Hà Giang: Ưu tiên phát triển thương mại điện tử, bưu chính số làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội

Thứ tư, 29/07/2020 15:26

Những năm qua, việc mở rộng, phát triển mạng lưới bưu chính luôn được các đơn vị, doanh nghiệp tại Hà Giang chú trọng thực hiện. Công tác này đã góp phần củng cố cơ sở vật chất, nguồn lực... nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ bưu chính cho người dân. Đặc biệt, tỉnh Hà Giang xác định phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, bưu chính số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong giai đoạn chuyển đổi số Quốc gia hiện nay.

20200819-l4.jpgHà Giang xác định phát triển thương mại điện tử, bưu chính số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong giai đoạn chuyển đổi số Quốc gia hiện nay

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Giang, hiện toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát hoạt động trên địa bàn tỉnh. Hệ thống điểm bưu điện văn hoá xã gồm: 149 điểm đang hoạt động. Số điểm phục vụ bưu chính: 228 điểm; Bán kính phục vụ trung bình 34,5 km2, Dân số phục vụ bình quân là 3.508 người/điểm phục vụ. Doanh thu năm 2019 đạt trên 27 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt trên 16 tỷ đồng.

Trong năm 2019, và 6 tháng đầu năm 2020 các doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn đã hoàn thành tốt việc phục vụ nhiệm vụ chính trị trong khai thác, vận chuyển và phát các công văn hỏa tốc, dịch vụ KT1, văn bản, phát hành báo chí… phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Ủy đảng, chính quyền tại địa phương, hoàn thành vượt mức kế hoạch SXKD và kế hoạch chất lượng dịch vụ.
 
Triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, từ năm 2017 Bưu điện tỉnh đã ký Hợp đồng với các Sở, ban, ngành, UBND các cấp để cung ứng, sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh.
 
Tỉnh Hà Giang xác định phát triển hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, bưu chính số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong giai đoạn chuyển đổi số Quốc gia hiện nay. Với sự bùng nổ và phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mai điện tử, các doanh nghiệp bưu chính, chủ yếu là Bưu điện tỉnh Hà Giang và Bưu chính Viettel đã chú trọng triển khai các giải pháp tổ chức sản xuất, ứng dụng CNTT để phục vụ khách hàng sử dụng các dịch vụ nói chung và dịch vụ Thương mại điện tử nói riêng trong việc cung cấp dịch vụ chuyển phát qua hệ thống Bưu điện. Bưu điện tỉnh Hà Giang đã thực hiện kết nối thành công hệ thống dịch vụ công trực tuyến của UBND tỉnh, thành lập bưu cục Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận hành chính công cấp huyện và cấp xã. Bưu điện tỉnh đã thực hiện kết nối thành công hệ thống dịch vụ công trực tuyến của UBND huyện Quang Bình, thành lập bưu cục Hành chính công và thực hiện tại Bưu điện huyện Quang Bình, huyện Bắc Mê để thành lập Bộ phận một cửa tại Điểm Bưu điện văn hóa xã để thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện và cấp xã.
 
Hệ thống điểm phục vụ bưu chính, điểm Bưu điện văn hóa xã (VHX) đa dịch vụ, các điểm Bưu điện VHX được cung cấp các dịch vụ Bưu chính chuyển phát, phân phối truyền thông, tài chính bưu chính, phục vụ nhân dân đến đọc sách báo miễn phí và là điểm để cung cấp các dịch vụ hành chính công, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), thu thuế, chuyển phát … tạo điều kiện cho người dân đến sử dụng các dịch vụ hành chính công góp phần cải cách hành chính của chính quyền địa phương.
 
Thực hiện công tác bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ người dân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch và minh bạch trong chi trả kinh phí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 
Ông Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở TT&TT Hà Giang chia sẻ: Do Hà Giang là tỉnh nghèo, khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế nên tỉnh chủ trương chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT ở các lĩnh vực, các Sở, ban, ngành, địa phương, trong đó có lĩnh vực bưu chính, coi đây là giải pháp đột phá, công cụ cốt lõi để khắc phục những khó khăn để bứt phá vươn lên trong giai đoạn tới.
 
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang đã đầu tư triển khai Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử đáp ứng đầy đủ tiêu chí, yêu cầu của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trong đó có việc xây dựng Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin điện tử một cửa tập trung. Cổng dịch vụ hành chính công tỉnh được xây dựng đáp ứng 100% các thủ tục hành chính không có hiện vận được thực hiện ở mức độ 4. Hiện nay các Sở, ngành của tỉnh đã niêm yết tổng số 1.947 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó có: 418 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (chiếm tỷ lệ 21.47%); 266 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (chiếm tỷ lệ 13,66%), tỷ lệ cung cấp DVCTT mức độ 3,4 đạt 35,13%. Đã kết nối, đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để theo dõi tình hình, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn giữa Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng dịch vụ hành chính công giao cho Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh quản lý, vận hành.
 
Cũng theo ông Đỗ Thái Hòa, việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực bưu chính đã làm thay đổi, chuyển biến về cách làm, thói quen, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc, chuyển từ phương pháp thủ công sang phương pháp tin học hóa. Việc trao đổi thông tin trong xử lý công việc của các cơ quan được nhanh chóng, kịp thời hơn, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí nhiều hơn. CNTT đối với cải cách hành chính ngày càng rõ nét, làm cho hoạt động cơ quan nhà nước ngày càng khách quan, minh bạch giúp cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận thông tin và dịch vụ được thuận tiện hơn, nhanh chóng hơn, chất lượng hơn; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các sự kiện, hoạt động của đời sống kinh tế - chính trị được phổ biến, truyền tải kịp thời hơn, đầy đủ hơn.
 
Hiện Sở TT&TT đang nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch Chuyển đổi số theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia cho năm 2020-2025, định hướng 2030 gắn kết chặt chẽ với việc triển khai Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đồng thời tham mưu bổ sung một số định hướng ngành Thông tin và Truyền thông trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, ông Đỗ Thái Hòa nhấn mạnh.
 
Trong những năm tiếp theo, Hà Giang sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các dịch vụ mới là dịch vụ hậu cần cho thương mại điện tử, đẩy mạnh ứng dụng CNTT phát triển bưu chính số trong cung ứng dịch vụ; tiếp tục tăng cường số điểm cung ứng bưu chính theo quy hoạch phát triển bưu chính của tỉnh.
 
Bích Khuê
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top