Ảnh minh họa
Hà Nội là địa phương đứng thứ 2 sau TP.HCM về xếp hạng chỉ số thương mại điện tử, theo EBI năm 2021, do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố. Cùng với kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố trong năm nay, UBND Hà Nội đưa ra nhiều nhiệm vụ mới nhằm mục tiêu nâng cao thứ hạng chỉ số thương mại điện tử của địa phương.
Nhiệm vụ được giao đến các Sở, ngành gồm: Công Thương, TT&TT, Thuế, Ngân hàng Nhà nước, Quản lý thị trường… Theo đó, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị kết nối, hướng dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đưa các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, sản phẩm của các làng nghề tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba…
Hỗ trợ, hướng dẫn các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán hàng qua kênh thương mại điện tử, cập nhật hàng hóa liên tục trên website, tăng tỷ lệ đặt đơn hàng online.
Hiện, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố có website vào khoảng 42%, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ nâng tỷ lệ này lên 70%. Đồng thời cũng đưa tỷ lệ cập nhật thông tin trên website của các doanh nghiệp từ con số 21% lên 50%.
Sở Công Thương Hà Nội cũng tiếp tục tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, logistic và doanh nghiệp cung cấp thương mại điện tử, ứng dụng logistic điện tử để tối ưu hóa chi phí và thời gian đưa hàng ra thị trường.
Sở TT&TT sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng ứng dụng trên nền tảng di động để đáp ứng nhu cầu và cho phép khách hàng mua sắm trên thiết bị di động; hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng chữ ký điện tử để đảm bảo an toàn thông tin; xây dựng đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số. Đồng thời, lựa chọn một số doanh nghiệp truyền thống để thí điểm chuyển đổi số làm hình mẫu và nhân rộng.
Thành phố cũng yêu cầu đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không tiền mặt và ứng dụng thanh toán điện tử trên địa bàn thành phố, đặc biệt là với các dịch vụ công trực tuyến.
Khi thương mại điện tử được đẩy mạnh, các cơ quan quản lý như thuế, quản lý thị trường cũng phải đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát các hoạt động thương mại điện tử nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh trên mạng.
Trước đó, trong Kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2021, Hà Nội cũng đặt mục sẽ có khoảng 45% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng) chiếm 8%, so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn.
Thành phố cũng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử lên mức 40% và 60% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng có hóa đơn điện tử. 70% website thương mại điện tử tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong đó, 30% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên ứng dụng di động.
85% các đơn vị cung cấp dịch vụ thiết yếu như điện, nước, viễn thông và truyền thông trên địa bàn sẽ triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng. Toàn bộ chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn của thành phố sẽ tham gia Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc.
Để có thể hỗ trợ đưa các mặt hàng lên sàn thương mại điện tử, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục vận hành website “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội” tại địa chỉ bandomuasam.hanoi.gov.vn, cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, máy bán hàng tự động.