Ghi nhận từ công cuộc chuyển đổi số ở Bắc Giang

Thứ ba, 06/06/2023 19:43

Trong 3 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022), tỉnh Bắc Giang dẫn đầu cả nước về lĩnh vực “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” trong chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh. Năm 2021, 2022, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố cả nước về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh.

20230607-m07.jpg

Thanh niên tình nguyện hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. (Ảnh minh họa)

Từ hai mô hình điểm

Năm 2022, tỉnh Bắc Giang lựa chọn xã Hồng Giang và Phúc Hòa, huyện Lục Ngạn thực hiện thí điểm chuyển đổi số cấp xã trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Sở KH&CN là đơn vị chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện.

Sau hơn 1 năm thực hiện, xã Hồng Giang và Phúc Hòa đều đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp toàn bộ hệ thống mạng nội bộ của UBND xã; nâng cấp, bổ sung trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại; 100% cán bộ, công chức được cấp chữ ký số và sử dụng hiệu quả; thủ tục hành chính được rà soát thường xuyên, lập mã QR-code giúp công dân thực hiện thuận lợi.

Về kinh tế số, hiện xã Hồng Giang có 150 hộ kinh doanh triển khai hình thức thương mại điện tử (thanh toán không dùng tiền mặt); gần 820 hộ cài ứng dụng Viettel money; hơn 1.000 hộ sử dụng tài khoản ngân hàng và Mobile money để chi trả tiền điện hằng tháng; Hợp tác xã (HTX) Hồng Xuân triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc cho 5 sản phẩm OCOP là vải thiều, cam lòng vàng, cam ngọt, bưởi ngọt và bưởi da xanh.

Ở xã Phúc Hòa, chính quyền địa phương hỗ trợ 3 hộ dân sản xuất vải sớm; 1 hộ kinh doanh bưởi đào đường; 2 HTX phát triển kinh tế số, lập mã QR-code quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm “Mật ong Phồn Nhi” cho HTX nuôi ong Phồn Nhi; tạo và in 40.000 mã tem QR sản phẩm và tem truy xuất nguồn gốc.

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng tài khoản ngân hàng và Mobile money để chi trả tiền điện hằng tháng đạt 30% tổng số hộ trên địa bàn xã. Hai địa phương cũng quan tâm chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, y tế, an ninh trật tự...

Qua thực hiện chuyển đổi số giúp cán bộ, công chức làm việc nhanh chóng, hiệu quả, tính chính xác cao. Người dân tiết kiệm nhiều thời gian, công sức khi thực hiện các thủ tục hành chính; các sản phẩm chủ lực của địa phương được nâng giá trị.

Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai chuyển đổi số ở hai xã vẫn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên là trình độ tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận cán bộ, công chức, người dân không đồng đều; người dân ngại chuyển đổi, vẫn quen cách truyền thống khi giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán bằng tiền mặt.

Mặt khác, một số thủ tục hành chính trên dịch vụ công chưa được tích hợp nên cán bộ mất nhiều thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Kênh tương tác giữa chính quyền và người dân có thời điểm chưa thường xuyên, tích cực, hiệu quả.

Chú trọng nhân lực cho chuyển đổi số

Nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như những hạn chế về nhân lực trong thực hiện chuyển đổi số của tỉnh, Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Nghị quyết số 433-NQ/TU ngày 4/5/2019 về việc phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025; Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cho từng sở, ngành chủ trì.

Cùng với đầu tư hạ tầng, nền tảng số, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm phát triển nguồn nhân lực CNTT phục vụ chuyển đổi số. Tháng 2/2022, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập tổ chuyên gia chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang gồm 20 cán bộ của các cơ quan, đơn vị để đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu thành các chuyên gia chuyển đổi số, tham mưu cho tỉnh về chiến lược, kế hoạch, đầu tư, kỹ thuật, công nghệ, nguồn nhân lực và xu hướng phát triển chuyển đổi số.

Theo thống kê mới đây của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, tổng số cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh có trình độ về CNTT từ trung cấp trở lên là 1.478 người, chiếm gần 4% tổng số cán bộ, công chức, viên chức (đại học trở lên 593 người; cao đẳng 292 người; trung cấp 192 người); có chứng chỉ tin học là 30,9 nghìn người; 100% cán bộ, công chức, viên chức biết sử dụng máy vi tính, Internet. Toàn tỉnh có 25 sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã bố trí công chức chuyên trách CNTT và chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Tuy nhiên, cũng còn 5 cơ quan, đơn vị chưa bố trí được là: Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc tỉnh, các huyện Yên Thế, Việt Yên và Lục Nam. Trình độ ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh mới ở mức phổ cập các kiến thức cơ bản nên việc khai thác, sử dụng hệ thống thông tin, đặc biệt là phần mềm dùng chung của tỉnh còn hạn chế…

Tại Hội nghị sơ kết nhiệm vụ quý I/2023 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang mới đây, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh giao cho Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương nghiên cứu, đề xuất chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm, chất lượng trong công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh. Sở Nội vụ chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, UBND huyện, thành phố rà soát, kiện toàn đội ngũ chuyên trách CNTT xong trong quý II/2023. 

Ngọc Diệp (baodantoc.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top