Gần 50.000 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử
Chủ động ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, Giám đốc Công ty cổ phần Rau an toàn Hải Anh (xã Vân Nội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) Nguyễn Thế Hanh cho biết: “Để đẩy mạnh tiêu thụ và quảng bá sản phẩm, những năm qua, công ty đã xây dựng kênh bán hàng điện tử thông qua website, các trang mạng xã hội... Những thông tin về vùng trồng, quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm, nhãn mác đều được cập nhật trên mỗi mã cho từng loại rau. Hiện tại, mỗi ngày công ty tiêu thụ được khoảng 5-6 tạ rau, củ cho người nông dân”.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Dương Thị Hằng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố đã chủ động ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và thành lập các nhóm, tổ tiêu thụ sản phẩm qua trang điện tử. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua, hàng nghìn tấn nông sản đã được nông dân các huyện kết nối tiêu thụ thông qua hình thức này.
Còn theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, hiện tại có hơn 9 nghìn tấn nông sản tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử. Nhiều hộ nông dân đã chủ động xây dựng các kênh bán hàng điện tử; đồng thời kết nối với doanh nghiệp xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến (gồm website, hệ thống email, Fanpage trên Facebook, landing page).
Đến nay, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tạo gian hàng số cho 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post là đơn vị bảo trợ). Không chỉ cung cấp nền tảng số, hướng dẫn cách lên sàn…, Vietnam Post còn hỗ trợ hộ nông dân đồng bộ các giải pháp như tiếp thị, truyền thông, đóng gói, vận chuyển, thanh toán. Hiện, gần 50.000 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên cũng có một thực tế là, số hộ nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, chưa tạo được nguồn giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm nông nghiệp.
Cùng vào cuộc với nhiều giải pháp
Là chủ thể của nền nông nghiệp hiện đại, nông dân là nhân tố quan trọng, quyết định sự phát triển của tiến trình này. Cùng với đó, sự vào cuộc hỗ trợ của các ngành chức năng là điểm tựa, tạo nền tảng giúp nông dân sớm làm chủ được công nghệ số. Trong đó, cần hỗ trợ nông dân đồng bộ hóa trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là mã số các vùng trồng; đào tạo, hướng dẫn nông dân tiếp cận công nghệ số...
Để đáp ứng đòi hỏi từ thực tế, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng chương trình khung đào tạo về công nghệ số, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp... Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Nông nghiệp được xây dựng trên 3 trụ cột: Bộ số, kinh tế nông nghiệp số và nông thôn số, nông dân số. Năm 2022, Bộ đã chọn 2 lĩnh vực đột phá là trồng trọt và chăn nuôi để thực hiện chuyển đổi số. Bộ sẽ đẩy mạnh việc hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành ở trung ương và địa phương, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số để hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ số từ khâu sản xuất đến tiêu thụ…"
Góp phần vào tiến trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Lam, Thành viên Hội đồng thành viên Vietnam Post cho biết: "Trong năm 2022, Vietnam Post và Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để hoàn thành mục tiêu đưa 7,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. Để thực hiện điều này, chúng tôi sẽ tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho các chủ thể đưa sản phẩm lên sàn Postmart.vn".
Cùng với các bộ, ngành, nhiều địa phương cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân tham gia tiến trình này. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Sở đã phối hợp Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam xây dựng kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch hằng năm; đồng thời yêu cầu các đơn vị trong ngành Nông nghiệp chủ động phối hợp đồng bộ chương trình kinh tế số từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chuyển đổi số và các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ sản phẩm…
Hiện tại, Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị tư vấn, các cơ quan chức năng xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong nông nghiệp; đồng thời liên kết với các doanh nghiệp chuyển đổi số, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao trên cơ sở minh bạch thông tin mã số vùng trồng, nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, hơn ai hết, người nông dân cần thay đổi tư duy, chủ động vào cuộc thì mới làm chủ được công nghệ số, đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.