Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường nhấn mạnh, để chuyển đổi số trong các KCN, KKT trên địa bàn thành phố có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới, chúng ta cần phải làm rõ những vấn đề tồn tại trong các cơ quan nhà nước hiện nay như: nền tảng, hạ tầng, kho dữ liệu, các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số, việc đổi mới áp dụng công nghệ số trong quản lý thông tin, cải cách thủ tục hành chính …Trong quá trình đó, các cơ quan đơn vị của thành phố cần giải quyết các bài toán về hạ tầng phục vụ các doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hấp dẫn được các nhà đầu tư…
Ảnh minh họa |
Báo cáo tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế cho biết, năm 2022, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đặt ra mục tiêu 100% cán bộ công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp trong các KCN, KKT sử dụng và tương tác với Ban Quản lý thông qua Hệ thống phần mềm quản trị và điều hành điện tử tích hợp (eHEZA); 100% công việc được xử lý toàn bộ trên Hệ thống phần mềm Văn phòng điện tử; 60% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu bằng các công cụ số; các doanh nghiệp trong KCN, KKT đáp ứng yêu cầu chuyển đổi về nhận thức, nhân lực, hạ tầng, nền tảng, ứng dụng, dữ liệu…; 80% thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 70% thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhằm đáp ứng nhu cầu, yêu cầu sử dụng khai thác của cơ quan, các đơn vị trực thuộc, người lao động và doanh nghiệp trong các KCN…Đặc biệt, phấn đấu đến quý III năm 2022 các KCN, KKT sẽ không còn điểm lõm sóng.
Đến năm 2025, phát triển kinh tế số trong các KCN, KKT sẽ đạt tối thiểu 30% GRDP của thành phố; tốc độ tăng năng suất lao động trong các KCN bình quân trên 15%/năm; 80% các quyết định điều hành được hỗ trợ bởi các hệ thống phân tích dữ liệu thông minh; 90% văn bản điện tử, hồ sơ điện tử, hồ sơ TTHC được ký số, số hóa và trả cho tổ chức, doanh nghiệp trên môi trường số…
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý KKT vướng mắc hạn chế lớn nhất hiện nay đối với KCN, KKT là một số nhà mạng chưa có tuyến cáp dự phòng vào trong KCN; hạ tầng trạm viễn thông di động các nhà mạng đang tự phát triển dẫn tới việc bố trí diện tích hạ tầng tiện ích găp nhiều khó khăn; các nhà mạng chưa có sự chia sẻ việc dùng chung hạ tầng sẵn có để có thể tăng chất lượng dịch vụ sóng di động; việc kết nối trong KCN bị phân tán do KCN bị chia cắt làm nhiều khu vực…
Liên quan đến những vướng mắc, cơ chế đầu tư trong các KCN, KKT mà các doanh nghiệp viễn thông nêu ra tại cuộc họp, phát biểu tại cuộc họp Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông – Lê Văn Kiên cho rằng hạ tầng viễn thông luôn được coi là hạ tầng thiết yếu, về quy định giá thì thành phố đã ban hành đơn giá từ năm 2019 để các doanh nghiệp có thể tham khảo đưa vào hiệp thương giá. Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cũng nêu rõ, các doanh nghiệp thứ cấp cần khẩn trương hoàn thiện các vấn đề mang tính pháp lý như: đăng ký giá, chia sẻ việc dùng chung trạm BTS, nguyên tắc đầu tư phải trên cơ sở dùng chung…
Kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường ghi nhận Hệ thống phần mềm quản trị và điều hành điện tử tích hợp eHEZA do Ban Quản lý KKT tiên phong triển khai đã mang lại hiệu quả cao, hỗ trợ các hoạt động quản lý điều hành. Phó Chủ tịch đánh giá các giải pháp của Ban Quản lý KKT đưa ra bước đầu có sự đồng bộ. Về dịch vụ hành chính công, theo Phó Chủ tịch phải hướng đến cung cấp các dịch vụ mới, cung cấp dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, đưa các dịch vụ công lên cấp 4, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công, tận dụng dịch vụ bưu chính công ích trong việc trả hồ sơ…
Phó Chủ tịch cũng đề nghị các cơ quan quản lý thành phố cần có cơ chế phối hợp minh bạch, tăng cường tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, quan tâm đến phát triển hạ tầng tại các KCN, KKT. Đối với các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp hạ tầng cần phải nâng cao nhận thức, các doanh nghiệp phải hiệp thương thỏa thuận giá với nhau… đảm bảo chất lượng, hướng đến mục tiêu ko có vùng lõm sóng trong các KCN, KKT./.