Giá trị cho DN chuyển đổi số

Thứ năm, 08/09/2022 19:16

"Chuyển đổi số (CĐS) là chìa khoá để phát triển kinh tế đất nước, giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước và điều này đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đưa vào chương trình thực hiện trọng tâm, trọng điểm".

 Nhấn mạnh trên là của TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí (DNCK) tại sự kiện hội thảo "Xu hướng và giải pháp CĐS cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất" thuộc khuôn khổ DX Summit 2022 do VINASA tổ chức mới đây.

Cần nâng cao năng lực truyền thông về CĐS

Thông suốt cho các quan điểm của mình, TS. Sáng cho rằng CĐS trong các DN trước, trong, sau là luôn cần thiết, không thể thiếu trong mọi quy trình vận hành, thay đổi, phát triển.

20221108-pg10.jpg

Sự cần thiết này luôn đúng bởi lẽ đã có nhiều DN tận dụng tốt các lợi thế, ưu điểm khi thực hiện CĐS để tạo ra các giá trị tăng trưởng mới. Điển hình là các DN trong lĩnh vực viễn thông đã tận dụng xu thế này để phát triển, làm chủ công nghệ sản xuất phần cứng, phần mềm, an ninh mạng, công nghiệp, an ninh, quốc phòng…

Nhiều DN có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ giờ đây không chỉ là nhà cung cấp giải pháp và phần mềm cho các lĩnh vực tài chính, ngân gàng, quản trị DN… mà còn là nhà cung cấp phần mềm điều khiển cho lĩnh vực phức tạp như chip nhúng, nhà cung cấp hạ tầng cho CĐS. "Điều này tạo ra nhiều giá trị cho bên DN, nhà cung cấp và các khách hàng thụ hưởng", TS. Sáng nhấn mạnh.

Chưa dừng lại ở giá trị, lợi ích đó, các DN công nghệ còn tạo ra những sản phẩm như mạng Zalo - đây là mạng xã hội thuận tiện cho người sử dụng, phổ biến đa dạng trong mọi tầng lớp xã hội hay các startup Việt Nam đã trở thành hiện tượng trong lĩnh vực tiền ảo, với các giá trị sáng lập bởi từ thế hệ 9X… Điều này đã tạo, hình thành nên các DN có giá trị vốn hóa hàng triệu, tỷ USD.

Đặc biệt, khi nói cụ thể về các giá trị, lợi ích của việc CĐS mang lại cho DN, TS. Sáng nhấn mạnh đến các yếu tố tích cực như: Giúp DN cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận, mở rộng quy mô với nhiều khách hàng, đồng thời, giúp lãnh đạo DN đưa ra các quyết định nhanh chóng và chính xác nhờ hệ thống báo cáo thông suốt, kịp thời.

Với quan điểm nhấn mạnh này, TS. Sáng dẫn chứng lấy số liệu qua báo cáo từ công ty tư vấn quản lý toàn cầu Mỹ McKinsey. Theo đó, báo cáo đự báo năm 2025, mức độ tác động CĐS tới GDP của Mỹ khoảng 25% và đối với các nước Châu Âu khoảng 36%. "Từ đây, có thể thấy khả năng tác động của CĐS đối với tăng trưởng GDP là rất lớn", TS. Sáng nêu rõ.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tích cực mà CĐS mang lại, TS. Sáng cũng chỉ ra những lý do, nguyên nhân DN áp dụng việc CĐS nhưng chưa thành công, hiệu quả là vì: Năng lực, sự quan tâm của lãnh đạo còn hạn chế; còn tồn tại "điểm mù" trong tư duy của các lãnh đạo về CĐS; mức độ trao quyền cho nhân viên chưa cao; trang bị công cụ cho CĐS còn thấp; năng lực truyền thông chưa chú trọng.

CĐS cần gắn liền với mục tiêu phát triển của đa ngành kinh tế khác

Theo TS. Sáng, việc tìm ra những nguyên nhân sẽ giúp các tổ chức, DN xác định được việc CĐS nên thực hiện khi nào và thực hiện thế nào?... Nếu các DN hiểu và tìm ra câu trả lời phù hợp với thực tế của đơn vị mình để thay đổi - đây sẽ là chìa khóa mở ra con đường đúng đắn dẫn đến thành công, sự tăng trưởng bền vững.

Đưa ra giải pháp thúc đẩy việc CĐS trong các DN, TS. Sáng cho rằng, cần gắn liền việc CĐS với mục tiêu cụ thể, không nên thực hiện CĐS theo phong trào. Đặc biệt, cần gắn liền với các chương trình mục tiêu phát triển của đa ngành kinh tế khác như: Viễn thông, giao thông, năng lượng, hóa chất, dầu khí…

Đối với các ngành DN chế biến, chế tạo, công nghiệp cần thực hiện đúng theo tinh thần, yêu cầu của Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt đảm bảo CĐS gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp, giữa chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược, quy hoạch các ngành kinh tế khác…

"Việc thực hiện nhiệm vụ CĐS để thành công chưa bao giờ là việc dễ vì đây chính là một công cuộc dài lâu, do đó cần xây dựng, đưa ra mục đích, lộ trình, chỉ tiêu đánh giá cụ thể", TS. Sáng nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Sáng, CĐS trong DN chỉ thành công khi nó được gắn trong những mục tiêu hoạt động cụ thể và có sự thống nhất của nhiều tổ chức, DN, bộ, ngành… thì kết quả CĐS mới thực sự thành công, bền vững.

Do đó, từng bộ, ngành, cơ quan, DN cần xác định rõ chiến lược, quy hoạch, mục tiêu ngắn hạn, dài hạn của mình để CĐS cho phù hợp với tình hình thực tế và tương lai lâu dài.

Đối với các DN sản xuất và chế biến, muốn CĐS hiệu quả cần tập trung vào việc quản trị số các khâu: Quản trị khác hàng, mua bán vật tư, logistics, tiếp thị, dịch vụ/hậu mãi, các hoạt động hành chính, quản lý cán bộ, nhân viên.

Các DN thực hiện việc CĐS các quy trình quản trị của mình nhưng luôn đảm bảo bộ máy vẫn vận hành liên thông và có chi phí đầu tư hợp lý. Đặc biệt, các phần mềm sử dụng cho mục đích quản trị có thể mua của công ty nước ngoài cũng như các nhà cung cấp giải pháp phần mềm trong nước. "Để CĐS trong lĩnh vực này chỉ cần quyết tâm của lãnh đạo DN là đủ", TS. Sáng nhấn mạnh.

Hơn nữa, các DN sản xuất và chế biến khi CĐS cần: Thúc đẩy gắn kết các ý tưởng nghiên cứu, phát triển (R&D), thiết kế và gia công chế tạo; sử dụng các phần mềm thiết kế có sự hỗ trợ của máy tính (CAD), phần mềm cho máy gia công CNC CAM; các phần mềm chuyên dụng (thiết kế, mô phòng, gia công chuyên dụng)…

Cùng với đó, các DN cần phải có sự định hướng cho các sản phẩm rõ ràng (định hướng thị trường, định hướng sản phẩm). Cần thiết có thể áp dụng phương pháp nghiên cứu và phân tích tình huống (case study).

Mỗi DN có thể có các tiêu chí CĐS khác nhau, tuy nhiên, không thể thiếu các yếu tố cơ bản: Văn hóa DN số; phần mềm ERP dựa trên yêu cầu cần thiết của công ty; đội ngũ công nghệ thông tin chuyên sâu nội bộ (IT in house)…

Cũng theo TS. Sáng, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa nhiệm vụ này, Nhà nước, Chính phủ tích cực đẩy mạnh hơn nữa việc chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị liên qua xây dựng, đa dạng, hoàn thiện các chương trình cụ thể về CĐS, gắn liền trong các chương trình đầu tư lớn của đất nước.

"Khi làm tốt điều này chính là giúp các DN Việt Nam thêm sự định hướng vững chắc để chuyên tâm thực hiện thành công công cuộc CĐS ngày càng mạnh mẽ, bền vững", TS. Sáng nhấn mạnh./.

theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top