Hà Nội là đất bách nghệ với hơn 300 làng nghề và hàng trăm làng có nghề, cùng với đó là hàng nghìn sản vật nông nghiệp nức tiếng xưa nay. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô; là "cú hích" làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh đúng, trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.
Sau 4 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được tổng số 2.167 sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm OCOP được đánh giá cao, góp phần mở rộng thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Xá, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội có 352 thành viên. Họ đã đoàn kết, khắc phụ mọi khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Mô hình này đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể và các thành viên.
Anh Hoàng Văn Xuân, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Xá, cho biết, hiện nay hợp tác xã quản lý 168 ha diện tích canh tác của xã và tổ chức thành 4 đội sản xuất theo các thôn, cung cấp các dịch vụ sản xuất nông nghiệp cho các thành viên như: Dịch vụ thủy lợi, làm đất, bảo vệ thực vật… Kết quả hoạt động của hợp tác xã đã đóng góp tích cực vào các mặt công tác của địa phương. Năm 2020 đơn vị đã được cấp Giấy chứng nhận VietGap cho 3ha bưởi diễn; hiện nay đang trồng bưởi trên diện tích 20 ha. Năm 2021, sản phẩm bưởi diễn Hoà Xá đã được thành phố Hà Nội công nhận tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Xá thực hiện tốt các nhiệm vụ phát sản xuất, nâng cao đời sống nông dân, đoàn kết giúp nhau trong phát triển kinh tế; Tích cực tham gia chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao của xã, góp phần xây dựng xã Hòa Xá ngày càng phát triển văn minh giàu đẹp.
Bưởi diễn được trồng tại Hoà Xá mang lại hiệu quả cao về kinh tế thế nhưng việc trồng và chăm sóc để bưởi cho ra quả chất lượng là điều không dễ dàng. Thời gian đầu, các xã viên chưa có kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc cây ăn quả nên cũng gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần ham học hỏi, hợp tác xã đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, học tập tham quan các mô hình trồng bưởi thành công tại nhiều địa phương, các xã viên đã bước qua những giai đoạn khó khăn và gặt hái những quả ngọt.
Các xã viên Hoà Xá ngày càng lớn mạnh, đầu tư cho việc nâng cao chất lượng cây trồng, để bưởi Diễn không bị trượt giá, giữ ổn định và tiếp tục phát triển mở rộng thị trường, nâng cao đời sống của xã viên, góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương.
Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận, người nổi tiếng với sản phẩm tơ tằm tự dệt thuộc xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội chia sẻ: "Từ ngày tham dự hội chợ OCOP đầu tiên ở Quảng Ninh, các sản phẩm vải, lụa dâu tằm Mỹ Đức được nhiều người trong nước, quốc tế biết tới. Đặc biệt, từ khi chúng tôi tham gia Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội, sản phẩm lụa, vải có tơ tằm, sợi sen được tiêu thụ tốt hơn. Sản phẩm từ tơ tằm, tơ sen không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu tới Nhật Bản, Đức, Trung Đông...".
Việc triển khai Chương trình OCOP đạt được nhiều kết quả tốt. Ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết: Hà Nội không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên) mà số sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao cũng nhiều nhất. Thành phố đã tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong cả nước và bạn bè quốc tế; xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
“Chương trình OCOP đã tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể trong tổ chức sản xuất, quảng bá, phát triển thị trường, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm...”, ông Chí nhấn mạnh
Tham gia vào chương trình OCOP, các chủ thể được thành phố hỗ trợ thiết kế, in tem nhãn bao bì mới hiện đại, có tính thẩm mỹ và hướng dẫn sắp xếp, hoàn thiện hồ sơ chứng minh chất lượng sản phẩm...
Trong giai đoạn đầu thực hiện Chương trình OCOP, thành phố chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Tuy nhiên để tăng sức cạnh tranh, tạo dựng được thương hiệu mạnh cho sản phẩm OCOP, từ năm 2023, thành phố sẽ tập trung phát triển các sản phẩm làng nghề, sản phẩm chế biến sâu, đặc sản bản địa; Hạn chế tối đa các sản phẩm tươi sống.
Để tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần mở rộng thị trường và nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, thành phố và các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện tối đa cho các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, tuần hàng. Đồng thời hỗ trợ giới thiệu, liên kết với hoạt động du lịch trong và ngoài thành phố.
Đồng hành với các chủ thể trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thành phố Hà Nội đã phát triển 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm trên địa bàn 26 quận, huyện, thị xã để đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng và du khách khi đến Thủ đô.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP, minh bạch thông tin trước người tiêu dùng; Phấn đấu đưa OCOP trở thành một thương hiệu mạnh, khẳng định được uy tín trên thị trường và đáp ứng nhu cầu nông sản, thực phẩm an toàn của người dân Thủ đô.