Kaspersky vừa tổ chức xong sự kiện thường niên Cybersecurity Weekend vào chiều 14/10, thông tin các vấn đề liên quan đến xu hướng thanh toán số và an toàn thanh toán trong khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC).
Một nghiên cứu do hãng công bố cho thấy phần lớn (90%) những người châu Á được hỏi đã sử dụng ứng dụng thanh toán di động ít nhất một lần trong 12 tháng qua, khẳng định sự bùng nổ của công nghệ fintech trong khu vực. Trong đó, 15% số người tham gia khảo sát chỉ mới bắt đầu sử dụng các nền tảng này sau đại dịch.
Philippines ghi nhận tỷ lệ người lần đầu sử dụng tiền điện tử cao nhất ở mức 37%, tiếp theo là Ấn Độ (23%), Úc (15%), Việt Nam (14%), Indonesia (13%) và Thái Lan (13%). Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc là 5%, Hàn Quốc 9% và Malaysia 9%.
Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực thanh toán di động ở khu vực APAC. Từ trước khi đại dịch xảy ra, các nền tảng địa phương hàng đầu của Trung Quốc là Alipay và WeChat Pay được ứng dụng rất rộng rãi và trở thành hình mẫu cho các quốc gia châu Á.
Ông Chris Connell, Giám đốc điều hành Kaspersky khu vực APAC cho biết, tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán chủ yếu trong khu vực, với 70% số người tham gia khảo sát vẫn sử dụng tiền mặt cho các giao dịch hàng ngày. Tuy nhiên, 58% và 52% người tham gia khảo sát sử dụng các nền tảng thanh toán số ít nhất một lần một tuần, cho đến nhiều lần trong một ngày cho nhu cầu tài chính của mình.
“Từ những số liệu thống kê trên, chúng ta có thể suy ra rằng đại dịch thúc đẩy người dân thử nghiệm kinh tế số, và trong 3 đến 5 năm tới khu vực này có thể không còn sử dụng tiền mặt”, ông Chris dự báo.
Mặc dù vậy, những người sử dụng thanh toán số lần đầu vẫn có những băn khoăn, e ngại: Bị mất tiền trên mạng (48%) và sợ dữ liệu tài chính của họ bị lưu trữ trên mạng (41%). Khoảng 40% những người tham gia phỏng vấn nói họ không tin tưởng vào tính bảo mật của các nền tảng này.
Hơn 25% người tham gia phỏng vấn cho rằng công nghệ này quá rắc rối, yêu cầu quá nhiều mật khẩu hoặc câu hỏi (26%), trong khi 25% nói rằng thiết bị cá nhân của họ không đủ an toàn.
Trả lời ICTnews về việc có nên thuyết phục những người này sử dụng tài chính số hay không, làm cách nào để những người này sẵn sàng tiếp nhận các hình thức thanh toán mới, Giám đốc Kaspersky khu vực APAC khẳng định giáo dục là mấu chốt của vấn đề.
Ông cho rằng, cần giáo dục người dùng về tính tiện lợi và an toàn của các phương thức thanh toán số, đồng thời truyền đạt những hiểu biết về an ninh mạng cho họ để họ có kiến thức khi sử dụng Internet. Việc này giúp gia tăng sự tự tin và giúp người dân am hiểu hơn về tài chính số nói riêng và sử dụng Internet an toàn nói chung.
“Sự am hiểu là chìa khoá để mọi người an tâm sử dụng các hình thức thanh toán số lẫn các dịch vụ Internet”, ông Chris Connell cho hay.
Do sự tăng trưởng của các hình thức thanh toán số nên các phương thức tấn công trên mạng nhắm vào mảng tài chính cũng tăng lên. Các cuộc tấn công tài chính lắng xuống từ năm 2012-2013 nhưng bắt đầu gia tăng mạnh mẽ trong khu vực APAC kể từ năm 2019 đến nay. Các cuộc tấn công phổ biến gồm: ransomware, lừa đảo giả mạo (phishing), malware, DDoS…
Trong công bố của ông Vitaly Kamluk, Trưởng nhóm Nghiên cứu và Phân tích toàn cầu Kaspersky, Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực về phát tán số lượng trojan lĩnh vực ngân hàng, chiếm 7,04%. Philippines (22,26%), Bangladesh (12,91%) và Campuchia (7,16%) là 3 nước xếp ở các vị trí đầu tiên.
Trả lời câu hỏi của ICTnews về lý do vì sao một số nước có lượng trojan phát tán nhiều hơn nước khác, ông Vitaly cho rằng việc này không có nguyên nhân cụ thể.
“Các hacker nhắm vào tất cả mọi quốc gia, nơi nào thành công thì chúng sẽ tiếp tục thực hiện các vụ tấn công”, ông Vitaly phân tích.
Do đó, người dùng cần trang bị kiến thức đầy đủ để không bị lợi dụng. Chẳng hạn, người dùng Internet cần thường xuyên cập nhật phần mềm đang sử dụng, chú ý đến các cảnh báo của ứng dụng bảo mật, phải nghi ngờ tất cả các đường link được cung cấp, sử dụng mật khẩu mạnh và bảo mật 2 lớp.
Theo chuyên gia Kaspersky, một khi người dùng nắm rõ được các nguyên tắc an toàn trên mạng, cùng với sự am hiểu bảo mật của doanh nghiệp và chính phủ, hậu quả của các vụ tấn công sẽ giảm mạnh. Một khi hacker tấn công nhưng không mang lại kết quả, chúng sẽ nản lòng và chuyển sang các hướng tấn công khác.