Để có được phát hiện này, nhóm nghiên cứu tại Viện Ung thư Quốc gia Italy đã tiến hành thí nghiệm nhằm so sánh lượng hạt muội thải ra từ thuốc lá với lượng hạt muội thải ra từ một ô tô chạy diesel tại một garage ô tô tư nhân ở một thành phố miền núi phía Bắc Italy. Họ chọn địa điểm này vì đây là nơi có tỷ lệ hạt muội trong không khí thấp.
Nhóm sử dụng một động cơ nén khí diesel dung tích 2 lít. Nhiên liệu là dầu diesel với nồng độ sulphur thấp. Động cơ được khởi động và chạy không tải 30 phút trong garage. Lúc đầu người ta đóng cửa garage, sau đó mở trong 4 tiếng.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu đốt 3 điếu thuốc lá đầu lọc và cho chúng cháy âm ỉ hơn 30 phút. Lượng hạt muội thải ra được hiển thị trên một máy đo 2 phút một lần trong suốt thí nghiệm.
Nồng độ hạt muội đo được trong không khí sau khi động cơ chạy 1 giờ đầu tiên là 88 ug/m3. Trong khi đó, nồng độ này ở những điếu thuốc lá trong cùng thời gian là 830 ug/m3 – lớn hơn gần 10 lần.
Một điểm đáng chú ý là khi hoạt động với công suất lớn nhất, lượng hạt muội mà động cơ diesel thải ra trong garage chỉ lớn gấp đôi nồng độ đo được ngoài trời. Trong khi đó, nồng độ hạt muội từ khói thuốc cao gấp 15 lần nồng độ bên ngoài. Theo một thành viên của nhóm nghiên cứu thì “những số liệu này đáng để chúng ta lo ngại”.
Trong một thí nghiệm tương tự, các nhà khoa học tại Đại học Lund, Thụy Điển nhận thấy lượng chất độc hại trong không khí ở một phòng hút thuốc lá nhiều gấp 120 lần một phòng cấm hút thuốc.
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Ung thư Quốc gia Italy cho biết phát hiện này giúp các nhà khoa học giải thích được hiện tượng những người không hút thuốc nhưng tiếp xúc thụ động với khói thuốc lại bị ung thư phổi.
Những người sống chung với người nghiện thuốc lá phải tiếp xúc với các phần tử gây ô nhiễm cao hơn gấp nhiều lần so với những hộ gia đình không có người hút thuốc lá. Theo các nhà nghiên cứu, mức độ ô nhiễm này cũng tương đương mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Bắc Kinh hay London.
Các nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐH Aberdeen (Scotland) đã đo nồng độ các phần tử trong không khí như bụi và các chất có trong khói thuốc lá của gần 100 hộ gia đình có người hút thuốc lá và gần 20 hộ gia đình sống lành mạnh.
Kết quả so sánh cho thấy nồng độ của các chất gây ô nhiễm ở các hộ có người hút thuốc lá cao hơn gấp 10 lần khi so với các hộ gia đình sống không có khói thuốc lá. Nếu tính trung bình thì những người sống trong môi trường có khói thuốc lá phải tiếp xúc với các chất độc hại cao hơn gấp ba lần so với giới hạn tiếp xúc theo quy định của WHO.
Các nhà nghiên cứu cũng ước tính nếu một hộ gia đình có người hút thuốc, sau đó cai nghiện để trở thành hộ gia đình không có khói thuốc lá sẽ cắt giảm được 70% các chất ô nhiễm hít vào. Điều này thật sự có ý nghĩa cho những hộ gia đình có trẻ em hay người cao tuổi.
Amanda Sandford, thành viên Hội chống Hút Thuốc lá & Sức khoẻ Italy, cho rằng, trong số những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, trước mắt loài người có thể kiểm soát được lượng khói thuốc lá thải ra ngoài không khí.
Cần phải cấm hút thuốc tại tất cả những nơi công cộng và nơi làm việc. Một ngày trì hoãn đồng nghĩa với việc có thêm người gặp nguy hiểm bởi khói thuốc.