Nghị định đảm bảo việc sử dụng biển phải phù hợp với các quy hoạch; loại trừ những mâu thuẫn, xung đột trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển giữa các tổ chức, cá nhân với các mục đích khác nhau; đảm bảo lợi ích của tổ chức, cá nhân được tiến hành hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp... góp phần phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.
Bổ sung nhiều điểm mới
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết Nghị định 11/2021/NĐ-CP có rất nhiều điểm mới, nổi bật gồm Nghị định quy định tất cả các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển của các tổ chức, cá nhân có phạm vi từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm ra đến hết các vùng biển Việt Nam đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định, tức là phải được giao khu vực biển để sử dụng (trừ việc sử dụng khu vực biển vào mục đích quốc phòng, an ninh không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định và một số trường hợp không phải thực hiện thủ tục giao khu vực biển); trong đó đặc biệt quan trọng là bổ sung quy định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.
Nghị định bổ sung quy định các trường hợp sử dụng khu vực biển không phải giao khu vực biển mà chỉ cần cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng.
Nghị định đã bổ sung, giải thích rõ các khái niệm; lược bỏ phương pháp xác định ranh giới vùng biển theo phương vĩ tuyến trong Nghị định số 51 để bảo đảm chiều rộng của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm; quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xác định, công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý của đất liền và đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo và việc rà soát, chỉnh lý, bổ sung, cập nhật.
Nghị định bổ sung các quy định mới về căn cứ giao khu vực biển, đặc biệt là trong trường hợp chưa có các quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; quy định việc giao khu vực biển căn cứ vào các quy hoạch theo thứ tự ưu tiên khi áp dụng; quy định cụ thể việc xác định diện tích khu vực biển giao cho tổ chức, cá nhân trong các trường hợp cụ thể.
Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Nghị định 11/2021/NĐ-CP quy định rõ trong một vùng biển có thể giao cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện một hoặc nhiều mục đích sử dụng nhưng không được mâu thuẫn với các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác đang được phép tiến hành. Ở đây có hai khái niệm vùng biển và khu vực biển. Khu vực biển là một phần của vùng biển Việt Nam có vị trí, tọa độ, ranh giới, diện tích, độ sâu cụ thể được xác định bởi một hoặc nhiều thành phần bao gồm mặt biển, khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển. Một vùng biển có thể bao gồm nhiều khu vực biển sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau và giao cho nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau. Trong một khu vực biển có thể giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau."
Về thời hạn giao khu vực biển, Nghị định 11/2021/NĐ-CP quy định đối với dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư mà có thời hạn đầu tư trên 30 năm thì thời hạn giao khu vực biển được xem xét, quyết định trên 30 năm nhưng không vượt quá thời hạn đầu tư ghi trên văn bản chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (trừ dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản trên biển). Trước đây, Nghị định 51 quy định thời hạn giao khu vực biển tối đa không quá 30 năm.
Nghị định 11/2021/NĐ-CP bổ sung một chương mới (Chương IV) quy định về tiền sử dụng khu vực biển trên cơ sở kế thừa, chỉnh sửa, bổ sung các nội dung quy định tại Thông tư liên tịch 198/2015/của Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Tài chính trước đây. Nghị định bổ sung các quy định về các hoạt động sử dụng khu vực biển không phải nộp tiền sử dụng khu vực biển.
Nghị định 11 đã quy định, trường hợp một tổ chức, cá nhân được giao các khu vực biển sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau ở trong cùng một vùng biển thì việc thu tiền sử dụng khu vực biển được thực hiện đối với từng hoạt động sử dụng khu vực biển tương ứng đối với mỗi khu vực biển được giao trong vùng biển đó; trường hợp trong cùng một khu vực biển có nhiều hoạt động sử dụng khu vực biển theo các mục đích khác nhau nhưng không xác định được diện tích riêng cho mỗi mục đích sử dụng thì áp dụng mức thu cao nhất trong số các mục đích sử dụng để tính tiền sử dụng khu vực biển trong khu vực biển được giao cho tổ chức, cá nhân.
Nghị định 11/2021/NĐ-CP đã chỉnh sửa các trường hợp bị thu hồi khu vực biển cho phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm lợi ích quốc gia, công cộng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.
Phân định rõ 4 cấp có thẩm quyền giao khu vực biển
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhận định thực tiễn thực hiện Nghị định 51 đã bộc lộ những bất cập. Nghị định 11/2021/NĐ-CP được ban hành đã có ý nghĩa thực tiễn, đã giải quyết được những vấn đề vướng mắc trước đó và đưa ra được giải pháp khắc phục.
Trước kia, hoạt động nuôi trồng thuỷ sản khá phổ biến ở các vùng biển của nước ta, đặc biệt là ở các khu vực ven bờ, vùng giáp ranh giữa đất và biển. Khu vực giáp ranh này chính là điểm khó cho công tác quản lý do có nhiều luật khác nhau chồng chéo.
Trước kia, các hoạt động nuôi trồng thủy sản được điều chỉnh theo tinh thần của Nghị định 51, Luật Thủy sản, Luật Tài nguyên nước… chỉ giao các vùng đất mà có mặt nước ở trên. Nghị định 11/2021/NĐ-CP đã phân định rõ, tránh được sự chồng chéo giữa việc giao đất có mặt nước với việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Chu Hồi, nhiều nước trên thế giới có chính sách giao khu vực biển khác nhau nhưng chủ yếu phân cấp cho các địa phương được quyền giao khu vục biển tối đa đến 6 hải lý tính từ đường mép nước trung bình nhiều năm.
Một số nước chỉ cho phép cấp địa phương được quyền giao đến 3 hải lý. Các khu vực biển nằm ngoài 3 hải lý hoặc 6 hải lý nói trên sẽ do thẩm quyền của nhà nước Trung ương cấp phép giao khu vực biển. Điều này một phần do khi giao quyền sử dụng khu vực biển ở các vùng nước xa bờ, các nước còn cần tính đến pháp luật quốc tế, cùng với năng lực quản lý biển của môi nước là khác nhau nên chính quyền các nước sẽ không phân cấp cho địa phương quản lý vùng biển quá rộng hoặc quá xa bờ.
Tại các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Canada…, chính quyền thường giao khu vực biển cho các cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trong vùng “nội thủy” - khu vực có thể kiểm soát chặt chẽ về các hoạt động khai thác, sử dụng biển. Đối với việc giao khu vực biển cho doanh nghiệp hoặc tập thể quản lý, sử dụng, chính quyền sẽ áp dụng nhiều biện pháp, chế tài để quản lý, hướng tới việc sử dụng, bảo tồn, phát triển bền vững đối với khu vực biển mà doanh nghiệp, tập thể đó được giao.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi nêu rõ: “Sự ra đời của Nghị định 11/2021/NĐ-CP sẽ giúp chúng ta kiểm soát tốt hơn việc sử dụng khu vực biển đối với các thủ tục của tổ chức, cá nhân xin cấp phép giao khu vực biển. Tuy nhiên, chúng ta còn cần hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật và các chế tài cần thiết để kiểm soát và định hướng tốt hơn về phát triển bền vững đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình khai thác, sử dụng khu vực biển đó."
Theo Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tùng, Nghị định 11/2021/NĐ-CP đã đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giao khu vực biển cho chính quyền địa phương, mở rộng thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra đến 6 hải lý so với Nghị định 51 trước đây chỉ đến 3 hải lý; thêm thẩm quyền giao khu vực biển cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với nuôi trồng thủy sản.
Nghị định 11/2021/NĐ-CP quy định rõ thẩm quyền giao khu vực biển được giao cho 4 cơ quan nhà nước và cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ quyết định giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên biển thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, trừ các trường hợp giao khu vực biển sử dụng để nhận chìm ở biển, nuôi trồng thủy sản trên biển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên biển thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; khu vực biển liên vùng; khu vực biển có phạm vi nằm ngoài vùng biển 6 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền và các đảo theo quy định và khu vực biển do nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị giao để thực hiện các dự án đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có biển quyết định giao khu vực biển nằm trong phạm vi vùng biển 6 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền và các đảo theo quy định, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân cấp huyện.
Ủy ban Nhân dân cấp huyện có biển chỉ quyết định giao khu vực biển cho cá nhân Việt Nam phải chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thường trú trên địa bàn mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản được Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi thường trú xác nhận trong phạm vi vùng biển 3 hải lý với hạn mức giao khu vực biển không quá 1ha.
Thế kỷ 21 được xem là “Thế kỷ của đại dương." Trong xu hướng chung của thế giới, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực triển khai quản lý biển và hải đảo theo phương thức tổng hợp dựa vào hệ sinh thái. Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thể hiện rõ nét sự quan tâm của Việt Nam về những vấn đề đó, đặc biệt là việc phát triển biển theo hướng kinh tế xanh bền vững.
Nghị định 11/2021/NĐ-CP là một trong những văn bản quan trọng, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh.
Theo vietnamplus.vn