Ảnh minh họa
Một cửa" quá tải, trực tuyến thì “ế”
Việc cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) qua mạng là 1 trong 25 thủ tục hành chính thiết yếu được Cục Đường bộ Việt Nam ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thế nhưng, thời gian qua, tại các địa điểm thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe, mỗi ngày có hàng trăm người xếp hàng chờ đợi để đổi giấy phép lái xe, khiến các đơn vị này luôn trong tình trạng quá tải.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trước đây, mỗi ngày có khoảng 350-400 người đến làm thủ tục cấp đổi, những ngày qua số lượng tăng lên 600-700 người. Trước thực tế đó, ngay từ đầu năm, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tăng cường nhân sự xuống trực tiếp Phòng quản lý phương tiện và người lái cơ sở Cao Bá Quát, hướng dẫn phân luồng để tránh tình trạng lộn xộn, chen lấn.
Lý do số người đến đổi giấy phép lái xe tăng đột biến là do thay đổi thời gian hiệu lực của GPLX từ 5 lên 10 năm. Theo đó, Thông tư 12/2012 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 quy định về việc đổi từ GPLX giấy sang chất liệu PET thì bằng lái xe được kéo dài thời gian có hiệu lực lên 10 năm thay vì 5 năm. Như vậy, đến đầu năm 2023, số bằng lái xe đổi từ bằng giấy sang bằng PET đã đến thời gian đổi bằng mới theo quy định.
Thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho thấy, vào năm 2013, số bằng lái xe mà Sở này đã cấp, đổi là 261.880 bằng (cấp mới là 173.089 và đổi là 88.791). Trong 173.089 bằng lái xe cấp mới có hơn 134.000 bằng A1, còn hơn 42.000 bằng lái xe ô tô.
Thêm vào đó, ngày 13/1/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã có thông báo về việc, Cục dừng tiếp nhận cấp, đổi GPLX trực tiếp tại trụ sở của Cục ở Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy. Thay vào đó, đối với người lái xe thuộc các cơ quan Trung ương, đoàn thể, các tổ chức quốc tế, ngoại giao có trụ sở cơ quan tại Hà Nội thì thực hiện thủ tục đổi GPLX tại các Sở Giao thông vận tải địa phương; Đối với các trường hợp người lái xe do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý thì thực hiện đổi GPLX trực tuyến tại địa chỉ https://dvc4.gplx.gov.vn.
Vì sao người dân không "mặn mà" làm thủ tục trực tuyến?
Hiện nay, về thủ tục hành chính, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành đổi giấy phép lái xe, mức độ 3 và mức độ 4. Đối với công dân đến làm thủ tục đổi mức độ 3 có thể đăng ký lịch, đến đổi giấy phép lái xe và chờ sau 2 giờ thì nhận kết quả, hoặc có thể trả giấy phép lái xe qua dịch vụ công ích của bưu điện. Còn nếu công dân được sử dụng mức độ 4 đổi giấy phép lái xe thì công dân có thể ngồi nhà làm các thủ tục hết sức dễ dàng và nhận giấy phép xe tại nhà. Như vậy, sẽ giảm áp lực cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như Sở Giao thông vận tải.
Vì vậy, ngoài đổi giấy phép lái xe trực tiếp, người dân có thể làm trực tuyến. Từ ngày 31/5/2022, toàn bộ 63 Sở Giao thông vận tải trên cả nước có thể thực hiện đổi giấy phép lái xe dịch vụ công cấp độ 3 và 4.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, người dân có thể ở nhà, cơ quan hay bất kỳ ở đâu có internet, máy tính và điện thoại thông minh đều có thể thực hiện đổi giấy phép lái xe dịch vụ công. Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng khuyến cáo người dân có giấy phép lái xe còn thời hạn từ một năm trở lên thì chưa cần thiết đổi ngay.
Để có thể đổi giấy phép lái xe trực tuyến, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, người dân cần chuẩn bị: Giấy phép lái xe, bản chụp căn cước công dân hoặc hộ chiếu, giấy khám sức khỏe điện tử hoặc đã được chứng thực điện tử, ảnh chân dung định dạng jpg. Khi đầy đủ các giấy tờ, người dân truy cập website https://dichvucong.gov.vn sau đó đăng ký, đăng nhập tài khoản theo hướng dẫn và nhập tìm kiếm: “Đổi Giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp”. Hiện nay Hà Nội đã có 26 cơ sở khám sức khỏe trên địa bàn đã tích hợp khám sức khỏe trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thực tế, rất ít người dân thực hiện việc cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến. Lý giải về việc không chọn hình thức làm trực tuyến tại nhà, anh Nguyễn Xuân Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi chạy xe ôm, đi đường thường xuyên nên khi thấy giấy phép lái xe sắp hết hạn là phải chạy đi đổi ngay. Tôi cũng không biết là có thể làm thủ tục này trực tuyến. Nếu biết thì tôi đã nhờ con trai làm hộ, đỡ phải xếp hàng chờ đợi, nắng nóng thế này”.
Không như anh Hòa, dù đã biết có thể thực hiện thủ tục trực tuyến nhưng anh Nguyễn Văn Hiến (Hà Đông, Hà Nội) vẫn qua làm trực tiếp. “Tôi không rành về công nghệ lắm, sợ làm qua mạng trục trặc đường truyền, các bước thủ tục không làm được thì cũng không có ai để hỏi nên cứ đến trực tiếp, có gì không biết còn hỏi cho nhanh".
Ngại sử dụng nộp trực tuyến do sợ các bước thủ tục phức tạp và chưa biết đến thông tin có thể thực hiện trực tuyến là những lí do chính khiến tình trạng quá tải xảy ra. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp thông tin, tuyên truyền để người dân biết và thực hiện, tránh tránh tình trạng quá tải cho đơn vị làm thủ tục đổi giấy phép lái xe cũng như mất thời gian của người dân.