Hà Giang: Hoàn thiện hạ tầng, nông thôn Vị Xuyên khởi sắc

Thứ hai, 11/09/2023 18:22

Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao trong thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vị Xuyên (Hà Giang), giờ đây diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể.

h2_1.png

Đột phá từ đầu tư hạ tầng nông thôn Vị Xuyên

Ông Lê Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được huyện Vị Xuyên triển khai từ năm 2011. Thời điểm đó, xuất phát điểm của huyện rất thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ; tổ chức sản xuất chưa bài bản...
 
Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sau 12 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), Vị Xuyên đã phát huy được nội lực trong nhân dân. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
 
Hoàn thiện hạ tầng, nông thôn Vị Xuyên khởi sắc  - Ảnh 1.
Các ban ngành cùng bà con nhân dân Vị Xuyên tích cực tham gia trồng hoa cây cảnh tại đường làng, ngõ xóm. Ảnh: Ngọc Hải
 
Đến nay, toàn huyện Vị Xuyên đã có 9 xã và 13 thôn về đích NTM, thực hiện mở rộng trên 100km đường giao thông. Riêng năm 2022, nhân dân đã đóng góp 25.063 ngày công lao động, hiến đất 9.627m2, tổng vốn nhân dân đóng góp (công lao động, hiến đất và tiền mặt) cho chương trình xây dựng NTM của huyện trên 21,3 tỷ đồng.
 
"Năm 2023, chúng tôi tiếp tục đặt nhiệm vụ giao thông làm đột phá trong xây dựng NTM, quyết tâm hoàn thành trên 90km đường giao thông các loại trên địa bàn toàn huyện", ông Hải nhấn mạnh.
 
Để khuyến khích, tạo sự lan tỏa trong xây dựng đường giao thông nông thôn, huyện Vị Xuyên cũng phát động rất nhiều phong trào nhằm đưa chương trình xây dựng NTM đi vào thực tiễn và xây dựng vùng quê đáng sống cho bà con đồng bào vùng cao như tổ chức thi tuyến đường xanh – sạch – đẹp...
 
Kết quả, toàn huyện có 16,8 km tuyến đường kiểu mẫu, trở thành phong trào thi đua mạnh mẽ giữa các thôn trong xã, giữa các xã trong huyện. Chất lượng NTM ở 9 xã đã đạt chuẩn được duy trì và đảm bảo; hạ tầng giao thông từng bước được nâng cấp, hoàn thiện.
 
Bên cạnh đó, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Để phát triển toàn hiện, xây dựng NTM góp phần nâng cao đời sống người dân bền vững, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thì việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế từ lợi thế sẵn có của địa phương cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Vị Xuyên đang tập trung triển khai.
 
Theo ông Hải, Vị Xuyên là huyện có diện tích rộng, địa hình chia cắt với nhiều khe suối, vì vậy huyện xác định lấy tiêu chí giao thông làm đột phá và nâng thu nhập của người dân làm thước đo, đích đến đối với chương trình xây dựng NTM của huyện.
 
Giai đoạn 2021 – 2025 huyện Vị Xuyên đã đặt ra mục tiêu 8 xã và 73 thôn sẽ về đích thôn NTM. "Đây là chỉ tiêu rất lớn, nhưng cũng không vì khó mà lùi, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện bằng mọi hình thức như tạo vườn tạp để nâng cao thu nhập cho người dân và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, HTX, nhân dân quyết tâm thực hiện NTM, việc gì dễ làm trước, khó làm sau, không vì thành tích", ông Hải cho biết thêm.
 
Thực hiện Nghị quyết số 17 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, UBND huyện Vị Xuyên ban hành kế hoạch và xác định phát triển 5 loại cây trồng chính theo chuỗi giá trị gồm: Chè Shan tuyết, thảo quả, quế, nghệ, gừng.
 
Đến nay, tổng diện tích chè Shan tuyết đạt 2.743 ha; năng suất đạt 30,5 tạ/ha; giá trị sản xuất đạt 125.493 triệu đồng. Trên địa bàn huyện đã có 10 doanh nghiệp, HTX hiện tham gia sản xuất với sản lượng sơ chế, chế biến trên 8.360 tấn.
 
Cây thảo quả có tổng diện tích 2.585,5 ha, năng suất đạt 7,1 tạ/ha, sản lượng 1.928,6 tấn, giá trị sản xuất đạt 34.714,8 triệu đồng. Cây gừng được trồng tại xã Ngọc Minh, Đạo Đức, Việt Lâm với năng suất 200 tạ/ha, sản lượng 78 tấn; hiện tại, HTX Dược liệu Sơn Ý đang liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
 
Bên cạnh đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế được hình thành: mô hình trồng cam sành, nhãn, thanh long...; mô hình chăn nuôi bò thương phẩm, vịt bầu, ốc nhồi, dê. Toàn huyện có 72 HTX nông nghiệp, 71 tổ hợp tác, 110 nhóm sở thích, 1 làng nghề hoạt động hiệu quả.
 
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của huyện đạt trên 18 nghìn ha; sản lượng lương thực đạt 58.480 tấn. Số lượng đàn trâu, bò đạt trên 26.300 con, đàn lợn 117.930 con, đàn gia cầm 816.245 con; tổng diện tích rừng trồng đạt trên 1 nghìn ha; có 216 hộ nghèo, cận nghèo cải tạo vườn tạp với tổng vốn vay 6.470 triệu đồng, diện tích cải tạo đạt 91.753 m2.
 
Với mục tiêu nâng giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/ha đất canh tác đạt 72 triệu đồng; tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong ngành nông nghiệp chiếm 43%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 70,7%... Huyện Vị Xuyên tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung chỉ đạo tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; thu hút đầu tư; liên kết với các doanh nghiệp, nhà máy chế biến lâm sản.
 
"Những kết quả đạt được trong thời gian qua chính là động lực để huyện Vị Xuyên thực hiện ngày càng tốt hơn Chương trình MTQG về xây dựng NTM trong thời gian tới", ông Hải cho hay.
theodanviet.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top