Gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản: Việc đã làm nhưng còn nhiều cái khó

Thứ hai, 17/01/2022 13:56

Tình trạng ngư dân tỉnh Quảng Trị vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình hành nghề trên biển vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Các cơ quan chức năng của địa phương, trong đó có Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị đang triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng trên, quyết tâm góp sức cùng các tỉnh, thành trong cả nước gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với nghề khai thác hải sản trên biển. Trong đó, BĐBP tỉnh Quảng Trị và các lực lượng có liên quan chú trọng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu cá hành nghề trên biển, cũng như tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Để thực hiện mục tiêu đó, các đồn Biên phòng tuyến biển của BĐBP tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính đối với tàu cá và lao động trên những phương tiện khi ra biển hành nghề. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, các đơn vị BĐBP tỉnh Quảng Trị và lực lượng chức năng kiên quyết xử lý các phương tiện, ngư dân vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình hành nghề.

74291111pm-chung-suc-go-the-vang.jpg 
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Cửa Việt tuyên truyền pháp luật cho ngư dân trên địa bàn thực hiện các quy định của pháp luật trong khai thác hải sản trên biển. Ảnh: Thành Phú

Thiếu tá Trần Minh Cường, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Cửa Việt, BĐBP tỉnh Quảng Trị cho biết: “Trên địa bàn đơn vị quản lý có 173 tàu cá đánh bắt xa bờ (chiếm 3/4 tổng số tàu thuyền đánh bắt xa bờ của tỉnh Quảng Trị) và hơn 500 tàu cá đánh bắt gần bờ với hàng nghìn lao động thường xuyên bám biển. Thời gian qua, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể tại địa phương triển khai tuyên truyền pháp luật cho ngư dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như phát tờ rơi, tờ gấp, lồng ghép tuyên truyền trong các hội nghị, các buổi họp thôn, khu phố. Bên cạnh đó, đơn vị còn duy trì tổ tư vấn pháp luật tại cảng cá, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của các xã, thị trấn, triển khai mô hình xe tuyên truyền lưu động... Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trên địa bàn đã được nâng lên”.

Nhờ BĐBP và các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, những năm qua, tỉnh Quảng Trị không để xảy ra tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình khai thác hải sản. Tuy nhiên, tình trạng các chủ tàu cá, ngư dân vi phạm Luật Thủy sản Việt Nam năm 2017 và các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) còn diễn ra khá phổ biến như chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, người điều khiển phương tiện thiếu các chứng chỉ theo yêu cầu...

Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 295 tàu cá dài trên 15m bắt buộc phải lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình trong suốt quá trình hành nghề trên biển. Đây là điều kiện bắt buộc để cơ quan chức năng, BĐBP kiểm soát hoạt động của tàu cá và ngăn chặn những trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài, truy được nguồn gốc hải sản khai thác. Thế nhưng, đến hết cuối năm 2021, tỉnh Quảng Trị chỉ mới có 175/295 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, đây là tỉ lệ thấp so với các địa phương khác trên toàn quốc.

Qua tìm hiểu, chủ các tàu cá có chiều dài trên 15m đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, như việc khai thác không hiệu quả, thu nhập thấp hoặc tàu có chiều dài lớn nhưng công suất máy nhỏ. Nói về điều này, ngư dân Lê Văn Dũng ở khu phố An Đức 2, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh lý giải: “Tàu cá của tôi có chiều dài hơn 15m nhưng chỉ có công suất 45CV, chiều cao mạn thấp nên chỉ phù hợp với đánh bắt ở vùng lộng. Nếu phải ra vùng khơi thì sẽ không đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Còn để tiếp tục khai thác ở vùng lộng thì buộc phải cải hoán để giảm chiều dài xuống dưới 15m, nhưng do kinh phí cải hoán quá lớn nên vẫn chưa thực hiện được”.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt, nhằm góp phần cùng cả nước gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với ngành thủy sản Việt Nam. Trong đó, yêu cầu BĐBP và các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân. Vận động, hỗ trợ chủ tàu cá có chiều dài trên 15m khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, đáp ứng nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Đồng thời, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân tại địa phương thực hiện hoạt động khai thác thủy sản theo đúng quy định, đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế bền vững. Các đơn vị có liên quan thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra vi phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao về chống khai thác IUU.

 

Theo: bienphong.com.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top