Gia Lai: Gắn dạy nghề với chuyển dịch cơ cấu lao động

Thứ năm, 11/07/2013 13:34

Là tỉnh nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, Gia Lai có nhiều tiềm năng về ngành nông, lâm, công nghiệp cũng như dịch vụ và du lịch. Đấy cũng là yếu tố quan trọng làm cơ sở cho việc dạy nghề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) trong tỉnh. Tỉnh có 34 tộc anh em cùng chung sống, với dân số hơn 1,3 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 45%. Với mạng lưới 16 cơ sở dạy nghề (CSDN), quy mô đào tạo gần 20.000 học sinh là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

img

Lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp.

Đào tạo nghề cho LĐNT được xem như đòn bẩy, giúp nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Gia Lai thoát nghèo nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo cũng như nhân dân trong tỉnh. Ngay từ tháng 6/2011, Tỉnh ủy Gia Lai đã ra chỉ thị 07/CT/TU về tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác đào tạo nghề đến năm 2020. UBND tỉnh cũng ban hành nhiều quyết định, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Đào tạo nghề cho LĐNT. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, gắn việc dạy nghề với giải quyết việc làm, Gia Lai đã nhanh chóng đa dạng hóa ngành nghề đào tạo. Trên cơ sở 12 chương trình đào tạo nghề cho LĐNT đã được ban hành và thực hiện , Sở LĐ- TB&XH đã chủ động thẩm định và ban hành thêm 12 chương trình đào tạo. Đến nay, Gia Lai đã hoàn chỉnh 24 chương trình đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó có 12 nghề nông nghiệp và 12 nghề phi nông nghiệp. Riêng chương trình dạy nghề dưới 3 tháng được xây dựng sát với yêu cầu của thị trường lao động, đáp ứng được sự thay đổi của khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới được ứng dụng trong sản xuất, đồng thời thường xuyên cập nhật, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Mặt khác, chương trình dạy nghề được quản lý thống nhất trong toàn tỉnh, góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo nghề giữa các cơ sở dạy nghề tham gia đào tạo nghề cho LĐNT.

Qua 3 năm triển khai thực hiện, Gia Lai đã có 17 hợp đồng đào tạo nghề được ký kết với tổng kinh phí 15.940 triệu đồng. Sau 3 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, đến nay, Gia Lai đã đào tạo nghề miễn phí cho 13.196 lao động, trong đó lao động người dân tộc thiểu số và người nghèo là 11.453. Theo thống kê sơ bộ, sau đào tạo nghề, có khoảng trên 9.000 lao động có việc làm, tự tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, nâng cao giá trị ngày công lao động, đạt khoảng 74%. Các nghề đào tạo chủ yếu là trồng, chăm sóc, cạo mủ cao su, cà phê, chăn nuôi, thú y, xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp, điện nông thôn, du lịch… Thực tế cho thấy một số nghề như trồng, chăm sóc, cạo mủ cao su, cà phê, xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi đáp ứng thị trường lao động, tạo việc làm và tăng cơ hội khả năng lựa chọn việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững. Cũng nhờ đó, hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở Gia Lai không ngừng được nâng lên, từ 20% năm 2010 lên 24% năm 2012.

Anh Huinh ở xã Ia Pết (Đắk Đoa) cho hay: “Khi chưa học nghề, mình đã thành lập tổ xây dựng đi xây nhà cho dân nhưng nhận được ít công trình. Bây giờ được học nghề, có thầy giáo hướng dẫn về kỹ thuật xây dựng, tổ của mình làm không hết việc”. Còn chị Đinh Thị Lớt, người Ba Na ở làng Pốt (xã Song An, thị xã An Khê) kể: “Khi chưa được học kỹ thuật làm lúa nước, mỗi khi ngâm lúa giống, dân trong làng bỏ cả bao lúa xuống suối ngâm, hạt lúa nảy mầm vớt lên đem đi sạ. Sạ nhiều mà lúa chẳng mọc bao nhiêu vì đa phần là hạt lép nên không ra cây lúa non được. Nay, được học kỹ thuật ngâm lúa, với quy trình cho lượng lúa cần dùng vào thùng, nước ngâm là 3 sôi 2 lạnh, thấy hạt lúa lép nổi lên thì vớt ra, sau 2-3 ngày thay nước chua rồi đem ủ, khi lúa ra mầm mới đem sạ. Nhờ thầy giáo Trường trung cấp nghề An Khê chỉ dẫn, người dân làng Pốt mới vỡ lẽ, muốn làm nông nghiệp giỏi cũng cần phải học làm kỹ thuật, chứ không chỉ làm theo cách truyền thống”.

Để hoạt động dạy nghề cho LĐNT trở nên thiết thực với người học và đạt hiệu quả cao, ngoài việc tổ chức điều tra, khảo sát nhằm nắm bắt nhu cầu học nghề hiện tại và dự báo cho tương lai, Gia Lai còn chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã. Kết quả, sau 3 năm (2010 - 2012) đã có 1.237 cán bộ xã được đào tạo. Đây là nhân tố quan trọng trong việc triển khai thực hiện chương trình dạy nghề cho LĐNT.

Có thể nói, thành công trong việc dạy nghề cho lao động nông thôn ở Gia Lai là các cơ sở dạy nghề đã phối hợp tốt với Phòng LĐ- TB&XH, các hội, đoàn thể ở địa phương trong công tác tuyên truyền cho người lao động nắm được thông tin về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT, từ đó người lao động tích cực tham gia học nghề. Các ngành nghề được đào tạo phù hợp với nhu cầu của người học và định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Mô hình đào tạo nghề cơ bản gắn với doanh nghiệp tuyển dụng học viên sau khi đào tạo. Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động, giải quyết việc làm, góp phần đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top