường trực tuyến.
Còn ông Mai Hồng Quân, Phó Giám đốc Viettel Post Hậu Giang thì nhấn mạnh các yếu tố quan trọng khi đã có sản phẩm tốt là quảng cáo, bán hàng, đóng gói, nhiều đổi mới so với cách truyền thống mà cơ sở cần cập nhật để thích ứng trên môi trường trực tuyến. Viettel Post sẽ phối hợp với các sở, ngành tỉnh tổ chức những buổi tập huấn, đào tạo trực tiếp, hướng dẫn đăng ký, quản lý đơn hàng và cập nhật các mảng kiến thức mà cơ sở, hộ nông dân đang cần.
Bên cạnh việc kết nối, đào tạo và huấn luyện cho các hộ sản xuất, chính quyền địa phương cũng cần giữ vai trò chủ động trong xây dựng và quảng bá hình ảnh nông sản của tỉnh, tạo dấu ấn nhất định thị trường để tạo sức lan tỏa, làm điểm tựa vững chắc và truyền cảm hứng để bà con nông dân mạnh dạn áp dụng các kiến thức mới, mang sản phẩm của tỉnh vươn xa.