Hà Nội hướng tới xây dựng thành phố thông minh, hiện đại.
Tạo cơ chế chính sách để xây dựng thành phố thông minh
Hà Nội hiện đang phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Vị trí trung tâm của Thủ đô cũng như các thành tựu trong phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân cũng tạo ra áp lực đô thị hóa, quá tải hạ tầng rất lớn. Trong quá trình phát triển đô thị đã đặt ra các vấn đề như: ách tắc giao thông, chất lượng nước sạch, ô nhiễm môi trường (không khí, nước thải, rác thải, ô nhiễm tiếng ồn), bên cạnh đó là quá tải về hạ tầng kỹ thuật đô thị, các vấn đề liên quan đến hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao…
Chính vì vậy, việc ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền Thành phố và cung cấp dịch vụ công đã được Hà Nội quan tâm từ nhiều năm nay. Ngay từ năm 2014, Hà Nội đã đi những bước đi đầu tiên tìm hiểu về xây dựng thành phố thông minh. Đến năm 2016, bắt đầu triển khai một số ứng dụng thành phố thông minh theo phương thức vừa làm vừa rút kinh nghiệm và bước đầu đạt được hiệu quả nhất định.
Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, bao gồm cả các ứng dụng thí điểm liên quan đến thành phố thông minh. Đến năm 2019, Thành phố đề ra yêu cầu xây dựng Đề án "Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến 2030" với mục đích xác định một lộ trình tổng thể, đồng bộ để xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một thành phố thông minh, có vị trí xứng đáng trong Mạng lưới các thành phố thông minh của ASEAN và thế giới.
Đề án tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm trong nước, quốc tế và trên cơ sở điều kiện cụ thể của Thủ đô Hà Nội, xác định các giải pháp về cơ chế chính sách, công nghệ và đầu tư nhằm mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một thành phố thông minh bền vững. Đề án sẽ là cơ sở để xây dựng, triển khai các ứng dụng thành phố thông minh cụ thể trong tương lai. Mặt khác, Đề án cũng là căn cứ để xác định các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế xã hội khác của thành phố nhằm bảo đảm yếu tố "thông minh, bền vững ngay từ bước quy hoạch".
Thiết lập hệ thống CNTT theo hướng tổng thể, đồng bộ
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, để hướng tới mục tiêu "xây dựng thành phố thông minh", hiện tại, Hà Nội đã bắt đầu thiết lập hệ thống CNTT theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn Thành phố; chuyển đổi từ hình thức triển khai nhỏ lẻ sang triển khai tập trung; tập trung ưu tiên triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành tích hợp thành hệ thống dữ liệu lớn, bảo đảm kết nối chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định.
Thành phố tiếp tục duy trì hoạt động và đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đối với Trung tâm dữ liệu nhà nước Hà Nội tại số 185 Giảng Võ (đã đưa vào hoạt động từ năm 2012) để cài đặt, duy trì các hệ thống thông tin chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Đồng thời, thời gian tới, thành phố tiếp tục đề xuất các giải pháp triển khai các cấu phần cơ bản phục vụ xây dựng thành phố thông minh như: Trung tâm dữ liệu chính, Trung tâm dữ liệu dự phòng, Trung tâm điều hành thông minh.
Hà Nội cũng tiếp tục triển khai hạ tầng CNTT, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị phục vụ triển khai ứng dụng CNTT theo định hướng của Trung ương và Thành phố.Tiếp tục duy trì và triển khai mở rộng hạ tầng mạng diện rộng của thành phố (mạng WAN) đến 579/579 xã, phường, thị trấn, kết nối cơ quan chính quyền các cấp của Thành phố.
Bên cạnh đó, tích hợp mạng WAN của Hà Nội vào mạng truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ. Kết nối hoạt động mạng tin học UBND Thành phố với Mạng thông tin điện tử hành chính Chính phủ, thực hiện liên thông các hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xuyên suốt đến Thành phố. Bảo đảm duy trì mạng thông tin điện tử, chia sẻ dữ liệu giữa Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND Thành phố.
Trong phòng, chống dịch COVID-19, Thành phố đã khai thác, sử dụng hiệu quả Hệ thống họp trực tuyến để triển khai các cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội từ Thành phố đến cấp xã. Đồng thời đã triển khai kết nối liên thông Hệ thống họp trực tuyến của Thành phố với Hệ thống họp trực tuyến của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm kết nối thông suốt từ điểm cầu Trung ương đến điểm cầu 3 cấp Thành phố.
Hiện nay, các hệ thống nền tảng cho phát triển Chính quyền số đang được Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh triển khai: Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, xây dựng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP) kết nối liên thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (NGSP) theo quy định của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông, Cổng dữ liệu mở của Thành phố; hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu, tạo nền tảng xây dựng thành phố thông minh của thành phố Hà Nội bước đầu đạt được kết quả như: thiết lập và duy trì hoạt động của Cổng giao tiếp điện tử của Thành phố; hệ thống điều hành tác nghiệp, theo dõi và rà soát việc thực hiện các nhiệm vụ của tất cả các đơn vị; 100% cán bộ, công chức sử dụng email công vụ và thiết lập hệ thống họp trực tuyến trong nội bộ Thành phố; triển khai kết nối trục liên thông trong văn bản điện tử 3 cấp liên thông với Cổng thông tin của Chính phủ.
Về cung cấp dịch vụ công, hiện nay, Hà Nội đang khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác quản lý điều hành; xây dựng mạng WAN, đưa vào vận hành hệ thống một cửa liên thông điện tử dùng chung toàn Thành phố, liên thông từ Thành phố đến 30 quận, huyện, và 579 xã, phường, thị trấn với 1.448/1.828 dịch vụ công mức độ 3 và 4; thí điểm triển khai hệ thống biên lai điện tử trong cung cấp các dịch vụ hành chính công.
Cùng với đó tiếp tục duy trì các ứng dụng dùng chung: Cổng thông tin điện tử, hệ thống giao ban trực tuyến, hệ thống thư điện tử công vụ, quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp,... Các dịch vụ thực hiện qua mạng với tỷ lệ cao: đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng đạt tỷ lệ 100%; hải quan điện tử 100%; kê khai thuế điện tử và bảo hiểm xã hội trên 98%.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, việc thiết lập hệ thống CNTT theo hướng tổng thể, đồng bộ nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Việc xây dựng thành phố thông minh ở Hà Nội chính là một trong những phương thức "thông minh" để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, tạo một môi trường đô thị đáng sống cho toàn bộ cư dân Thủ đô./.