Tham dự có ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh; cùng 100 đại biểu đến từ Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phía Nam; hơn 30 doanh nghiệp CNTT, hội, hiệp hội trong lĩnh vực CNTT trên cả nước.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số tại Hậu Giang với các doanh nghiệp CNTT trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo tỉnh.
Ký kết thỏa thuận hợp tác với 07 doanh nghiệp
Tại hội thảo lần này, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang cũng tập trung giới thiệu cơ hội, tiềm năng đầu tư về CNTT tại Hậu Giang. Với chỉ số năng cạnh tranh (PCI) xếp thứ 39/63, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 27/63, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 33/63, chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) xếp 50/63 và chỉ số chuyển đổi số (DTI) xếp thứ 28/63, cùng vị trí địa lý thuận lợi Hậu Giang có rất nhiều tiềm năng và lợi thế so với các tỉnh trong vùng.
Dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang đã ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số tại Hậu Giang với với 7 doanh nghiệp CNTT trong và ngoài tỉnh: Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Tập đoàn VNPT, Công ty Base.vn, Công ty RYNAN Technologies Vietnam, Công ty Cổ phần MISA, Công ty Next Vision, Trung tâm CNTT Đại học Cần Thơ. Các bên sẽ tăng cường hợp tác nhằm hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại địa phương, hợp tác, huy động sự tham gia của các bên nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2022 - 2025 thông qua việc truyền thông, hỗ trợ, tư vấn, triển khai để các cơ quan, tổ chức và người dân được trải nghiệm, sử dụng các sản phẩm, giải pháp...
Chia sẻ tại hội thảo, bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, khẳng định: Hậu Giang đã xác định các lĩnh vực trọng tâm để phát triển tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, gồm 4 trụ cột là công nghiệp – nông nghiệp – đô thị - du lịch và chuyển đổi số được xem là giải pháp xuyên suốt trong các lĩnh vực, để tạo động lực phát triển mới cho mọi hoạt động của tỉnh. Năm 2022 được Hậu Giang xem là “Năm doanh nghiệp”, tỉnh đang quan tâm triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh với các tỉnh, thành để thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó có CNTT. Để hiện thực hóa các mục tiêu, giải pháp về chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực đồng thời thu hút doanh nghiệp CNTT đầu tư tại Hậu Giang. Hội thảo lần này là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm cũng như giúp doanh nghiệp tìm hiểu tiềm năng đầu tư vào Hậu Giang.
Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh: Hội thảo Xúc tiến đầu tư và kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ CNTT trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 là hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại Hậu Giang và các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Chuyển đổi số hiện nay là vấn đề toàn cầu chứ không riêng gì tại Việt Nam, đây là xu thế tất yếu. Đảng ta đã có các chủ trương, định hướng, đường lối về chuyển đổi số rất rõ, vấn đề đặt ra là cần làm thế nào, bắt đầu từ đâu và ai là người đứng ra thực hiện?.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho rằng: “Chuyển đổi số bao bao gồm: xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Để thực hiện chuyển đổi số chúng ta cần làm tốt bài toán cung - cầu sản phẩm, dịch vụ về chuyển đổi số. Hội thảo Xúc tiến đầu tư và kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ CNTT lần này nhằm kết nối chính quyền và doanh nghiệp, kết nối giữa các hiệp hội với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế. Thời gian qua, phía doanh nghiệp CNTT đã cung cấp nhiều sản phẩm công nghệ cao, chất lượng tốt, nhưng vấn đề đặt ra là nhu cầu sử dụng chưa có. Do đó, hội thảo lần này sẽ góp phần giải quyết tốt bài toán về cung - cầu sản phẩm, dịch vụ CNTT. Ngoài ra, còn giúp tìm lời giải, cách làm hay về chuyển đổi số. Hậu Giang đang tập trung phát triển nông nghiệp, việc tổ chức hội thảo tại tỉnh cũng góp phần giúp địa phương tìm lời giải, giải quyết bài toán cung - cầu về sản phẩm, dịch vụ CNTT trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đây, để nông sản Hậu Giang không chỉ phục vụ doanh nghiệp, mà còn vươn tầm ra thế giới. |
Theo báo cáo: Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện có 2.796 doanh nghiệp đang hoạt động trong đó có 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về công tác chuyển đổi số, 100% doanh nghiệp đã chuyển đổi số với những nghiệp vụ có liên quan như: thuế, hải quan. Đa phần các doanh nghiệp hiện nay chỉ chú trọng các yếu tố như: sản phẩm, thị trường, tài chính, chiến lược kinh doanh, chưa quan tâm đến việc đẩy mạnh công nghệ. Trong khi chuyển đổi số đối với doanh nghiệp có tầm quan trọng rất lớn góp phần giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường, giảm chi phí vận hành, thuận tiện hơn trong điều hành… Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp đến nay vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Đồng ý với nhận định trên, ông Nguyễn Chí Tâm, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, chia sẻ: “Khó khăn của doanh nghiệp tại Hậu Giang trong chuyển đổi số là thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thiếu thông tin, cơ sở hạ tầng về công nghệ số. Khó khăn về chi phí đầu tư các giải pháp công nghệ số; khó thay đổi thói quen, tập quán trong kinh doanh truyền thống. Hầu hết doanh chưa khái niệm được những việc cần phải làm để thực hiện chuyển đổi số… Trong khi đó, chúng ta nhận thấy, nếu không chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ bị thụt lùi so với các doanh nghiệp cùng ngành. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi mang tính chiến lược của một doanh nghiệp, vì vậy cần có kế hoạch thực hiện và mục tiêu rõ ràng. Trong quá trình chuyển đổi số thì dữ liệu sẽ trở thành tài sản quý giá và lớn nhất của doanh nghiệp, vì dữ liệu là tiền đề của quá trình phân tích số liệu”.
Tại hội thảo, các tham luận của diễn giả cũng khẳng định: Chuyển đổi số không chỉ có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp, mà ngày nay, chuyển đổi số dựa trên thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương cũng là vấn đề cần được tập trung thực hiện. Theo ông Trương Văn Khải, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời, cho rằng: “Với đặc thù là vùng chuyên canh lúa gạo, Hậu Giang và các tỉnh, thành phía Nam có thể thực hiện các giải pháp phát triển trong sản xuất lúa gạo như: nghiên cứu, phát triển nhiều giống lúa mới, xây dựng các quy trình canh tác trên cây lúa phù hợp với yêu cầu của các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản… chúng ta cần quy hoạch lại vùng trồng theo năng lực của các nhà máy trong khu vực, qua đó đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu để tăng giá trị hàng hóa. Phát triển vai trò các hợp tác xã liên kết sản xuất các cánh đồng lớn, liên kết đơn vị tiêu thụ lúa gạo để tạo đầu ra ổn định. Đặc biệt, việc áp dụng cơ giới hóa là yếu tố khá quan trọng góp phần giảm chi phí sản xuất”....
Tiến sĩ Lã Hoàng Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Hậu Giang hiện có rất nhiều cơ chế và chính sách dành cho doanh nghiệp CNTT. Trong đó, mục tiêu phát triển doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh để các doanh nghiệp công nghệ số có khả năng giải quyết bài toán về kinh tế - xã hội của tỉnh, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân… |