Hà Nam: Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh chuyển đổi số

Thứ tư, 21/08/2024 17:09

Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định, nền móng để phát triển kinh tế số là CĐS các doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số. Điểm đột phá là đẩy nhanh CĐS trong doanh nghiệp dựa trên các nền tảng số, tạo hệ sinh thái doanh nghiệp số trong các ngành, lĩnh vực.

Tại Quyết định số 2158/QĐ-BTTTT, ngày 7/11/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ CĐS doanh nghiệp. Mục tiêu của Đề án nhằm sử dụng Bộ Chỉ số đánh giá mức độ CĐS doanh nghiệp (Bộ chỉ số DBI) đã thống nhất giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tại Hà Nam, ngày 24/5/2024, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ CĐS doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp CĐS trên địa bàn tỉnh.

Để đạt mục tiêu, đến năm 2025, có 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh được đánh giá mức độ CĐS doanh nghiệp theo Bộ Chỉ số DBI, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, trong đó xác định rõ các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm là: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về CĐS; thúc đẩy sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia tư vấn trong quá trình CĐS của doanh nghiệp; tuyên truyền lan tỏa, vinh danh các doanh nghiệp đạt kết quả cao về CĐS; phổ biến tài liệu, cẩm nang, sổ tay hướng dẫn doanh nghiệp đánh giá mức độ CĐS sử dụng Bộ Chỉ số DBI; tổ chức các hội nghị, diễn đàn về CĐS doanh nghiệp kết nối giữa nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các nhà cung cấp giải pháp để thúc đẩy CĐS hiệu quả; thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi…

img

Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Công ty cổ phần 68 đều đã ứng dụng phần mềm khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền.

Qua trao đổi với ông Đinh Văn Hồng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh được biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về Bộ Chỉ số DBI đến các doanh nghiệp thành viên; đồng thời phát động phong trào CĐS trong các doanh nghiệp và sử dụng Bộ Chỉ số DBI để đánh giá kết quả triển khai phong trào CĐS. Cùng với đó, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh còn phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp thành viên về CĐS. Nổi bật nhất trong thời gian gần đây là phối hợp với VNPT Hà Nam tổ chức hội nghị CĐS doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam; thực hiện ký thỏa thuận hợp tác với VNPT Hà Nam trong việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, bán hàng, điều hành sản xuất, kinh doanh, giúp đẩy nhanh quá trình CĐS của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thực tế kết quả triển khai công tác phối hợp giữa VNPT Hà Nam và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã được hưởng nhiều ưu đãi trong việc sử dụng các phần mềm CĐS do VNPT Hà Nam cung cấp, phổ biến nhất là phần mềm khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền; phần mềm quản lý bán hàng; phần mềm kế toán; chữ ký số… Ngoài việc được sử dụng trải nghiệm phần mềm miễn phí trong 3 tháng đầu tiên, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh còn được VNPT hỗ trợ chi phí với mức giảm giá từ 10-20% khi sử dụng các phần mềm CĐS do đơn vị cung cấp.

Ông Nguyễn Đức Cường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần 68 (phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý) cho biết: Được VNPT Hà Nam và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tích cực phổ biến, hỗ trợ, đến nay, 100% cửa hàng của Công ty cổ phần 68 đều ứng dụng thành thạo việc khởi tạo hóa đơn từ máy tính tiền. Với số lượng hóa đơn lớn, bình quân từ 300-500 hóa đơn/cửa hàng/ngày, trước đây, các cửa hàng phải nhập hóa đơn bán ra bằng phương pháp thủ công trên phần mềm của công ty nên rất vất vả và mất nhiều thời gian. Thế nhưng, từ khi được VNPT Hà Nam giới thiệu, cung cấp giải pháp tích hợp chung phần mềm kế toán, phần mềm hóa đơn và phần mềm quản lý cây xăng, các cửa hàng của 68 đã giảm được áp lực lớn trong việc nhập hóa đơn, xuất hóa đơn sau mỗi lần bán hàng.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Hân, Giám đốc phòng bán hàng doanh nghiệp – Trung tâm Kinh doanh VNPT Hà Nam, hiện nay, gần như 100% các doanh nghiệp trong tỉnh đều sử dụng phần mềm chữ ký số do VNPT cung cấp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý bán hàng, hóa đơn điện tử, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; dịch vụ ăn uống; kinh doanh đồ dùng, thiết bị học tập; nhà hàng, khách sạn; siêu thị; kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí… Để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sử dụng các phần mềm CĐS, VNPT Hà Nam đã triển khai thành lập các nhóm zalo với sự tham gia của cán bộ, nhân viên VNPT; cán bộ quản lý, kế toán trong các doanh nghiệp. Từ đó, bảo đảm nhân lực trực 24/24 giờ để kịp thời nắm bắt thông tin, giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng phần mềm CĐS của doanh nghiệp.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, toàn tỉnh hiện có trên 2.500 doanh nghiệp đang sử dụng tên miền .vn. Khoảng 3.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, tham gia chương trình hỗ trợ CĐS cho doanh nghiệp và gần 2.800 doanh nghiệp sử dụng nền tảng số. Để đẩy nhanh quá trình CĐS trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng sử dụng Bộ Chỉ số DBI và sử dụng công cụ hỗ trợ đánh giá mức độ CĐS doanh nghiệp trên Cổng DBI của Bộ Thông tin và Truyền thông; phối hợp kết nối các doanh nghiệp số với cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để giới thiệu, tư vấn, hỗ trợ các giải pháp, nền tảng số phục vụ CĐS doanh nghiệp…

Phấn đấu, đến năm 2025 có 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa được cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về CĐS; tối thiểu 15% doanh nghiệp nhỏ và vừa được trải nghiệm các nền tảng số; 15% doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng các hình thức thương mại điện tử; 15% doanh nghiệp nhỏ và vừa có website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Thực hiện tốt các mục tiêu trên nhằm sớm đưa Hà Nam nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về CĐS của cả nước.

theo baohanam.com.vn
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top