Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Bộ TT&TT và các DN trong ngành sẵn sàng đồng hành với Đồng Tháp chuyển đổi số
Chuyển đổi số là một xu hướng
Tại buổi trao đổi, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết: Chuyển đổi số là một xu hướng của thế giới và là vấn đề của cả quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Với chính phủ số, mục tiêu đặt ra là các dịch vụ công trực tuyến cung cấp mức độ 4 cho người dân. Kinh tế số phải chiếm từ 20 - 25% tỷ trọng GDP. Với xã hội số, Việt Nam đặt mục tiêu mỗi người dân một chiếc điện thoại thông minh (smartphone), mỗi hộ gia đình một đường truyền Internet. Đây là những chỉ tiêu lớn trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.
"Chuyển đổi số là việc của người đứng đầu, nếu không thì không ai dám làm và cũng không ai có thể làm. Chuyển đổi số cũng là việc của mọi thành viên trong tổ chức", ông Dũng chia sẻ.
Để lãnh đạo quá trình chuyển đổi số không nhất thiết phải là nhà công nghệ. Nhà lãnh đạo cho công cuộc chuyển đổi số chỉ cần là người có thể đặt ra bài toán và mục tiêu giải quyết. Các nội dung khác đã có những chuyên gia công nghệ thực hiện, ông Dũng cho biết thêm.
Chuyển đổi số là chuyển đổi về tư duy
Ông Dũng cho rằng, chuyển đổi số đòi hỏi sự chuyển đổi về tư duy, nhận thức. Với một địa phương, chính quyền sẽ phải đầu tư để chuyển đổi số. Vì vậy, nhiệm vụ phát triển chính quyền số là nhiệm vụ thứ 2. Nhiệm vụ thứ 3 là dẫn dắt chuyển đổi số theo từng ngành, từng lĩnh vực. Đó là y tế, giáo dục, nông nghiệp. Thứ 4 là phát triển một lực lượng doanh nghiệp (DN) công nghệ số đông đảo trên địa bàn địa phương mình.
Với trường hợp của Đồng Tháp, ông Dũng cho biết, tỉnh rất cần một lực lượng DN tư vấn, ứng dụng công nghệ số để mang công nghệ đến mọi ngõ ngách của cuộc sống.
Để thay đổi tư duy và nhận thức, cần lấy người dân là trung tâm. Do đó, cần phải làm sao để mỗi người dân một smartphone, mỗi hộ gia đình có một đường truyền Internet bởi đây là phương tiện cơ bản giúp người dân tiến hành chuyển đổi số. Lãnh đạo địa phương cũng nên lựa chọn những lĩnh vực liên quan đến người dân để tiến hành chuyển đổi số trước.
Chúng ta có thể chuyển đổi số nhanh hơn bằng cách sử dụng các nền tảng công nghệ Make in Vietnam. Tư tưởng, tinh thần của đề án chuyển đổi số quốc gia là chuyển đổi số dựa trên các nền tảng Make in Vietnam. Đây là công cụ cho phép các cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn mà không cần biết gì về công nghệ số.
Bộ TT&TT đã ra mắt nền tảng quản trị DN tổng thể 1Office, cho phép mọi DN đều có thể sử dụng toàn bộ dịch vụ ứng dụng một cách đơn giản mà không cần tới lực lượng CNTT với chi phí chỉ 30.000 đồng/người/tháng. Với một DN có quy mô nhỏ (dưới 10 người), chi phí cho chuyển đổi số bằng công cụ này chỉ mất 300.000 đồng/tháng, ngang với hóa đơn điện nước.
Để thay đổi nhận thức, chúng ta nên đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu là chính. Các nước chuyển đổi số thành công còn đưa ra luật ra quyết định dựa trên chứng cứ về dữ liệu và việc phân tích dữ liệu, ông Dũng cho hay.
Đề xuất 4 lĩnh vực Đồng Tháp ưu tiên chuyển đổi số
Theo Cục trưởng Cục Tin học hoá, chính quyền số là chính quyền 4.0. Cơ quan nhà nước xử lý văn bản không giấy, họp không gặp mặt, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không sử dụng tiền mặt. Càng nhiều người thực hiện điều này thì mức độ chuyển đổi số càng cao.
Chia sẻ về phương pháp chuyển đổi số cho Đồng Tháp, Cục trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng giáo dục, y tế, nông nghiệp và du lịch là những lĩnh vực cần phải được ưu tiên.
Trong nông nghiệp, khoảng 2 tháng gần đây có câu chuyện xoài Vĩnh Xương gắn nhãn mác nhái và phải xuất ngược trở lại. Trong khi đó, đây là thương hiệu tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ blockchain. Trước khi xảy ra sự việc này, xoài Vĩnh Xương là một trong những ví dụ tiêu biểu về việc sử dụng blockchain để truy xuất dữ liệu nguồn gốc.
Theo ông Dũng, vấn đề ở đây là công nghệ số phải được gắn với quy trình và phương thức quản lý. Đó phải là một câu chuyện tổng thể và toàn diện chứ không phải dùng blockchain để giải quyết vấn đề nhưng vẫn đứng trên góc độ của những người làm công nghệ thay vì góc độ của những người quản lý đối với bài toán đặt ra.
Về du lịch thông minh, Cục Tin học hóa đang tìm cách giải quyết các bài toán cụ thể của địa phương như có bao nhiêu khách du lịch tại Đồng Tháp trong một thời điểm cụ thể. Đây là thông tin quan trọng để phục vụ công tác quản lý, dự báo và hoạch định cho tương lai.
"Hoàn toàn có thể dùng công nghệ số và việc phân tích dữ liệu để trả lời cho câu hỏi này. Từ đó, ta sẽ có những lời giải tốt hơn mà nếu không có công nghệ, chúng ta sẽ không bao giờ có thể làm được", ông Dũng cho hay.
Với câu chuyện y tế, theo thống kê tại tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 1.300 bác sĩ trên 2,5 triệu dân, với tỷ lệ khoảng 5 bác sĩ trên 10.000 dân. Với tỷ lệ này, sẽ rất khó chăm sóc tốt được cho người bệnh. Công nghệ số có thể giải quyết được bài toán này bằng cách cá thể hóa để mỗi người dân có một ứng dụng giúp kết nối tới các y bác sĩ trên toàn quốc.
Một trong những xã bước đầu triển khai chương trình này hiệu quả là xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Các ứng dụng này không thể thay thế cho việc đến bệnh viện khám, tuy nhiên khi có vấn đề về sức khỏe, một người dân ở Ninh Bình có thể được các bác sĩ ở Hà Nội tư vấn nhanh chóng nhất. Điều này giúp hạn chế việc người dân phải trực tiếp đến bệnh viện, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện.
Về giáo dục, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 300 trường tiểu học, gần 150 trường trung học và khoảng 43 trường trung học phổ thông. Tỷ lệ sử dụng nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa tại Đồng Tháp hiện đạt khoảng 50%. Nếu tỷ lệ này được nâng cao sẽ tạo ra một thế hệ tương lai sử dụng thành thạo kỹ năng số ngay từ rất sớm. Đây là một vài ví dụ về cách chuyển đổi số cho các lĩnh vực tại địa phương.
Cục Tin học hóa đang xây dựng Bộ chỉ số Chuyển đổi số cho các bộ ngành, địa phương. Trong đó sẽ có các tiêu chí và chỉ số để đánh giá mức độ và hiệu quả chuyển đổi số cho từng bộ, từng tỉnh. Các bộ ngành, địa phương có thể căn cứ vào đây để đánh giá mức độ và hiệu quả chuyển đổi số của mình.
Cục Tin học hóa cũng sẽ phát hành bản điện tử của cuốn cẩm nang chuyển đổi số để các địa phương có thể tham khảo và sử dụng, tuyên truyền về chuyển đổi số.
"Nhìn chung, chuyển đổi số chỉ có ý nghĩa khi được thực hiện một cách tổng thể và toàn diện. Tổng thể là mọi đơn vị trong một tổ chức, còn toàn diện là mọi khâu của quy trình nghiệp vụ. Lúc đấy, chúng ta sẽ thực sự thấy ý nghĩa của chuyển đổi số", ông Dũng cho hay.
Việt Nam có nhiều lợi thế để chuyển đổi số
Trao đổi thêm về các câu hỏi liên quan đến chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Việt Nam có một số thuận lợi lớn về chuyển đổi số. Đầu tiên là Đảng lãnh đạo thống nhất. Đây là lợi thế rất lớn bởi chuyển đổi số liên quan tới sự thay đổi (mô hình, cách làm, chính sách). Thứ hai, Việt Nam có rất nhiều DN công nghệ số. Việt Nam có thể coi là top 6 những quốc gia có nhiều DN công nghệ số.
Theo Bộ trưởng, trong nhiều năm qua, DN công nghệ số Việt Nam đi làm thuê, gia công, có rất nhiều kinh nghiệm chuyên môn, giờ quay về làm sản phẩm Make in Vietnam. Trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có nhiều nền tảng chuyển đổi số nhất, đều do người Việt Nam viết, tùy biến được.
Hiện có 50.000 DN công nghệ số với gần 1 triệu lao động làm việc. Một số DN tên tuổi lớn như Viettel, VNPT, FPT, CMC... còn bán được sản phẩm ra nước ngoài với thị phần tương đối lớn.
Đẩy mạnh chuyển đổi số nhờ thí điểm
Trước những băn khoăn của tỉnh Đồng tháp về việc sẽ chuyển đổi số lĩnh vực nào trước, Bộ trưởng cho hay lĩnh nào khó khăn nhất thì cần chuyển đổi số trước. Có 2 lĩnh vực là y tế và giáo dục, tỉnh nào cũng cần chuyển đổi số sớm nhất, tiếp theo là nông nghiệp.
Giải đáp những lo ngại về khó khăn, tốn kém khi chuyển đổi số giáo dục, Bộ trưởng cho biết tỉnh có thể ban hành chính sách 20% trường phổ thông và đại học học trực tuyến. Hiện nay về chính sách chưa có nhưng chủ trương đã có. Tỉnh có thể đề xuất Bộ GD&ĐT cho cơ chế thí điểm để thiết kế chương trình 20% học trực tuyến.
Một số DN đã sẵn sàng công nghệ và nền tảng phần mềm giáo dục. Trong đợt dịch Covid-19, nhiều DN đã làm, giờ tỉnh cần DN sẽ hỗ trợ. Tiếp theo là đăng ký thêm đường truyền Internet cáp quang, chi phí cũng không đáng kể. Học tập trực tuyến, học sinh có thể tiếp cận những bài giảng từ các giáo viên giỏi của đất nước cho học sinh Đồng Tháp.
"Nhiều khi chẳng có gì để mất nhưng lại có cơ hội để có tất cả bằng cách cho thí điểm. Đồng Tháp có nhiều cơ hội cho thí điểm, nhất là học trực tuyến".
Chuyển đổi số ngành y tế chỉ cần ra quyết định các bệnh viện phải có nền tảng cho người dân khám bệnh ở nhà, không ra bệnh viện tuyến trên. Theo Bộ trưởng, trong thời gian ngắn có thể thay đổi rất nhiều thứ mà không tốn kém gì.
Yêu cầu đặt ra với chuyển đổi số là phổ cập smartphone. Hiện nay các quốc gia lo nhất là làm thế nào để mỗi người dân có 1 smartphone. Giá trung bình 200 USD/chiếc. Người nghèo không mua được, ngay cả Mỹ cũng chưa đạt được tỷ lệ này.
Đồng Tháp lại khá khác biệt khi 90% dân số của tỉnh có smartphone nhưng chỉ 70% dân số dùng smartphone. Chỉ cần vận động chia sẻ thì 100% người dân Đồng Tháp sẽ có smartphone. "Chỉ cần thay đổi cách tiếp cận, nhìn nhận thì việc khó cũng thành dễ", Bộ trưởng cho hay.
Để giải câu chuyện không có nguồn lực để làm chuyển đổi số, Bộ trưởng cho rằng tỉnh chỉ cần đặt bài toán, rồi thuê dịch vụ, có những dịch vụ thiết thực người dân có thể trả phí, DN sẽ triển khai. Tỉnh còn băn khoăn chuyện thuê dịch vụ giá có chuẩn không thì hãy đẩy bài toán lên Bộ TT&TT.
"Bộ TT&TT cam kết đồng hành cùng Đồng Tháp chuyển đổi số", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh giao cho Sở TT&TT càng nhiều việc khó. "Việc khó thực hiện trong thời gian càng ngắn bao nhiêu thì càng có nhiều sáng tạo, càng có nhiều người giỏi bấy nhiêu".