Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số

Thứ ba, 20/12/2022 19:18

Trong những năm qua, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Để khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế - xã hội và phát triển các dịch vụ sáng tạo phục vụ người dân, doanh nghiệp, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số.

IMG-1225-1615718851194.jpg 

Ưu tiên xây dựng chính quyền số

Quyết định số 4098/QĐ-UBND ngày 6-9-2021 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đưa ra tầm nhìn: Đến năm 2030, thành phố Hà Nội phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền thành phố, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao, việc triển khai chuyển đổi số của thành phố bước đầu đạt một số kết quả nhất định. Hạ tầng số được đẩy mạnh triển khai, bảo đảm điều kiện phục vụ các nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động chuyển đổi số khác. Bên cạnh việc tạo dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số, Hà Nội cũng chú trọng triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Đặc biệt, đầu năm 2022, Hà Nội được giao làm điểm, làm mẫu thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trên địa bàn phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đúng tiến độ, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần thay đổi phương thức quản trị xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân. Hà Nội cũng quyết định dành hơn 315 tỷ đồng để hỗ trợ cho hơn 90.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập có nhu cầu chuyển đổi số. Thành phố cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố nâng cao nhận thức chuyển đổi số...

Tuy đã đạt được một số kết quả tích cực, song tiến độ chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để xử lý, phân tích, dự báo và tối ưu hóa hoạt động, quản lý kinh tế - xã hội, thực hiện xây dựng chính quyền số của Hà Nội còn chậm. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 và tỷ lệ được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia còn thấp. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số nói riêng và chuyển đổi số nói chung. Năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp còn yếu; chuyển đổi số trong hầu hết ngành, lĩnh vực còn chậm…

Huy động mọi nguồn lực

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ: Hà Nội cần lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với đó đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút các tập đoàn đa quốc gia thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển đặt trụ sở tại Hà Nội.

Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị, cho đến cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân Hà Nội.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Yên, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng, Hà Nội cần tăng tỷ lệ chi ngân sách hằng năm cho chuyển đổi số và khoa học, công nghệ. Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cho phép Hà Nội có thể điều chỉnh các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ để có thể thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ đến với Thủ đô, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp tăng tỷ trọng đầu tư vào khoa học, công nghệ.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, Hà Nội đang hoàn thiện Nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thời gian tới, Hà Nội tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước. Xây dựng hệ thống đánh giá, chấm điểm độ sẵn sàng chuyển đổi số trong khối sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các bộ, ngành, địa phương và quốc tế trong triển khai chuyển đổi số gắn với các mục tiêu cụ thể.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top