ảnh minh họa
Thêm giải pháp cho bệnh nhân COPD cai thuốc bất thành
Tại tọa đàm "Xu hướng tiếp cận giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam" do báo điện tử VietnamPlus phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tại Hà Nội đầu tháng 8-2022, các chuyên gia y tế đầu ngành đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế và nhiều bằng chứng khoa học từ các tổ chức uy tín trên thế giới cho giải pháp thay thế GTHTL.
Các chuyên gia đồng thuận về việc cần sớm đưa thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) vào quản lý dưới luật nhằm hạn chế sự mất kiểm soát của thị trường hàng buôn lậu làm phát sinh nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng và cộng đồng.
Việt Nam hiện có khoảng 4 triệu bệnh nhân mắc COPD do tác động trực tiếp bởi thuốc lá. PGS. TS. BS Trần Văn Ngọc, Phó CT Hội Phổi Việt Nam, CT Liên chi hội Hô hấp TP HCM chia sẻ khi đã bị COPD thì việc ngưng thuốc lá vào bất cứ thời điểm nào cũng đều có lợi. "Khói thuốc lá đốt cháy là chất độc hại phá huỷ trực tiếp đường thở cũng như nhu mô phổi, đồng thời kích hoạt quá trình viêm nhiễm ngày càng nặng nề. Giảm các chất độc hại trong khói thuốc lá có ý nghĩa rất quan trọng đối với những bệnh nhân COPD"- PGS Ngọc nhận định. PGS Ngọc cho biết một nghiên cứu năm 2021 do Đại học Catania (Ý) thực hiện trên nhóm bệnh nhân COPD hút thuốc lá điếu chuyển sang sử dụng TLLN cho thấy các đợt cấp COPD sau 36 tháng giảm khoảng 40%. Nghiên cứu thứ hai trong cùng năm cũng kết luận, tất cả những chỉ số về suy giảm chức năng phổi, huyết áp, chất lượng cuộc sống đều cải thiện khi chuyển từ thuốc lá điếu đốt cháy sang TLLN. Nghiên cứu trong ống nghiệm tại Nhật phát hiện hàm lượng các chất gây độc trong TLLN được giảm từ 90-95% so với thuốc lá điếu thông thường. Thí nghiệm trên chuột cũng chứng minh việc chuyển đổi sang TLLN làm chậm đi quá trình phát triển xơ vữa động mạch và khí phế thũng, vốn gắn liền với bệnh COPD.
ThS.BS Lê Đình Phương, Trưởng Khoa Nội Tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV dẫn chứng thêm một nghiên cứu khác ở Nhật khẳng định, không chỉ bệnh nhân tim mạch, mà cả bệnh nhân COPD không cai được thuốc lá điếu, khi chuyển sang TLLN thì tỉ lệ nhập viện giảm đi một cách ngoạn mục. "Đây là những con số được chứng minh thực tế chứ
không phải chỉ trong phòng thí nghiệm. Do đó, mặc dù TLLN không triệt tiêu nguy cơ hoàn toàn, nhưng là giải pháp cho đại đa số những người không đoạn tuyệt được với thuốc lá"- bác sĩ Phương nhấn mạnh. Các chuyên gia đều cho rằng với những bệnh nhân COPD vẫn tiếp tục hút thuốc lá điếu cần phải có lộ trình chuyển đổi sang những sản phẩm thay thế giảm tác hại hơn. "Đó là các biện pháp nhân văn. Là thầy thuốc, cần tư vấn giải pháp đúng và sẽ có lỗi nếu biết có giải pháp giảm tác hại mà không thể tư vấn cho bệnh nhân của mình", PGS. TS. BS Trần Văn Ngọc bày tỏ.
Chuyển đổi càng sớm, hiệu quả giảm hại càng cao
Theo PGS Trần Văn Ngọc, việc tư vấn bỏ thuốc lá hoặc cung cấp giải pháp giảm tác hại của thuốc lá cho bệnh nhân là một điều rất ý nghĩa và cốt yếu trong phương pháp điều trị bệnh, do đó cần sự chung tay của nhiều phía, từ gia đình, cộng đồng, cơ quan quản lý và ngành y tế.
"Đối với những người hút thuốc lá điếu, nhất là bệnh nhân, nên khuyến khích họ chuyển đổi sang các sản phẩm giảm tác hại. Đó là quyền công dân và cũng là quyền lợi của bệnh nhân. Là nhà khoa học có chuyên môn, chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi này cần được thực hiện càng sớm càng tốt, khi bệnh còn nhẹ. Khi bệnh tình chuyển nặng rồi mới chuyển đổi thì không còn nhiều ý nghĩa nữa"- PGS Ngọc nhấn mạnh.
Để người bệnh nói riêng và những người hút thuốc lá điếu nói chung được quyền chuyển đổi sang các sản phẩm giảm tác hại, nhà nước cần sớm đưa tất cả sản phẩm TLTHM vào quản lý dưới luật. "Chúng ta phải quản lý TLTHM và tham khảo những chính sách quản lý tốt trên thế giới. Quản lý chặt chẽ chừng nào là do trình độ của chúng ta"- PGS Ngọc bổ sung.
Bác sĩ Phương giải thích thêm: "Nếu thừa nhận TLLN như cách chúng ta chấp nhận methadone (giải pháp thay thế heroin) và quản lý tốt, thì sẽ rất có lợi cho cộng đồng, cho người bệnh và giải quyết được vấn đề sử dụng sai mục đích".