Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hà Nội cho biết, ngành nông nghiệp Thủ đô đã tập trung tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, nút thắt nhằm thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành. Một trong những giải pháp đang được thành phố tích cực triển khai là hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp thông minh. Trong đó, những giải pháp về công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, giám sát, truy xuất minh bạch và kết nối thị trường nông sản và các sản phẩm OCOP, hỗ trợ công nghệ canh tác thông minh bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng mới 357 ha chè bằng những giống chè mới có năng suất, chất lượng tốt như: LDP1, Phúc Vân Tiên tại vùng đồi gò xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ); các xã Yên Bài, Ba Trại, Thuần Mỹ, Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì); xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn); xã Hòa Thạch (huyện Quốc Oai)… cho những kết quả đáng ghi nhận. Nhờ sử dụng kỹ thuật tiên tiến và những loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, ít độc hại và giảm số lần sử dụng thuốc từ hai đến ba lần/năm, đã góp phần tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng giá trị sản phẩm cho cây chè ở vùng gò đồi. Đặc biệt kỹ thuật thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 110 ha tại các xã Yên Bài, Ba Trại; Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn); Hòa Thạch (huyện Quốc Oai) đã cho hiệu quả ngoài mong đợi. Năng suất chè trong các mô hình thâm canh VietGAP đạt 9 đến 11 tấn búp tươi/ha, cao hơn 12% so với sản xuất chè ngoài mô hình, hiệu quả kinh tế cao hơn so với áp dụng biện pháp cũ từ 60 đến 80 triệu đồng/ha/năm, đạt 150 đến 220 triệu đồng/ha.
TP Hà Nội hiện có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố, nhưng vẫn là địa phương có tốc độ phát triển nông nghiệp thông minh thấp so với nhiều địa phương trong cả nước. Theo GS.TS. KTS Đỗ Hậu (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp của Hà Nội chỉ chiếm khoảng 4 đến 6% trong tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Trong đó, số lượng các dự án FDI đầu tư vào nông nghiệp còn quá ít, tổng vốn đăng ký và vốn thực hiện quá nhỏ. Đây chính là nút thắt khiến cho nông nghiệp Thủ đô không thể bứt phá dù có tiềm năng khá lớn.
Để gỡ khó cho nông nghiệp thông minh, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đẩy mạnh công nghệ phân ngành vào từng lĩnh vực trong nông nghiệp. Trong đó, cần mở rộng hoạt động nghiên cứu nhằm tạo ra các loại vật tư và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sau thu hoạch và chế biến bảo quản. Đồng thời, đẩy mạnh việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị trong nước chưa làm được trên cơ sở nghiên cứu thử nghiệm, thích nghi và làm chủ được công nghệ nhập từ nước ngoài. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, kỹ năng giao dịch trên sàn thương mại điện tử và trình độ sản xuất của người lao động.
Hiện nay, thành phố đã ban hành nhiều chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính khả thi cao như: Đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh; đẩy mạnh công tác khuyến nông, tập trung đào tạo kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp; xây dựng các mô hình chuyển đổi số thử nghiệm ở cấp cơ sở dựa trên kiến trúc nền tảng thống nhất chung, từ đó nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp thông minh.
Với những giải pháp trên, hy vọng trong một tương lai gần, thành phố Hà Nội sẽ sớm sở hữu nền nông nghiệp đô thị thông minh, hiện đại, từng bước thích nghi với biến đổi khí hậu; đồng thời, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, các vành đai xanh, các tuyến nông nghiệp sinh thái và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao./.