Tham dự cuộc họp có các Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Nguyễn Doãn Toản cùng lãnh đạo các sở, ngành, và 30 quận, huyện, thị xã bằng hình thức họp trực tuyến.
66,6% trường hợp lây nhiễm không có triệu chứng
Theo Sở Y tế Hà Nội, đến nay, Hà Nội có 114 ca mắc (trong đó có 51 trường hợp đã khỏi bệnh và ra viện), riêng ổ dịch tại thôn Hạ Lôi có 13 ca mắc. Thông tin thêm về hai ca bệnh mới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, ngày 14-4, cơ quan chức năng đã phát hiện ca bệnh số 266 ở thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín. Bệnh nhân này đã đến chăm mẹ tại Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai) từ chiều 8-3 đến 10-3. Còn bệnh nhân số 267 là bố của bệnh nhân số 257, chồng của bệnh nhân số 258, có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 243.
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố.
Đánh giá về nguy cơ lây nhiễm, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, ổ dịch tại thôn Hạ Lôi (Mê Linh) diễn biến phức tạp vì số người đi lại, tiếp xúc, liên quan đến ổ dịch tới nhiều địa phương trong thành phố. "66,6% trường hợp lây nhiễm được phát hiện đều không có triệu chứng, chỉ qua công tác xét nghiệm mới phát hiện được. Vì vậy, tình hình dịch trên địa bàn thành phố còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các ca mắc mới hoặc ổ dịch phức tạp", ông Nguyễn Khắc Hiền nhận định.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đối với ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, cơ quan chức năng đã khoanh vùng, cách ly toàn bộ thôn với hơn 11.000 người dân kể từ ngày 8-4, đã lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có 5 ca dương tính, hơn 8.000 người âm tính, còn lại chưa có kết quả. Các đơn vị đã rà soát toàn bộ người mua, bán hoa tại chợ hoa Mê Linh, bước đầu rà soát được 783 người; lấy mẫu 684 trường hợp F1 (6 dương tính, 462 âm tính, còn lại chưa có kết quả). Ngoài ra, cơ quan chức năng đã bố trí 12 chốt, 66 tổ giám sát kiểm soát chặt chẽ người ra, vào thôn.
Về việc xử lý, phòng dịch tại Bệnh viện Thận Hà Nội, cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm, cách ly toàn bộ người bệnh, cán bộ y tế của bệnh viện. Trong đó, những mẫu xét nghiệm của nhân viên tại bệnh viện có kết quả âm tính.
Chưa có việc lây nhiễm Covid-19 từ thôn Hạ Lôi ra các thôn khác
Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, đặc biệt liên quan đến ổ dịch thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, ngoài việc lấy mẫu toàn bộ hộ dân ở thôn Hạ Lôi, cơ quan này đã lấy hơn 1.800 mẫu ở thôn Liễu Trì và đã cho kết quả âm tính.
"Như vậy, đến nay chưa có tình trạng lây dịch từ thôn Hạ Lôi ra thôn bên cạnh", ông Nguyễn Nhật Cảm nói.
Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đề xuất, với tình hình dịch hiện nay, cơ quan chức năng cần chuyển hướng xét nghiệm. Đó là, ngoài việc xét nghiệm sớm tất cả trường hợp F1 để nhanh chóng khoanh vùng, xử lý, cơ quan y tế các địa phương cần tiến hành giám sát trọng điểm những trường hợp viêm đường hô hấp (sốt, ho, viêm phổi) và giám sát những bệnh dịch khác như cúm gia cầm...
Riêng tại huyện Mê Linh, tất cả trường hợp viêm đường hô hấp lập tức được coi là ca nghi ngờ, cần lấy mẫu bệnh phẩm, cách ly để sớm phát hiện ca bệnh. "Những điểm có nguy cơ cao như chợ hoa tại Mê Linh, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và các địa phương khác... cần phải triển khai test nhanh", ông Nguyễn Nhật Cảm đề xuất.
Về việc xử lý ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, đã xác định được 742 trường hợp F1, trong đó có 611 trường hợp là của xã Mê Linh. Liên quan đến chợ hoa Mê Linh, địa phương này đã rà soát được 999 người thuộc 18 xã, thị trấn có đến mua bán, giao dịch tại đây. Huyện Mê Linh đã ban hành quyết định cách ly 783 người. Hiện nay, UBND xã Mê Linh đã tổ chức nghiêm túc cách ly thôn Hạ Lôi, các hộ gia đình được yêu cầu chỉ có 1 người được ra ngoài khi lấy thực phẩm.
Việc rà soát các trường hợp mua bán hoa liên quan đến chợ hoa Mê Linh, quận Bắc Từ Liêm cho biết, đã rà soát, lấy mẫu xét nghiệm được 503 trường hợp, đều cho kết quả âm tính. Quận Tây Hồ cũng tiến hành rà soát chợ hoa Quảng An, lấy mẫu được 219 trường hợp và cũng cho kết quả âm tính.
Báo cáo tại cuộc họp, các quận, huyện khác, như: Cầu Giấy, Long Biên, Hai Bà Trưng, Thường Tín, Đông Anh... cho biết đều đã rà soát, khoanh vùng được các trường hợp liên quan đến các ca bệnh và ổ dịch liên quan đến thôn Hạ Lôi. Những trường hợp F1, F2 đều được tổ chức cách ly đúng quy định.
Tuy nhiên, các địa phương cũng cho biết, dù chưa phát hiện được những ca bệnh mới trên địa bàn nhưng người dân cũng không nên chủ quan, vui mừng sớm, vẫn cần phải đề cao cảnh giác, hạn chế tập trung đông người, tăng cường các công tác phòng, chống dịch.
Tất cả các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly xã hội
Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác thuộc nhóm nguy cơ cao, nên tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ít nhất đến ngày 22-4 hoặc đến ngày 30-4. Vì thế, thành phố đề nghị tất cả các địa phương phải quán triệt tinh thần này, thực hiện nghiêm túc việc cách ly xã hội.
Chủ tịch UBND thành phố đánh giá, mặc dù có số ca nhiễm nhiều nhất cả nước (114 ca) nhưng Hà Nội đang kiểm soát được dịch. "Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nên thành phố đã "bẻ thấp" được đường phát triển của các ca nhiễm. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố còn hai ổ dịch liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai và thôn Hạ Lôi vẫn diễn biến phức tạp", đồng chí Nguyễn Đức Chung nói.
Từ những đánh giá này, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương tiếp tục tuyền truyền, công khai, minh bạch thông tin về diễn biến dịch trên địa bàn thành phố để người dân nắm rõ, từ đó chủ động trong công tác phòng, chống, tránh tâm lý chủ quan. Người dân cần ý thức rõ, khi có biểu hiện ho, sốt thì phải khẩn trương thông tin tới cơ sở y tế trên địa bàn để được xét nghiệm; thường xuyên giữ gìn vệ sinh, rửa tay, đeo khẩu trang và coi đó trở thành thói quen trong cuộc sống hằng ngày.
Nhắc lại hai trường hợp ca bệnh số 243 và ca bệnh tại huyện Thường Tín được phát hiện nhờ xét nghiệm, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, các địa phương, đơn vị cần xác định hiện nay công tác xét nghiệm là đặc biệt quan trọng. Việc xét nghiệm phải thực hiện cả hai hình thức là test nhanh và xét nghiệm RT-PCR. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tiếp tục tổ chức xét nghiệm nhanh, thực hiện kiểm tra, xét nghiệm ngay các trường hợp F1, F2 để từ đó thực hiện khoanh vùng. Tất cả trường hợp F1 sẽ phải được chuyển đến khu cách ly tập trung, không được cách ly tại bệnh viện.
Bênh cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phải nâng cao năng lực lấy mẫu xét nghiệm, có khả năng lấy mẫu từ 5000-7000 mẫu/ngày; thông báo kịp thời các quận, huyện, thị xã ngay khi có kết quả xét nghiệm để có biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung giao Sở Y tế, lực lượng quản lý thị trường, Công an thành phố tăng cường kiểm tra các đơn vị, cá nhân, cửa hàng kinh doanh trang thiết bị y tế, trong đó có khẩu trang, nước sát khuẩn, không để xảy ra tình trạng tăng giá.
Sở Y tế và các đơn vị đã được phân bổ ngân sách phải chủ động rà soát các trang thiết bị y tế, tổ chức mua bổ sung, bảo đảm đúng quy trình, không để thất thoát, xảy ra tiêu cực. "Sở Y tế phải là đơn vị chủ trì mua sắm trang thiết bị y tế. Nếu để xảy ra chuyện tiêu cực, tham nhũng là có tội với người dân và mang tiếng không chỉ trong nước mà còn với cộng đồng quốc tế. Các đơn vị phải mời các ban, ngành liên quan giám sát để bảo đảm sự công khai, minh bạch", đồng chí Nguyễn Đức Chung chỉ đạo.
Sở Nội vụ phải kịp thời đề xuất khen thưởng những cá nhân, gương "người tốt, việc tốt" trong công tác quyên góp, ủng hộ đầy tính nhân văn hay trong công tác tuyên truyền với sự góp sức của các cơ quan báo chí. Có thể khen thưởng bằng nhiều hình thức.
Về việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường các đơn vị ứng trực 24/24h để tiếp nhận thông tin của người dân, thực hiện kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời. Các địa phương cần tuyên truyền, vận động, giám sát nhân dân thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội; tăng cường xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang; nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ tại cơ sở.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều nay, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. "Thành công này là có sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của người dân, từ phường, xã đến các thôn, tổ dân phố, ban quản lý các tòa nhà. Tôi yêu cầu các đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần này, trong thời gian tới quyết liệt hơn nữa. Trong tuần tới, nếu chúng ta phản ứng nhanh hơn với các trường hợp nghi ngờ thì sẽ khoanh được dịch", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.