Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu kết luận Hội nghị
Thúc đẩy phát triển DN công nghệ số, sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông, Bộ TT&TT, công tác tổ chức, triển khai Giải thưởng được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch và đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra theo quy chế và mục tiêu thúc đẩy phát triển DN công nghệ số, sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam.
“Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và DN công nghệ số Việt Nam là để Make in Viet Nam” là một chủ trương, định hướng sáng tạo lớn để khơi dậy nội lực, khát vọng của đất nước phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4. Sau hơn 3 năm, kể từ ngày hiệu triệu hàng chục nghìn DN công nghệ số theo chiến lược Make in Viet Nam vào tháng 5/2019 đã tạo một luồng sinh khí mới, năng lượng tích cực cho cộng đồng chuyên gia, DN công nghệ số trong công cuộc đổi mới lần 2 - chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, năm 2020 số lượng giải thưởng được trao là 14 (5 giải Nhất, 5 giải Nhì, 4 giải Ba); năm 2021 có 60 giải thưởng (trong đó có 4 giải Vàng, 4 giải Bạc, 4 giải Đồng và 48 Top 10); năm 2022 có 52 giải thưởng (trong đó có 4 giải Vàng, 4 giải Bạc, 4 giải Đồng và 40 Top 10).
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông
Giải thưởng năm sau phải tốt hơn năm trước
Trước các trao đổi ý kiến của Ban giám khảo, các đơn vị, DN tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng khẳng định trong 3 năm qua, bộ phận thường trực bao gồm thường trực Ban Tổ chức, Ban giám khảo Giải thưởng đã làm rất tốt công việc.
Thứ trưởng cũng thống nhất và đề nghị: “Giải thưởng năm sau phải tốt hơn năm trước, “không được phú quý giật lùi” nên trách nhiệm của Giải thưởng năm 2023 rất là thách thức khi phải làm tốt hơn. “Làm như những gì Giải thưởng năm trước đã làm thì đi ngang và thậm chí kém đi”.
Theo Thứ trưởng, Giải thưởng Make in Viet Nam là giải thưởng quốc gia nên cần đặt Giải thưởng này dưới sự bảo trợ của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, cần có sự tham gia của một số Bộ, ngành để Giải thưởng nhận được sự quan tâm, công nhận chung của các Bộ, ngành.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: “Ý nghĩa đầu tiên Giải thưởng Make in Viet Nam là gợi lên sự tự hào. Sự tự hào là phải đến từ sự làm chủ công nghệ, sản phẩm, là mồ hôi nước mắt của các DN và phải danh giá. Theo đó, số lượng giải thưởng ít và hiếm. Giải thưởng cần phải gắn với với ngày Chuyển đổi số Quốc gia là ngày 10/10. Ngoài danh giá, tự hào thì Giải thưởng Make in Viet Nam phải trở thành thương hiệu quốc gia để đi ra nước ngoài. Thương hiệu quốc gia là sự đau đáu của nhiều thế hệ doanh nhân, giải bài toán Việt Nam và đi ra quốc tế”.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo có 3 nội dung phải làm đến cùng, đó là: Khi đã trao giải rồi thì phải đồng hành, chăm sóc kết quả; phải truyền thông, lập kế hoạch theo tháng; có kế hoạch bài bản để đưa DN Việt Nam vào danh sách được quốc tế công nhận như danh sách sản phẩm của Gartner.
Thứ trưởng cũng mong muốn tôn vinh quốc gia phải tạo được sự xúc động. Các hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực TT&TT cũng xem xét đề cử sản phẩm gắn với giải thưởng./.