Hà Nội: Thể chế đi trước, hạ tầng tạo tiền đề

Thứ bảy, 06/05/2023 15:32

Nhận thức rõ vai trò của hệ thống pháp luật trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thời gian qua, với 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trên cả nước xây dựng nghị quyết, chương trình chuyên đề về chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới.

2a0cde56-7bd9-4d72-b432-d83f48ecc054.jpg

Tập trung hoàn thiện thể chế số, chính sách số

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số...”. Trong đó, “Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới”…

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Thể chế kiến tạo đóng vai trò quyết định trong việc chấp nhận và nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo, bảo đảm trách nhiệm tuân thủ pháp luật như nhau giữa doanh nghiệp trong và nước ngoài.

Để hoàn thiện thể chế, chính sách về chuyển đổi số, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp quy liên quan; gắn mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với quy hoạch Thủ đô, nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch phát triển của các cấp, các ngành và địa phương. Đồng thời, thành phố xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng; chú trọng xây dựng chính sách an sinh xã hội cho nhóm đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chuyển đổi số, tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích của người tiên dùng trên không gian số.

Trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và quản lý đô thị, thành phố khuyến khích áp dụng và có lộ trình từng bước áp dụng các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định, hướng dẫn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh, thành phố thông minh; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ về truyền thông và trao đổi thông tin; chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động cho đô thị thông minh, áp dụng các giải pháp quản lý, mô hình thông tin công trình và các giải pháp công nghệ số trong phát triển đô thị…

Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước. Xây dựng hệ thống đánh giá, chấm điểm độ sẵn sàng chuyển đổi số trong khối sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các bộ, ngành, địa phương và quốc tế trong triển khai chuyển đổi số gắn với các mục tiêu cụ thể.

Đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”

Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, trên nhiều phương tiện hiện đại. Hoàn thành từ 90% trở lên các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; chia sẻ dữ liệu cung cấp dịch vụ công; hình thành hệ sinh thái chính quyền số.

Đến nay, thành phố Hà Nội đã xây dựng và đưa vào vận hành sử dụng 4 hệ thống thông tin, ứng dụng quan trọng, cốt lõi, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo thành phố; hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố; kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng zalo; ứng dụng quản lý cuộc họp tại UBND thành phố.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, đây được coi là tiền đề hình thành chính quyền số trong lộ trình thực hiện chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử của thành phố. Với việc sớm đưa vào vận hành các Hệ thống thông tin dùng chung đã thể hiện rõ quyết tâm của thành phố trong việc thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ. Đồng thời, tạo ra những thay đổi đột phá trong công tác cải cách hành chính, đảm bảo hoạt động của chính quyền thành phố công khai minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; với mục tiêu phục vụ tốt nhất hoạt động của người dân và doanh nghiệp.

Với hệ thống này, các văn bản điện tử đến và đi của các cơ quan hành chính được chia sẻ trên một nền tảng chung. Tiến độ giải quyết công việc ở từng khâu sẽ được quản lý và theo dõi, nhờ đó thời gian giải quyết được rút ngắn. Đến nay, toàn thành phố đã có 633 cơ quan đơn vị triển khai hệ thống với hơn 31.000 tài khoản.  

Cũng trên hệ thống này, Hà Nội đã đẩy mạnh kết nối zalo với người dân và doanh nghiệp để tiếp thu kịp thời các ý kiến đóng góp, phản ánh vướng mắc trong thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp, từ đó đôn đốc các đơn vị giải quyết vướng mắc kịp thời. Toàn bộ phản ánh của người dân sẽ được phần mềm phân tích và chia theo địa bàn, lĩnh vực và chuyển về các đơn vị. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các đơn vị sẽ triển khai xử lý. Những nội dung đã rõ, cụ thể sẽ trả lời ngay. Đối với những nội dung phải có phối hợp liên ngành hoặc phải có ý kiến đánh giá thì các đơn vị sẽ thực hiện theo quy trình, sau đó trả kết quả trên zalo để người dân được biết.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Các thủ tục hành chính được giảm tầng nấc trung gian, rõ đầu mối. Từ đó, công sức và thời gian của người dân và doanh nghiệp sẽ được giảm đi. Bên cạnh đó, việc thực hiện các công tác trong hệ thống chính quyền của thành phố Hà Nội sẽ được công khai, minh bạch. Từng công việc của cán bộ, từ khâu đầu đến cuối được thể hiện trên hệ thống. Khâu giám sát của thành phố, việc kiểm tra giám sát của người dân sẽ thuận lợi hơn.

“Qua thí điểm triển khai hệ thống, cho thấy cán bộ công chức thấy rõ hiệu quả khi giảm thời gian công sức, nâng cao hiệu suất công việc. Từ đó, nhận thức của mỗi người sẽ thay đổi khi hiệu quả công việc tăng lên, có thêm không gian đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ thành phố giao”, ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.

Đối với việc công khai các cơ quan, cán bộ chậm muộn trong thực hiện các thủ tục phục vụ người dân, doanh nghiệp, Phó chủ tịch UBND thành phố nêu rõ: Quan điểm của Chủ tịch UBND thành phố không phải là 1 hay 3 tháng mới công khai mà các thông tin này sẽ được phản ánh theo thời gian thực. Vì vậy, hệ thống được hoạt động với yêu cầu dữ liệu phải cập nhật liên tục, “đúng, đủ, sạch, sống” theo thời gian thực. Với thiết kế của phần mềm, toàn bộ ý kiến phản ánh của người dân hay chất lượng tiến độ từng phần việc của cán bộ công chức hiển thị theo thời gian thực trên phần mềm. Từ đó, sẽ có việc kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau, tạo ra áp lực bắt buộc cán bộ phải làm việc nghiêm túc hiệu quả.

Còn với hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin báo cáo sẽ cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố đến 3 cấp trực thuộc, đảm bảo đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông, tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực gắn với cơ chế kiểm soát từng cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Tính đến hết năm 2022, thành phố đã duy trì hoạt động và đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật Trung tâm dữ liệu nhà nước Hà Nội; duy trì và triển khai mở rộng hạ tầng mạng diện rộng của thành phố (mạng WAN) đến 579/579 xã, phường, thị trấn, tích hợp mạng WAN của thành phố vào mạng truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ; kết nối mạng tin học UBND thành phố với Mạng thông tin điện tử hành chính Chính phủ, liên thông các hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xuyên suốt đến thành phố.

Tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, năm 2023, Hà Nội tiếp tục đặt kỷ cương hành chính lên hàng đầu, các nhiệm vụ trong thực hiện Đề án 06 đều được phân công, phân nhiệm cụ thể. Hà Nội có phần mềm theo dõi, đánh giá tiến độ công việc của từng cán bộ, công chức. Các đơn vị, địa phương cần rà soát lại quy trình, tập trung vào thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp, tiếp đó là số hóa, hiện đại hóa quy trình nội bộ. Bên cạnh đó, cần khẩn trương số hóa các nhóm dữ liệu về con người, tài chính doanh nghiệp và đất đai, tài nguyên để phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của thành phố theo quy định.

Bước tiến lớn trong cải cách hành chính

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã triển khai thực hiện việc kết nối, tích hợp, khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử phục vụ 5 nhóm tiện ích. Năm nhóm tiện ích theo Đề án 06 của Chính phủ gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái, phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp (PV).

Đối với ứng dụng quản lý cuộc họp tại UBND thành phố, trong thời gian thí điểm, Văn phòng UBND thành phố đã gửi 409 giấy mời họp thông qua ứng dụng, giúp tiết kiệm được 150 triệu đồng/tháng so với việc gửi tin nhắn theo phương thức truyền thống; tổ chức cập nhật hơn 812 tài liệu, văn bản điện tử thay cho việc in ấn, sao chụp tài liệu giấy, giúp tiết kiệm trên 300 triệu đồng/tháng...

Công chức Văn phòng - Thống kê UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình) Nguyễn Thị Bảo Yến nhận định, việc thực hiện hệ thống thông tin báo cáo thành phố sẽ bảo đảm thông tin chỉ đạo, điều hành nhanh chóng ở các cấp, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Hệ thống sẽ góp phần mang lại hiệu lực, hiệu quả trong công tác cải cách hành chính tại cơ sở.

Là một trong những địa phương triển khai tích cực thí điểm các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội (nguyên Phó bí thư Quận ủy, nguyên Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Huy Cường cho biết, 100% văn bản đến và đi của UBND quận Nam Từ Liêm được số hóa, ký số và ban hành qua mạng. 100% các phòng, ban, UBND phường trên địa bàn quận được cấp và ứng dụng chữ ký số phục vụ tạo lập văn bản điện tử. Sau hơn một tháng thực hiện thí điểm hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố, UBND quận đã xử lý 1.550 văn bản đến, ban hành 650 văn bản đi, cũng như thực hiện hoàn toàn công tác chỉ đạo, điều hành trên hệ thống.

Còn với kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp qua ứng dụng zalo từ ngày 10-2, theo Phó chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang, Văn phòng UBND thành phố đã phối hợp với nhà cung cấp ứng dụng zalo đưa kênh tiếp nhận tới hơn 7 triệu tài khoản zalo của người dân Thủ đô để biết và khai thác sử dụng. “Qua một thời gian vận hành, chúng tôi đã tiếp nhận hàng trăm lượt góp ý của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính. Văn phòng UBND thành phố tổng hợp, gửi các địa phương, đơn vị giải quyết, báo cáo lãnh đạo thành phố nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành”, ông Cù Ngọc Trang nói.

Thực hiện góp ý về thủ tục hành chính qua ứng dụng zalo, chị Nguyễn Thị Bích Huệ (quận Ba Đình) đánh giá, đây là bước tiến lớn trong cải cách hành chính. Các góp ý, phản ánh, kiến nghị được thực hiện nhanh, gọn, tiện lợi, chỉ cần một chiếc điện thoại kết nối internet là có thể thực hiện dễ dàng.

Một ứng dụng thông minh khác cũng được UBND quận Ba Đình áp dụng để người dân phản ánh thông tin đó là Ba Đình Smart. Các chức năng chính của ứng dụng Ba Đình Smart gồm: Giúp người dân phản ánh trực tiếp các vấn đề trong đô thị đến chính quyền xử lý; xem camera giao thông an ninh quanh khu vực; tìm kiếm các hạ tầng dịch vụ trên bản đồ số; tìm kiếm các số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ khi cần thiết; tiếp nhận các thông báo, cảnh báo quan trọng từ chính quyền đến người dân địa phương. Ứng dụng nhằm giúp các cán bộ cơ sở và người dân tích cực tham gia cùng các cấp chính quyền góp phần xây dựng quận Ba Đình sáng - xanh - sạch - đẹp, văn minh - hiện đại.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top