Nhiều thay đổi từ chuyển đổi số…
Ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp Hải Dương rất cụ thể và không còn xa lạ với người dân Hải Dương. Đó là họ sử dụng điện thoại thông minh để điều khiển bón phân, tưới nước tự động từ xa qua một hệ thống camera giám sát cùng các thiết bị cảm biến tự động. Nhiều diện tích chăn nuôi thủy sản nhờ sử dụng hệ thống quan trắc, cho vật nuôi ăn, điều chỉnh tự động kết nối thông báo tới điện thoại thông minh.
Bắt kịp xu hướng phát triển, nông nghiệp Hải Dương đang có bước chuyển mình trên con đường số hóa để nâng cao giá trị sản xuất. Đây là "chìa khóa" giúp tỉnh mở cánh cửa nền nông nghiệp hiện đại. Một con số chứng minh là năm 2021, sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh Hải Dương ước đạt 20.308 tỷ đồng, bằng 103,35% so với kế hoạch, đứng thứ 2 toàn quốc về giá trị.
Theo anh Phạm Đình Dừa – Hộ sản xuất con giống gia cầm tại huyện Gia Lộc cho biết, ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất ban đầu có tốn kém nhưng thu được hiệu quả lâu dài, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hiện 14 máy ấp trứng với công suất 1,9 vạn quả/máy/2 ngày được cài đặt thiết bị cảm biến, liên tục cập nhật số liệu về nhiệt độ, sau đó truyền về phần mềm cài sẵn trên điện thoại thông minh để kịp thời xử lý khi có những ảnh hưởng bất thường ảnh hưởng trong quy trình ấp nở. Ngoài ra, hệ thống chuồng trại nuôi gà được trang bị hơn 40 camera giám sát. Việc ăn uống, vận hành quạt thông gió cũng tự động, chỉ cần mang theo điện thoại thông minh thì ở đâu cũng có thể điều hành được trang trại.
Theo ông Bùi Văn Thành - Chủ cơ sở sản xuất Bột sắn dây Thành Nhàn, ngoài kinh doanh theo hình thức truyền thống, cơ sở đã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Ladada, Sen đỏ, trang Facebook và tại các siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc. Hiện mỗi tháng, cơ sở cung cấp cho thị trường 4.000 - 5.000 gói sản phẩm các loại làm từ bột sắn dây nguyên chất.
Còn theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương), đơn vị đang phối hợp huyện Thanh Miện, Thanh Hà để triển khai lắp đặt, vận hành thí điểm 2 trạm khí tượng thông minh iMetos để theo dõi biến động khí tượng của một số cánh đồng lúa chất lượng (giống BT7) và theo dõi tác động của biến động khí hậu đến tỷ lệ ra hoa, sinh trưởng, phát triển, đậu quả vải. Các trạm iMetos có chức năng giám sát các thông số thời tiết; từ đó đưa ra dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, quy luật tác động của thời tiết đến sự bùng phát của sinh vật gây hại, đưa ra biện pháp quản lý tưới tiêu và bón phân cho cây trồng một cách an toàn. Ngoài ra, nếu người dân có nhu cầu nắm bắt những thông tin này sẽ được chia sẻ qua ứng dụng được tích hợp trên điện thoại thông minh hay máy tính có kết nối internet.
Theo ông Vũ Khắc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Miện, chuyển đổi số trong trồng trọt đã giảm áp lực cho khuyến nông viên. Đặc biệt, nhờ có trạm khí tượng mà công việc của trung tâm không chỉ bớt vất vả mà còn nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả cao hơn.
Để từng bước chuyển mình
Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Hải Dương phấn đấu giá trị sản xuất đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 210 triệu đồng/ha. Để thực hiện được điều này, ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương xác định thực hiện cơ cấu lại theo định hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; thực hiện đổi mới phương thức tổ chức sản xuất; đổi mới chất lượng sản phẩm theo hướng tiêu chuẩn; nghiên cứu thị trường tiêu thụ; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới về khoa học - công nghệ, chuyển đổi số...
Tuy nhiên, để làm được điều này, theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, ngoài sự thay đổi nhận thức của người nông dân thì cũng cần có sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt đồng bộ của các sở ngành và các cấp, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống truyền thông ủng hộ giải pháp thay thế ghi chép nhật ký giấy thủ công thành nhật ký điện tử; các sản phẩm phải có dán tem xác thực chất lượng quản lý tới tận hộ, các nhãn hàng bán trên sàn thương mại điện tử, siêu thị phải có tem xác thực chất lượng, để người tiêu dùng có thể kiểm chứng chất lượng, quá trình sản xuất theo thời gian thực.
Theo bà Lương Thị Kiểm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, để chiếm lĩnh được nền nông nghiệp số hiện đại.bên cạnh tham mưu cho tỉnh Hải Dương hỗ trợ thực hiện mô hình thông minh để tạo điểm nhấn, làm đòn bẩy cho sự phát triển chung, đơn vị cũng định hướng nông dân từ tiếp cận đến sử dụng và vận hành thành thạo ứng dụng chuyển đổi số.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện UBND huyện Tứ Kỳ cho biết, năm 2022, huyện Tứ Kỳ có kế hoạch đầu tư hơn 29,7 tỷ đồng để triển khai thực hiện đề án "Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, hiệu quả và bền vững giai đoạn 2021-2025". Huyện sẽ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi thủy sản tập trung; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao...
Được biết, thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, trong năm 2022, tỉnh Hải Dương sẽ hỗ trợ 12 cơ sở nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số. Trong đó, huyện Gia Lộc có 3 cơ sở, TP Chí Linh và Ninh Giang mỗi nơi 2 cơ sở; thị xã Kinh Môn và các huyện Kim Thành, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Thanh Miện mỗi địa phương 1 cơ sở.
Các cơ sở này sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí mua trang thiết bị để sử dụng nền tảng kỹ thuật số trong điều hành sản xuất, hệ thống điều khiển từ xa, nước tưới tự động, hệ thống dự báo, cảnh báo dịch hại... Các cơ sở được hỗ trợ là các nhà màng, nhà lưới có quy mô tối thiểu 3.000 m2 để sản xuất rau thủy canh, dưa lưới, dưa thơm, cây giống… cho giá trị kinh tế cao; cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn và các vùng nuôi thủy sản tập trung quy mô từ 5 ha trở lên; cơ sở nuôi cá sông trong ao và cơ sở sản xuất con giống.