Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; lãnh đạo các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã.
Trong 2 ngày, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc mới
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trong hai ngày (15 và 16-4), Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Đến nay, Hà Nội có tổng số 112 ca mắc (giảm 2 ca so với báo cáo trước do có 2 ca được phát hiện tại các khu cách ly tập trung tỉnh Đồng Tháp và Thanh Hóa nên Bộ Y tế đã điều chỉnh số liệu). Trong số 74 ca mắc tại cộng đồng có 13 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại thôn Hạ Lôi (Mê Linh).
Thời gian qua, công tác xét nghiệm luôn được chú trọng thực hiện, cơ quan chức năng đã xét nghiệm được 70.817 mẫu, trong đó có hơn 13.000 mẫu test nhanh, hơn 57.000 mẫu xét nghiệm PT-PCR. Thời điểm này còn 258 trường hợp đang thực hiện cách ly.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp.
Về công tác bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thành phố có 8 máy xét nghiệm RT-PCR; 30.000 test nhanh, hiện đã sử dụng hơn 13.000 test. Sở Y tế đã thực hiện mua bổ sung 145 máy thở; tổ chức rà soát công tác cung ứng thuốc, các trang thiết bị y tế, phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Liên quan đến công tác cách ly tập trung, Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, đã vận chuyển được 15.331 công dân; đang tiến hành vận chuyển công dân từ thôn Hạ Lôi và Bệnh viện Bắc Thăng Long về các khu cách ly tập trung. Đến nay, chỉ còn Trung tâm Giáo dục quốc phòng tại Đại học Quốc gia, Đại học FPT còn có người cách ly, các địa điểm khác đã hết công dân, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực cũng cho biết, hiện nay công tác cách ly tập trung tại Khách sạn Hòa Bình chỉ còn 1 người và sẽ hết thời gian trong ngày hôm nay. Khách sạn Hòa Bình sẽ tiến hành khử khuẩn toàn bộ và sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.
Khoanh vùng dập dịch, xử lý các ổ dịch
Về việc xử lý các ổ dịch, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cơ quan chức năng đã cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi kể từ ngày 8-4; bố trí 12 chốt, 66 tổ giám sát kiểm soát chặt chẽ người ra vào thôn; ngoài ra, thành phố tăng cường 15 tổ chống dịch cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố.
Cơ quan chức năng đã rà soát toàn bộ người dân đến mua bán tại chợ hoa Mê Linh, đồng thời thông tin tới các địa phương có người đến mua bán hoa tại đây. Hiện đã xét nghiệm được 734 trường hợp F1, kết quả có 7 ca dương tính, 727 trường hợp âm tính; tổ chức xét nghiệm sàng lọc 12.673 người, kết quả có 5 ca dương tính, 12.668 trường hợp âm tính.
Chủ tịch UBND xã Mê Linh Tạ Quang Thái cho biết thêm, đến nay công tác dập dịch tại thôn Hạ Lôi và khu vực lân cận đã được triển khai tốt. Địa phương tổ chức khoanh vùng, rà soát được các trường hợp F1, F2; bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân trong khu vực cách ly. Người dân chấp hành nghiêm việc cách ly y tế.
Bổ sung thông tin liên quan đến chợ hoa Mê Linh, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, đã điều tra được 1.175 người liên quan đến chợ hoa Mê Linh; rà soát danh sách được 42 người đến phòng tập gym và đã lấy mẫu xét nghiệm 40 người. Cơ quan chức năng đang tiến hành lấy mẫu các thôn, trong đó thôn Liễu Trì đã xét nghiệm và kết quả 100% âm tính, các thôn còn lại đang chờ kết quả.
Về việc xử lý, phòng dịch tại Bệnh viện Thận Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền thông tin, cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm, cách ly toàn bộ người bệnh, cán bộ y tế, nhân viên của bệnh viện. Các mẫu xét nghiệm đã có kết quả âm tính.
Việc khoanh vùng, rà soát các trường hợp liên quan đến ca bệnh tại huyện Thường Tín, Chủ tịch UBND huyện Kiều Xuân Huy cho biết, đã tổ chức cách ly được 23 trường hợp F1; thực hiện lập 50 chốt, 8 tổ chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an toàn cho vùng cách ly. Tại xã Dũng Tiến (Thường Tín), chính quyền địa phương đã thực hiện cách ly 12 hộ, 53 nhân khẩu trong ngõ liên quan đến bệnh nhân 266; thực hiện phun khử khuẩn nơi cư trú các trường hợp F1 liên quan tới bệnh nhân này.
Báo cáo tại cuộc họp, các quận, huyện: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hoài Đức, Phúc Thọ... cho biết, đã tiến hành rà soát, khoanh vùng các trường hợp F1, F2 liên quan đến các ca bệnh, ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, thôn Hạ Lôi, chợ hoa Mê Linh, Quảng An (Tây Hồ), Tây Tựu (Bắc Từ Liêm). Ngay sau khi có chủ trương tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt đến hết ngày 22-4, các địa phương đã vận động, tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm túc hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết, xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang. Các địa phương cũng yêu cầu các nhà thuốc thực hiện khai báo y tế đối với những trường hợp sốt, ho.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác kiểm tra những nơi đông người, đặc biệt là tại các nhà máy, xí nghiệp, công trình xây dựng đông người để thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm sản xuất; rà soát các khu vực cách ly tập trung để có hướng sử dụng phù hợp.
Xét nghiệm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhận định, với nỗ lực thực hiện xét nghiệm, đến nay Hà Nội cơ bản đã điều tra, xác minh, làm rõ được các trường hợp liên quan đến các ổ dịch và ca bệnh. Những ổ dịch tại Hà Nội chỉ xảy ra tại một số địa bàn, trong đó các ổ dịch lớn nhất là tại Bệnh viện Bạch Mai, thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), số 125 Trúc Bạch (quận Ba Đình); còn lại chỉ có một vài ca bệnh ở một số nơi tại quận Cầu Giấy và huyện Thường Tín.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, các địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg; tuyên truyền các biện pháp phòng dịch, yêu cầu người dân ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, coi đây là thói quen thường xuyên trong thời gian dài; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến, giao dịch trực tuyến; hạn chế sử dụng tiền mặt, thay vào đó là thanh toán bằng thẻ; hạn chế tụ tập đông người. Bên cạnh đó, người dân cần có thói quen không bắt tay mà dùng hình thức chào hỏi khác; thường xuyên rửa tay, vệ sinh nơi ở và nơi làm việc.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, công tác xét nghiệm, rà soát, phát hiện là quan trọng. Sở Y tế và các địa phương phải yêu cầu các cửa hàng dược thực hiện việc khai báo y tế, hướng dẫn người dân đi xét nghiệm khi đến mua thuốc sốt, cảm, ho.
Chủ tịch UBND thành phố đồng ý thực hiện xét nghiệm nhanh tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín). Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu các quận, huyện ngay trong ngày 18 và 19-4 phải tiến hành xét nghiệm nhanh tại chợ Ngã Tư Sở (Thanh Xuân), chợ Long Biên (Long Biên), chợ đầu mối hoa quả Hoàng Mai, chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín) và một số chợ hải sản.
Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Y tế tập huấn cho y tá, bác sĩ nâng cao năng lực xét nghiệm để lấy được 5.000-6.000 mẫu tại chỗ mỗi ngày cũng như nâng cao hiểu biết về dịch Covid-19, xác định ứng phó lâu dài với dịch; nắm chắc các phác đồ điều trị.
Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, các bệnh viện, địa phương phải báo cáo thống kê về trang thiết bị y tế đã mua trong giai đoạn 1 và phải được bảo quản trong kho cất trữ cho chiến lược phòng, chống dịch lâu dài. Các bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện, thị xã chỉ được dùng các trang thiết bị y tế này để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không được dùng để khám, chữa bệnh thông thường.
Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu mở rộng hình thức học trực tuyến; làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để công nhận kết quả học tập bằng hình thức học trực tuyến; có phương án về việc cho học sinh trở lại trường học; tổ chức tốt các kỳ thì theo hướng giảm môn thi, giảm số lượng bài thi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thi; bảo đảm các trang thiết bị y tế cần thiết cho các nhà trường để tiếp tục phòng, chống dịch.