Đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại buổi diễn tập
Tham gia diễn tập có 12 đội với thành viên là những cán bộ chuyên về công nghệ thông tin ở các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, gồm: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Hải Dương và UBND huyện Ninh Giang, UBND huyện Bình Giang, VNPT Hải Dương, Viettel Hải Dương, Công ty FPT Hải Dương và Sở TT&TT Hải Dương.
Phát biểu tại buổi diễn tập, đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Sở TT&TT, lực lượng Công an tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan trong bảo đảm an toàn, an ninh thông tin thời gian qua. Đồng chí khẳng định buổi diễn tập là cơ hội để các đơn vị tham gia rèn luyện, trau dồi thêm kỹ năng về công nghệ thông tin, đối phó kịp thời trước các cuộc tấn công mạng; nâng cao ý thức, trình độ cho cán bộ kỹ thuật, nhận thức của cộng đồng về an toàn thông tin mạng... Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị các đội tham gia diễn tập tập trung vào các tình huống cụ thể, làm việc theo nhóm để ứng phó nhanh với tình huống tấn công mạng...
Các đội tham gia diễn tập được giới thiệu về tình hình an toàn, an ninh thông tin trên thế giới, ở Việt Nam trong năm 2019 và tham gia diễn tập đảm bảo an toàn, an ninh mạng qua việc thực hiện nhận diện, xử lý các tình huống tấn công mạng theo kịch bản mô phỏng liên quan đến chủ đề "Giám sát và bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin tỉnh Hải Dương".
Chuyên gia của Công ty Cổ phần BKAV giới thiệu về tình hình an toàn, an ninh thông tin ở Việt Nam và trên thế giới
Theo thông tin tại cuộc diễn tập, tính đến hết năm 2018, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã ghi nhận và điều phối, xử lý 19.220 cuộc tấn công mạng các loại nhằm vào hệ thống mạng tại Việt Nam. Trong đó, khoảng 60% hệ thống mạng trong các cơ quan, doanh nghiệp nhiễm mã độc đào tiền ảo; 1,6 triệu máy tính bị virus xóa dữ liệu. Đặc biệt, đã ghi nhận có hơn 200 nhóm đối tượng tấn công mạng có chủ đích APT thuộc loại đặc biệt nguy hiểm. Ngoài ra, qua giám sát từ bên ngoài đã phát hiện trên 4 triệu địa chỉ IP trong các mạng máy tính "ma", trong đó có trên 900 địa chỉ IP của cơ quan nhà nước.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) dự báo, xu hướng tấn công mạng tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ tập trung vào các mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện trong năm dưới hình thức những mẫu thử nghiệm; các mã độc mã hóa tống tiền; mã độc xóa dữ liệu; mã độc đào tiền ảo và tấn công có chủ đích APT nhằm vào các hệ thống thông tin của các cơ quan chính phủ và chủ quản hệ thống thông tin hạ tầng quan trọng quốc gia tại Việt Nam. Các loại mã độc này có thể kết hợp nhiều con đường lây nhiễm khác nhau để tăng tối đa khả năng phát tán, trong đó phổ biến nhất là khai thác lỗ hổng phần mềm, hệ điều hành và qua email giả mạo.
Hải Dương hiện được xếp thứ 53 trong bảng xếp hạng an toàn thông tin của Việt Nam, nằm trong nhóm 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xếp loại C, là nhóm quan tâm triển khai an toàn thông tin ở mức trung bình. Hàng năm, Sở TT&TT Hải Dương đã phối hợp với Công an tỉnh duy trì tổ chức diễn tập đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Sở TT&TT Hải Dương trao giải Nhất, Nhì, Ba cho các đội đoạt giải và Cờ lưu niệm cho các đội tham gia diễn tập
Kết quả diễn tập đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng trên địa bàn tỉnh năm 2019, đội VNPT Hải Dương năm thứ hai liên tiếp đoạt giải Nhất, Sở TT&TT đoạt giải Nhì, huyện Bình Giang đoạt giải Ba.
Chương trình diễn tập lần này giúp nâng cao nhận thức và trình độ, năng lực phòng chống phần mềm độc hại, đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần nâng cao chỉ số xếp hạng về an toàn thông tin của Hải Dương. Đây được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.