Giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp minh bạch thông tin

Thứ ba, 01/11/2022 01:10

Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu nhằm giải quyết bài toán về quản trị và minh bạch thông tin trong sản xuất nông nghiệp và thương mại nông sản hướng tới sự phát triển bền vững.

u3_4.jpg

Đây là nội dung được các chuyên gia nhấn mạnh tại Hội thảo "Chuyển đổi số trong nông nghiệp" do Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ số Viet Lotus tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh, ngày 29/6.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhân, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ số Viet Lotus thông tin, trong bối cảnh dân số thế giới liên tục tăng trưởng, dự báo đến năm 20250 thế giới sẽ có 9,5 tỷ dân, trong đó có tới 50% dân số sống ở khu vực đô thị. 

Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản, thực phẩm ngày càng cao, đi liền với đó là nhu cầu về mức độ minh bạch, độ tinh khiết và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thương mại sản phẩm diễn ra trên quy mô toàn cầu dẫn đến những vướng mắc về quy định giữa các quốc gia.

Trước những vấn đề trên, sản xuất nông nghiệp đang hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất hàng hóa nông nghiệp sử dụng một lượng tối thiểu các yếu tố đầu vào bên ngoài; đóng các vòng dinh dưỡng và giảm phát thải âm ra môi trường; xử lý tạo giá trị chất thải nông sản thực phẩm để giảm tác động đến môi trường sống.

Thách thức hiện nay là năng suất nông nghiệp vẫn còn tương đối thấp, tình trạng sử dụng quá mức thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ còn phổ biến. Song, nông nghiệp cũng đang đứng trước cơ hội để chuyển mình nhờ chuyển đổi số khi công nghệ phát triển và hỗ trợ đắc lực cho các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong chuỗi giá trị.

Ông Lê Văn Cửa, Phó Trưởng ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Tp.Hồ Chí Minh cho biết, Tp. Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số với chương trình chuyển đổi số được xây dựng dựa trên Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án xây dựng Tp.Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh và Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố; trong đó, nông nghiệp là một trong 10 ngành được ưu tiên chuyển đổi.

Theo ông Lê Văn Cửa, trồng trọt và chăn nuôi là hai lĩnh vực có thể đột phá trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số. Tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Tp.Hồ Chí Minh, chuyển đổi số trong quản lý trang trại đã được ứng dụng tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn của Tập đoàn TH True Milk hay Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). 

Tại các nông trang chăn nuôi bò sữa của hai đơn vị này, công nghệ IOT (ứng dụng internet vạn vật), Blockchain (công nghệ chuỗi khối), công nghệ sinh học được áp dụng rộng rãi.

Với trồng trọt, công nghệ IOT, Big Data (dữ liệu lớn) cũng bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số, như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây. Người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Ứng dụng công nghệ DNA mã vạch cũng đang từng bước được sử dụng trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản.
Ứng dụng SmartAgri vào mô hình sản xuất dưa lưới với các chức năng chính là tự động hóa quy trình quản lý trồng trọt; hỗ trợ lập kế hoạch, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ; thu thập, phân tích thông tin môi trường: nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, ánh sáng, tốc độ gió, lượng mưa, độ EC, pH… và điều khiển các thiết bị: hệ thống tưới, làm mát, đèn chiếu sáng, quạt, màn chắn… để giữ cho môi trường tuân theo đúng quy trình chuẩn.

Ứng dụng Agriconnect vào mô hình trồng nấm, giúp điều chỉnh tự động các thông số của môi trường nhà trồng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triến của nấm nhờ sự ghi nhận của các cảm biến (nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng và nồng độ CO2). Người dùng có thể quan sát và theo dõi thông tin bên trong nhà trồng nấm qua giao diện website, IP camera.

Ông Phạm Văn Quân, Nhà sáng lập và điều hành Công ty 4TE nêu vấn đề, nhu cầu của chuỗi sản xuất – thương mại nông sản hiện nay là làm sao để quản lý hệ thống nuôi trồng, chế biến, hệ thống sản xuất tự động và cho báo cáo thống kê chi tiết và tức thờ.

Làm thế nào để quản lý chuỗi phân phối: Chính sách giá, sự cạnh tranh, tràn  hàng giữa các khu vực. Hơn hết là khắc phục tình trạng người tiêu dùng không kiểm soát được, không có đủ thông tin về sản phẩm mình mua cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu hàng hoá.

Để giải quyết các bài toán trên, giải pháp tất yếu là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hoá từ quy trình sản xuất đến thương mại, phân phối và tiêu dùng nông sản, thực phẩm.

Các giải pháp ứng dụng số hiện nay đều hướng tới mục tiêu minh bạch thông tin thông qua yêu cầu khai báo cho từng đơn vị sản xuất, từng sản phẩm theo định danh mã vạch tên sản phẩm, kết quả trả về khi truy xuất, hình ảnh sản phẩm. Ứng dụng công nghệ, số hoá vào sản xuất và thương mại cho phép khách hàng truy xuất ra thông tin từng sản phẩm mọi lúc, mọi nơi.

Chính việc minh bạch sẽ mang lại lợi ích cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Khi đó người sản xuất đáp ứng yêu cầu chung của cơ quan quản lý nhà nước; tăng hình ảnh, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, tăng  niềm tin đối với khách hàng, từ đó tăng doanh thu và lợi nhuận  cho doanh nghiệp.

Người tiêu dùng được bảo vệ khi có đủ thông tin quy trình sản xuất – thu hoạch – vận chuyển – chế biến – phân phối, tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất  lượng.

Trong khi đó, bà Đặng Thị Phương Thảo, Đại diện Newee.asia nhấn mạnh đến hiệu quả của chuyển đổi số trong phát triển thị trường cho nông sản. Theo đó, tình trạng nông dân điêu đứng vì nông sản tiêu thụ chậm thường lặp đi lặp lại, nhiều sản vật của địa phương chưa được chú trọng để phát triển thành sản phẩm có giá trị, mà chỉ dừng lại ở chế biến tại chỗ, xuất khẩu thô. 

Đặc biệt, trong hai năm qua, sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 với những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động truyền thống trong kinh doanh, phân phối hàng hóa.

Để thích ứng linh hoạt, hiệu quả và đảm bảo được các yếu tố phòng dịch, người dân đã tiếp cận nhiều hơn với cách thức mua sắm trực tuyến qua môi trường mạng. Thay vì đi mua sắm trực tiếp tại chợ, siêu thị, cửa hàng, nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến (online), lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đây chính là thời điểm để phát triển kênh bán hàng mới cho người sản xuất nông nghiệp.

"Tuy nhiên, để khai thác được lợi thế của thương mại điện tử, người nông dân cần được đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ, làm quen với hình thức kinh doanh mới. Không chỉ tập trung cho chất lượng sản phẩm, người sản xuất cũng phải đầu tư cho thiết kế hình ảnh, bao bì sản phẩm và kể câu chuyện về sản phẩm của mình; đồng thời, xây dựng các kế hoạch marketing bán hàng hiệu quả.

Nói cách khác, mỗi nông dân cần được đào tạo để trở thành một chủ doanh nghiệp, chủ động nắm thông tin thị trường, mở rộng kênh phân phối, quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh doanh", bà Đặng Thị Phương Thảo nhấn mạnh.

 

Nguồn: bnews.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top