Bài 1: Đeo đuổi nghiệp biển
Họ là những người trẻ, cùng sở hữu tàu vỏ thép hiện đại, khát khao bám biển quanh năm với tâm thế can trường giữ biển.
Phạm Hiên (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) sinh năm 1977, bám biển từ năm 1993. Anh Hiên khởi nghiệp bằng nghề lưới kéo, hoạt động khoảng 15 năm thì nhận thấy nghề này không phù hợp nên vào Kiên Giang học nghề lưới Bạc Liêu. Anh Hiên chia sẻ, lưới Bạc Liêu có 2 lớp, tầng trên mắt lưới có kích thước 15 - 18cm, tầng dưới kích thước lên đến 20cm. Tham khảo, anh cải tiến các sợi lưới ít xoắn để giảm bớt rắc rối trong quá trình đan lưới, sửa lưới đồng thời dễ vận hành hơn khi sản xuất. Với nghề này, anh Hiên theo đuổi trong vòng 6 năm, tích cóp để có vốn đối ứng là 1 tỷ đồng, từ đó vay vốn ưu đãi đóng được tàu vỏ thép QNa-93789 có công suất 822CV, hoạt động bằng nghề lưới rê hỗn hợp.
Ngư dân Phạm Hiên lái tàu vỏ thép QNa-93789.Ảnh: QUANG VIỆT
Phạm Hiên có vóc dáng lực lưỡng, tay to khỏe, đôi mắt vời vợi như lúc nào cũng đăm đăm dò tìm luồng cá. Anh bảo, nghề lưới Bạc Liêu và lưới rê hỗn hợp rất giống nhau, có cùng xuất xứ từ Nam Định, chỉ khác do mỗi nơi cải tiến cho phù hợp với tập quán sản xuất. Lưới rê hỗn hợp tiện ích hơn lưới Bạc Liêu ở chỗ số lao động để cùng khai thác ít hơn, có thể giảm đến 5 người. Ít lao động nhưng vàng lưới rê hỗn hợp lại lớn hơn, dài đến 10 hải lý (hơn 18km), sâu 100m. Anh Hiên trang bị hệ thống tời kéo lưới hiện đại để có thể thao tác nhanh. Từ khi đưa tàu cá QNa-93789 đi vào sản xuất đến nay, anh Hiên khai thác hiệu quả hơn, hải sản thu được chủ yếu là cá ngừ, cá nục, cá thu... Đặc biệt, chuyến biển nào nhiều cá thu thì có thu nhập rất cao vì đây là mặt hàng giá trị. Khi sở hữu được tàu vỏ thép, anh Hiên bám biển quanh năm, vụ chính chuyên sản xuất ở Hoàng Sa còn vụ bắc thì trực chỉ Trường Sa. Anh bảo, mùa biển động không quá lo lắng vì có các khu neo đậu tàu cá ở Trường Sa Lớn, Đá Tây… che chở. Anh nói, nghề biển rất vất vả, phải thường xuyên vượt qua sóng gió, trắc trở nhưng cũng đem lại thu nhập khá và niềm hứng khởi khi được rong ruổi qua nhiều vùng biển đảo.
Phạm Hiên chưa hề nghĩ đến chuyện phải “lên bờ” vì nghiệp biển cứ đeo đuổi, mỗi chuyến ra khơi là những lần hy vọng sẽ mang về khoang cá đầy. Nhớ về những lần bị tàu Trung Quốc truy đuổi ở Hoàng Sa, gương mặt anh Hiên đanh lại. Anh bảo, càng hiểm nguy thì ngư dân mình càng phải đoàn kết giữ biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Bài 2: Bám giữ ngư trường truyền thống
Nhiều người ấn tượng với Huỳnh Ngọc Huệ (thôn Hòa An, xã Tam Giang, Núi Thành) bởi sự rắn rỏi của anh, đúng kiểu người ăn sóng nói gió. Anh có hơn 20 năm bám biển, đang sở hữu tàu vỏ thép QNa-91239 có công suất 803CV theo nghề chụp mực. Để đóng được con tàu hiện đại này, anh Huệ huy động 1 tỷ đồng, đối ứng để vay vốn ưu đãi 12,5 tỷ đồng. Con tàu được trang bị hệ thống ngư cụ 4 tăng gông, 3 tời kéo lưới có thể tải 20 tấn. Bám biển ở Hoàng Sa bằng tàu vỏ gỗ trước đây, anh Huệ nhiều lần bị tàu Trung Quốc rượt đuổi. Có lần phải thu lưới vội, vàng lưới bị hư hỏng, anh Huệ phải tốn đến vài tỷ đồng sắm sửa để tái sản xuất. “Khi gặp tàu Trung Quốc tấn công, không những bị lỗ tổn mà thân tàu còn bị hỏng, tính mạng của mình cũng nguy nan. Hiểm nguy, tai ương rình rập như vậy nhưng ngư dân chúng tôi không muốn xa rời biển. Dù khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng sản xuất theo tổ, đội, quyết bám giữ ngư trường truyền thống cha ông để lại” - anh Huệ nói.
Khác với nghề chụp mực ở tuyến lộng có thể thu được các loại mực ống, mực nang, mực lá, mực cơm có giá trị kinh tế cao, nghề chụp mực ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa chỉ có thể đánh bắt được mực xà có giá trị kinh tế thấp hơn. Trong khi hầu hết ngư dân trên địa bàn Tam Giang khai thác mực xà với cách câu tay bằng rường truyền thống thì anh Huệ đã mạnh dạn cải tiến sản xuất bằng cách sử dụng mành lưới chụp 4 tăng gông. Với cách sản xuất này, anh đã trang bị trên tàu vỏ thép hầm lạnh, máy phát điện, máy định vị, máy thông tin liên lạc tầm xa, máy dò ngang, hệ thống đèn chiếu sáng, máy tời, cần cẩu, neo dù và nhiều thiết bị hàng hải khác. “Chúng tôi bám biển quanh năm, bạn biển của mình họ cũng quyết tâm bám biển với nghề này. Những chuyến biển gần đây thu được sản lượng khá nhưng giá cả mực xà chưa ổn định. Tôi mong thị trường được khai thông để ngư dân yên tâm sản xuất, nhân rộng nghề chụp mực” - anh Huệ nói.
Bài 3: Thủ lĩnh biển khơi
Người dân xã biển Tam Quang (Núi Thành) rất quý mến Nguyễn Thanh Tiến (thôn Sâm Linh Đông), họ gọi anh là thủ lĩnh của những ngư dân trẻ. Gia đình ông Nguyễn Đông có 3 người con trai thì cả 3 đều là chủ tàu lớn sản xuất ở Hoàng Sa, Trường Sa, trong đó anh cả Nguyễn Thanh Tiến sở hữu tàu vỏ thép QNa-91327 hành nghề lưới vây. Sinh năm 1977, bám biển từ năm lên 10, đến nay anh Tiến đã trở thành ngư dân dày dạn.
Anh Nguyễn Thanh Tiến bên máy quét cá giá trị 1,4 tỷ đồng. Ảnh: QUANG VIỆT
Nghề lưới vây đã “quy định” cho anh Tiến chỉ sản xuất ở mỗi ngư trường Hoàng Sa. Thường xuyên đối mặt với tàu Trung Quốc to lớn, ngang ngược, anh Tiến đã nhiều lần nhanh trí thoát khỏi vòng kìm kẹp. Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 luôn lưu lại trong anh ấn tượng khó quên. Anh Tiến là một trong những ngư dân đầu tiên của huyện Núi Thành ra Hoàng Sa đối mặt với tàu Trung Quốc. Lần đó, con tàu cũ của anh Tiến là QNa-91027 đã bị tàu Trung Quốc đâm va, húc gãy cabin. Chiếc tàu đã phải nhanh nhẹn nhiều lần tránh né tàu sắt Trung Quốc cho đến khi được các đội tàu khác cùng đến hỗ trợ. Về bờ với con tàu hư hỏng, anh Tiến không than vãn mà mau chóng huy động vốn sửa tàu và lại rẽ sóng Hoàng Sa. “Mình có sợ chi đâu, họ ỷ lớn, ỷ mạnh hiếp bé thì có chi là hãnh diện. Tôi và các đội tàu khác vẫn đoàn kết, sản xuất ở Hoàng Sa từ bấy lâu nay” - anh Tiến nói.
Đóng được con tàu lớn có tổng giá trị 15,5 tỷ đồng, anh Tiến trang bị máy quét cá 360 độ trị giá 1,4 tỷ đồng để thuận tiện dò tìm đàn cá lớn đánh bắt. Cứ ngày 16 âm lịch hằng tháng là anh Tiến vươn khơi. Anh nổi tiếng là người gan lỳ, hầu như bám biển quanh năm, nhất là mùa biển động. Anh vẫn chưa quên chuyến biển ngày 10.1.2014. Anh kể, chuyến đó đến Hoàng Sa, biển bắt đầu động mạnh, đã “cưỡi lên lưng hổ” rồi nên anh quyết bám trụ, xong chuyến biển mới về. Sau 2 lần buông lưới vào rạng sáng 2 đêm liên tiếp, tàu cá thu được hơn 20 tấn, trong đó nhiều nhất là cá thu và cá cờ có giá trị kinh tế rất cao. Chưa kịp vui mừng thì gió mạnh lên, nước bắn tung tóe, con tàu chao nghiêng ngửa. Đánh vật với gió lốc một ngày một đêm, tàu cá mới có thể tăng tốc, lúc về đến bờ mọi người nhìn nhau lắc đầu. “Nghề này thưởng đãi những ngư dân kiên gan. Hễ trời động là cá nổi lên mặt nước. Lúc đó mà có mặt là được nhận lấy quà từ biển” - anh Tiến nói.
Bài 4: Những “mắt biển” không ngủ
Giữa biển trời tây nam, có những người gác đèn biển chân chất, gắn bó với những ngọn hải đăng như “mắt biển” thao thức cả đêm để chỉ đường cho tàu thuyền qua lại.
1.Trong chuyến công tác cùng Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, thăm quân và dân ở các đảo tiền tiêu vùng tây nam Tổ quốc thuộc 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, chúng tôi rất ấn tượng về các trạm hải đăng nơi đây. Nhìn bề ngoài xù xì, cũ kỹ vậy nhưng lại “ôm” nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa vùng đất.
Ở Hòn Khoai (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) - vùng đảo không người ở, chỉ có các lực lượng chức năng ngày đêm túc trực, canh giữ, sáng lên ngọn đèn biển nơi trạm hải đăng khi mỗi đêm về. Để đến được đây, chúng tôi đã phải leo các bậc dốc cao 318m so với mặt nước biển, vẫn thấy trạm hải đăng sừng sững, cao vợi. Từ đây, phóng tầm mắt có thể bao quát không gian rộng lớn với màu xanh đậm của sóng, mùi mặn chát của biển và cả những cơn gió thông thốc quanh năm. Trạm hải đăng hiên ngang như người lính vững vàng canh giữ từng tấc đất, biển trời Tổ quốc thiêng liêng. Những dòng chữ vẫn còn rất rõ tại đây lưu dấu kiên cường của liệt sĩ Phan Ngọc Hiển cùng những chiến công. Nơi đây, tháng 12.1940, khi bị thực dân Pháp lưu đày ra Hòn Khoai, thầy giáo Phan Ngọc Hiển đã lãnh đạo nhóm tù nhân nổi dậy giết chết tên chúa đảo và chiếm ngọn hải đăng, làm nên chiến công Hòn Khoai lừng lẫy. Ngọn hải đăng và địa danh Hòn Khoai đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử. Ngọc Hiển cũng đã được tỉnh Cà Mau đặt tên huyện cho vùng đất thuộc Năm Căn trước đây.
Anh Nguyễn Hiệu Hòa kiểm tra hệ thống ắc quy trước khi thắp đèn biển.Ảnh: VIỆT QUANG
Hải đăng Hòn Khoai được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, là vị trí đèn biển quan trọng ở vùng biển tây nam và vịnh Thái Lan. Anh Nguyễn Hoài Nam - Trạm trưởng Trạm hải đăng Hòn Khoai cho biết, làm việc ở nơi không có người ở, những người gác đèn biển như lẻ loi giữa muôn trùng sóng nước. Vậy nên, chỉ có những ai gắn bó, yêu biển trời quê hương mới có thể trụ được với nghề. Theo anh Nam, vì đảm bảo sự an toàn trên biển, đặc biệt là hoạt động sản xuất của ngư dân nên người gác đèn biển phải xác định tâm thế như người dẫn đường, không được lơ là nhiệm vụ. Mỗi ngày, các anh chỉ được nhận vài lít nước dùng cho tất thảy hoạt động sinh hoạt, từ giặt giũ, tắm rửa cho đến nấu ăn, rửa chén. Năm khi mười họa mới có tàu thuyền cập đảo. “Cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn nên chỉ có tình yêu biển mới giúp chúng tôi toàn tâm theo đuổi công việc quanh trạm hải đăng”- anh Nam nói.
2.Trạm hải đăng Thổ Chu (xã Thổ Châu, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang) có 5 công nhân gác đèn biển liên tục thay ca ngày, ca đêm. Trạm hải đăng Thổ Chu cao chừng 150m so với mực nước biển, thuận tiện cho quan sát của tàu thuyền khi qua lại nơi quần đảo Thổ Chu. Tháp đèn cao chừng 20m, ban đêm từ biển nhìn vào lấp láy đầy mê hoặc. Khác với những người gác đèn biển Hòn Khoai, đảo Thổ Chu đông đúc người ở nên đời sống của những người gác đèn bớt lẻ loi hơn. Anh Nguyễn Hiệu Hòa (thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang) đã 5 năm theo nghề - chia sẻ, mình may mắn hơn rất nhiều lao động ở đây bởi nếu có phương tiện, từ Thổ Chu về Dương Đông chỉ mất vài tiếng đồng hồ, trong khi đó nhiều người khác có gia đình ở tận TP.Hồ Chí Minh hay Bình Dương rất xa xôi.
Công việc của người gác đèn biển giản đơn nhưng phải liên tục, đều đặn, hệt như quả lắc đồng hồ. Chỉ cần một tích tắc đèn biển không sáng trong đêm là có thể gây nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại. Ông Nguyễn Đức Trụ - Trạm trưởng Trạm hải đăng Thổ Chu chia sẻ, người gác đèn biển như bạn đồng hành với mọi tàu thuyền khi hoạt động trên biển về đêm. Đèn biển là ánh mắt rọi sáng trong mỗi hành trình nơi biển đảo. “Ngọn đèn biển không chỉ giúp tàu thuyền dễ lại qua mà còn là hướng định hải phận Việt Nam với vùng biển tây nam rộng lớn, phân định với Thái Lan và Campuchia. Hải đăng sáng rực cũng giúp ngư dân yên tâm, gắn bó với biển đảo trên hành trình khai thác hải sản quanh năm” - ông Trụ nói.