Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi về biển, hơn 3.260km bờ biển trải dài 28 tỉnh, thành phố theo chiều dài đất nước với diện tích tự nhiên là 126.747km2, tỉ lệ đất liền với bờ biển của Việt Nam thuộc loại cao so với thế giới. Các tỉnh, thành phố ven biển đóng góp khoảng 47-48% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước, trong đó các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 20-22% GDP. Tại các tỉnh, thành phố ven biển, chỉ số phát triển con người cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người gấp từ 1-2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế biển nước ta vẫn phải đối mặt với các thách thức lớn về môi trường và tài nguyên biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sinh kế của người dân.
Đánh giá thực trạng phát triển bền vững khu kinh tế ven biển Việt Nam, Tiến sĩ Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng cho rằng, hiện nhiều khu kinh tế ven biển chưa tạo ra sự lan tỏa lớn bởi chất lượng dự án đầu tư còn thấp, vốn đầu tư tập trung vào những ngành tiêu tốn tài nguyên và năng lượng như: Hóa dầu, thép, xi măng, nhiệt điện...; các dự án đầu tư trong các khu thuộc đa ngành nghề, lĩnh vực, ít có tính cộng sinh công nghiệp…. Quy hoạch và triển khai quy hoạch còn thiếu thực tế do phần lớn các khu kinh tế ven biển phát triển dựa trên mô hình đa ngành nghề, ít theo mô hình tập trung, chuyên sâu...
Bàn về an ninh môi trường biển ở Việt Nam, Tiến sĩ Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, môi trường biển nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ phát triển kinh tế-xã hội trong nước, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới. Hàng năm, có hơn 2.500 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các nguồn thải chính gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân gồm: 878 khu đô thị, 369 khu công nghiệp (khoảng 2/3 nằm ở khu vực ven biển); hầu hết chất thải được xả ra môi trường biển bằng nhiều con đường khác nhau. Vì thế, nguy cơ xảy ra những sự cố, thảm họa môi trường trong hiện tại và tương lai luôn hiện hữu.
“Muốn phát triển dựa vào biển và hưởng lợi từ biển, Việt Nam cần phải cân bằng giữa khai thác và bảo tồn chính những giá trị mà biển mang lại, xử lý và phòng ngừa các vấn đề về an ninh môi trường biển. Song song với đó, cần ưu tiên mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển và hải đảo để kiến tạo những khu dự trữ về dài hạn; đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế và khu vực nhằm giải quyết hòa bình các nguy cơ xung đột lợi ích từ biển”, Tiến sĩ Hà Huy Ngọc nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển xanh, trong đó nhấn mạnh việc Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng và ban hành khung quản trị ứng phó với thảm họa môi trường; đồng thời ban hành các quy định cụ thể để tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo vùng biển ven bờ; kiểm tra, giám sát; phòng ngừa kịp thời, chủ động ứng phó hiệu quả với các sự cố môi trường. Ngoài ra, Việt Nam cần có sự liên kết phối hợp liên tỉnh, liên vùng và liên ngành chặt chẽ.