Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp các giải pháp dịch vụ công mức độ 3 và 4. (Ảnh: Hồng Hà)
Cung cấp hạ tầng viễn thông cơ bản
Những năm qua, hạ tầng viễn thông và CNTT của tỉnh Vĩnh Phúc dần trở thành hạ tầng của các hạ tầng, góp phần quan trọng thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh. Năm nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động và năm nhà cung cấp dịch vụ internet, truyền hình trả tiền trên địa bàn tỉnh vừa hợp tác vừa cạnh tranh trong việc cung cấp đường truyền ổn định, nâng cao chất lượng dịch vụ cùng với phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng hướng tới khách hàng.
Ông Nguyễn Tất Sáng, Giám đốc VNPT Vĩnh Phúc cho biết, hạ tầng mạng cáp quang băng rộng cố định và hạ tầng mạng di động băng rộng (3G, 4G) được Công ty cung cấp đến các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp và 170 trong số 310 nghìn hộ trong tỉnh, đạt tỷ lệ cao so cả nước. Nhiều giải pháp phát triển hạ tầng viễn thông thụ động được Công ty nỗ lực triển khai như xây dựng các cống, bể cáp, cột phát sóng, tập trung vào phát triển hạ tầng băng rộng cố định và băng rộng di động vươn tới các xã khó khăn. Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng được kết nối đến tất cả cơ quan nhà nước. Tỉnh đã nâng cấp Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử và các cổng thành phần, nâng cấp hệ thống lưu trữ, sao lưu dữ liệu tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh và đang nghiên cứu triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng các cơ quan nhà nước đến cấp xã
Tính đến ngày 30/5/2021, tỉnh Vĩnh Phúc có 2.700 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G đạt 100%, đã lắp đặt xong hai trạm 5G của Viettel chuẩn bị đưa vào sử dụng. Tỷ lệ số thuê bao điện thoại và tỷ lệ số thuê bao điện thoại di động thông minh trên 100 dân lần lượt là 115% và 75,4%. Tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng cố định là 65%. Doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông năm 2020 đạt 1.650 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 80 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Kiên Trung, Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Sở đang chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai chỉnh trang, bó gọn cáp viễn thông. Trong quá trình triển khai hạ tầng đô thị, các ngành đều xem xét quy hoạch hệ thống hạ tầng viễn thông để tạo sự đồng bộ, bổ sung hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động như hào kỹ thuật, cống bể cáp ngầm khi xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, thủy lợi.
Thúc đẩy quá trình số hóa
Trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc đóng vai trò chủ lực, tiên phong trong công tác thông tin, tuyên truyền, đưa vào sử dụng các ứng dụng truyền thông như thông tin dịch bệnh online, khai báo y tế điện tử, bản đồ số dịch tễ Covid-19, thông tin dịch bệnh qua tin nhắn SMS, họp trực tuyến... Tỉnh lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu cách ly tập trung, xây dựng phương án kết nối với hệ thống giám sát tập trung của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh rà quét, giám sát các tin giả, tin xấu liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên không gian mạng. Có thể nói, ngành viễn thông tỉnh đã có đóng góp ấn tượng cho sự thành công trong cuộc chiến chống dịch thời gian qua.
Đứng trước viễn cảnh của kinh tế số, nhiều doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh như VNPT và Viettel Vĩnh Phúc không đặt ra lợi nhuận trước mắt mà tập trung vào các mục tiêu lâu dài. Các doanh nghiệp này luôn sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ chính trị như phòng, chống lụt bão, bảo đảm thông tin liên lạc, trực tiếp góp phần cải thiện chỉ số cạnh tranh của tỉnh thông qua cung cấp các giải pháp dịch vụ công mức độ 3 và 4.
Theo ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc Viettel Vĩnh Phúc, từ hai trạm 5G đã được lắp đặt, theo lộ trình năm sau Công ty sẽ triển khai 5G tại các khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên và các khu công nghiệp. Công nghệ 5G kết nối vạn vật sẽ làm tăng tốc độ đường truyền, triển khai nhiều giải pháp tự động hóa, giao thông thông minh, đèn đường thông minh, trường học thông minh… Hiện nay, Viettel Vĩnh Phúc đang cung cấp các giải pháp phần mềm cho Công ty Thép Việt Đức để hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp này, cụ thể là xây dựng nhà máy thông minh, tối ưu năng lượng, giám sát hiệu năng máy, lắp đặt camera chấm công, camera đếm cây thép. Ông Tuấn giới thiệu một thiết bị giám sát ô-tô cầm tay có lắp SIM đang được thử nghiệm, có thể đọc các lỗi của xe ô-tô trên máy điện thoại cá nhân và phát wifi trên xe ô-tô. Ông khẳng định, với nền tảng hạ tầng như hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông có thể hỗ trợ rất nhiều cho tỉnh Vĩnh Phúc phát triển kinh tế số, xã hội số.
Không chịu đứng lại phía sau, Công ty Mobifone Vĩnh Phúc cũng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hoạt động của chính quyền điện tử. Giám đốc Đỗ Thành Trung cho biết, công ty đang triển khai thí điểm truyền thanh thông minh ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông tại một số xã, cụ thể là hệ thống loa thông minh có lắp SIM 4G có thể vận hành từ xa, giúp đội ngũ truyền thanh cấp xã lên kế hoạch phát sóng tự động, lựa chọn giọng đọc, ngữ điệu phù hợp với nội dung. Giải pháp này sẽ hạn chế tối đa tình trạng loa bị hỏng do thời tiết và bị sét đánh. Mobifone Vĩnh Phúc cũng đang thuê và dùng chung hạ tầng viễn thông với các doanh nghiệp viễn thông khác để tiết kiệm đầu tư, đồng thời đưa ra các giải pháp bảo mật tốt nhất cho khách hàng.
Nhìn chung, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp viễn thông là rất lớn, có thể cung cấp hàng nghìn giải pháp kỹ thuật số giúp chính quyền và doanh nghiệp quản trị tốt hơn. Các doanh nghiệp viễn thông tin tưởng rằng, với hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh và số thuê bao internet đạt tỷ lệ cao, tỉnh Vĩnh Phúc có thể đẩy nhanh tiến trình xây dựng kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, để làm được việc đó, theo đại diện một số doanh nghiệp, tỉnh cần mạnh dạn tiên phong trong ứng dụng kỹ thuật số, các giải pháp tăng năng suất lao động, công khai, minh bạch thông tin và cần có những quyết sách đủ lớn để tạo sự chuyển biến của toàn xã hội. Trong quá trình triển khai chiến lược số hóa, tỉnh cần tranh thủ ý kiến tư vấn của các tập đoàn viễn thông lớn, học hỏi cách làm từ các quốc gia phát triển và các nhà đầu tư quốc tế.
Cần quyết sách mạnh mẽ
Mạnh dạn đầu tư lớn, nghĩ lớn để xây dựng nền kinh tế số và xã hội số không phải là tham vọng xa vời đối với một tỉnh công nghiệp như Vĩnh Phúc. Trước mắt, theo các chuyên gia viễn thông, tỉnh cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho kết nối vạn vật, cung cấp cáp quang băng thông rộng đến từng nhà, tăng cường chuyển đổi số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, tài nguyên và môi trường, quy hoạch đô thị, giao thông vận tải và logistics… qua đó hình thành hệ sinh thái công nghệ phục vụ các doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời cần nâng cấp hạ tầng số và nền tảng số cho một số khu công nghiệp để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực CNTT, điện tử, viễn thông, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm theo định hướng “Make in Vietnam” - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Vĩnh Phúc.
Vĩnh Phúc cần quyết tâm thực hiện chủ trương phổ cập điện thoại thông minh giá rẻ tới 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo; phát triển mới khoảng 2.000 trạm thu phát sóng đến năm 2030; bảo đảm chi cho CNTT đạt tối thiểu 1% tỷ lệ chi ngân sách từ các nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bá Hiến cũng nêu lên những công việc địa phương này có thể triển khai để phát triển hạ tầng viễn thông, như tiếp tục triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP tỉnh Vĩnh Phúc; các ứng dụng nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, tích hợp chữ ký số chuyên dùng, phát triển dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, tăng tỷ lệ ngầm hóa mạng ngoại vi, hạn chế sử dụng hệ thống cáp treo; tăng sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng ngoại vi giữa các doanh nghiệp trong ngành và ngoài ngành, tăng sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông.
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang nghiên cứu ban hành chính sách về chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh cũng bắt đầu triển khai Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025 và một số đề án khác. Vĩnh Phúc đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số đạt tối thiểu 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt hơn 20%; năng suất lao động hằng năm tăng hơn 8%; 100% doanh nghiệp hướng tới nền sản xuất, kinh doanh thông minh; có khoảng 100 doanh nghiệp công nghệ số.
Tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực; phấn đấu 90% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; hơn 75% doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh hơn các sàn giao dịch thương mại điện tử; hơn 50% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử thông qua ứng dụng di động; tất các xã, phường, thị trấn ứng dụng mô hình dịch vụ đô thị thông minh.
Đối với phát triển xã hội số, tỉnh sẽ đẩy mạnh giao tiếp xã hội thông qua các mạng xã hội, các ứng dụng, ưu tiên các dịch vụ như tư vấn pháp lý, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch; thúc đẩy ứng dụng nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, văn bản, tài liệu, hình thành các kho dữ liệu điện tử của tỉnh, sau đó ứng dụng các phần mềm để khai thác dữ liệu. Tỉnh đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, như phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G và các công nghệ di động thế hệ tiếp theo; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử hơn 90%; mỗi người dân có danh tính số, mỗi hộ gia đình có địa chỉ số…
Nhu cầu số hóa hiện nay của các ngành, các tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp là rất lớn. Việc hiện đại hóa hạ tầng viễn thông sẽ giúp tỉnh Vĩnh Phúc sớm tiếp cận nền kinh tế số, tranh thủ thời cơ để phát triển nhanh và bền vững, thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại.