Ảnh minh họa
Sau 4 năm chịu tác động từ “thẻ vàng” IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) năm 2020 tiếp tục giảm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD. EU đã tụt từ vị trí thứ hai xuống vị trí thứ tư trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trong thời gian bị áp “thẻ vàng”, 100% số container hàng hải sản xuất khẩu bị giữ lại cảng đến để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Ðiều này khiến cho doanh nghiệp không chỉ mất thêm thời gian thông quan (3 - 4 tuần/container) mà còn tốn thêm chi phí kiểm tra “nguồn gốc” (500 bảng Anh/container)... Rủi ro nhất là tỷ lệ lớn các container hàng bị từ chối, trả lại, khiến doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề.
Đến thời điểm này, rõ ràng điều kiện tiên quyết để gỡ “thẻ vàng” cảnh báo của EC là không còn tàu cá khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, 9 tháng của năm 2021, vẫn xảy ra 43 vụ/69 tàu/542 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Cà Mau, Bình Ðịnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang là những địa phương còn có số lượng lớn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Nhiều chuyên gia quan ngại, tình trạng này không những không khắc phục được “thẻ vàng” mà khả năng bị phạt “thẻ đỏ” là rất lớn. Lúc đó, tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Mỗi năm, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 350 - 400 triệu USD nếu mất thị trường EU.
Trở lại vấn đề mấu chốt, tại sao chúng ta chưa chấm dứt được tình trạng vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, nhiều chuyên gia chỉ ra vì lợi ích kinh tế cá nhân, một số ngư dân cố tình vi phạm hoặc qua môi giới, móc nối để đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Nghiêm trọng nhất là tình trạng tàu cá hoạt động trên biển không có số đăng ký, không bảo đảm thiết bị hành trình bật, phát tín hiệu theo quy định của pháp luật.
Đến nay, cả nước đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên 26.915 tàu cá, đạt tỷ lệ 87,45%. Song, một số địa phương còn triển khai chậm, có địa phương đạt dưới 50% số tàu được lắp thiết bị giám sát hành trình như Thanh Hóa, Quảng Trị...
Quyết tâm đến cuối năm 2021 chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” của EC vào năm 2022 tùy thuộc vào hành động mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn trong xử lý các vi phạm quy định IUU. Gỡ “thẻ vàng” không chỉ là yếu tố quan trọng trong phát triển ngành mũi nhọn của nền kinh tế, mà còn là uy tín, là hình ảnh quốc gia trong quan hệ quốc tế. Ðiều đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
Thực tế cho thấy, chỉ khi chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, sâu sát, gương mẫu và bảo đảm tinh thần ấy phải lan tỏa đến được những ngư dân Việt Nam, thì những vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản mới được đẩy lùi.
Những nỗ lực cải cách nghề cá của Philippines hay Thái Lan rõ ràng là tấm gương dành cho các quốc gia cùng nhau tuân thủ những quy định ngặt nghèo về bảo vệ đại dương. Không chỉ đơn thuần là câu chuyện kinh doanh hay thương mại, đó còn là nghĩa vụ đối với ngôi nhà chung vĩnh cửu của cả nhân loại - Hành tinh Xanh.