Tại buổi gặp mặt, ông Võ Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã báo cáo đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế tại Bộ TT&TT, kết quả hoạt động công tác pháp chế năm 2015, và tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính trong 10 tháng năm 2015. Theo đó, trung bình mỗi năm, Vụ Pháp chế thẩm định trên 30 văn bản quy phạm pháp luật và tham gia góp ý, tham mưu cho khoảng 500 - 600 lượt dự thảo văn bản (từ các đơn vị trong và ngoài Bộ). Vụ đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tiến hành rà soát và hệ thống hóa 6 tháng/lần để kịp thời xây dựng, ban hành các quyết định về việc công bố "Danh mục văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về thông tin và truyền thông hết hiệu lực thi hành", nhằm thuận tiện cho việc tra cứu, tham khảo, cũng như làm cơ sở nghiên cứu, ban hành các văn bản mới để thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung. Trong năm 2015, Vụ Pháp chế đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung của công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thực thi pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Toàn cảnh buổi gặp mặt
Ông Võ Thanh Lâm cũng đã chỉ ra nhiều bất cập của công tác pháp chế thời gian qua như xây dựng văn bản QPPL còn chậm, nhiều khi văn bản ra đời nhưng tính thời sự không còn, chậm hơn so với thực tế. Số lượng văn bản đăng ký hàng năm tăng nhưng hiệu quả và tỷ lệ hoàn thiện văn bản đúng hạn còn thấp. Công tác rà soát, hệ thống hóa các văn bản QPPL chưa được công bố kết quả kịp thời, do đó gây ảnh hưởng đến quá trình thực thi. Việc kiểm tra và xử lý các văn bản QPPL còn nhiều hạn chế như về kỹ năng kiểm tra và xử lý các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, chưa có một hệ thống các cơ sở dữ liệu về kiểm tra văn bản QPPL.... Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là theo dõi tình hình thi hành pháp luật là công tác "mới và khó", dù Bộ Tư pháp đã mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn, song các tổ chức pháp chế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng về chuyên môn, nghiệp vụ...
Tại buổi gặp mặt, đại diện các đơn vị đã có những trao đổi về công tác pháp chế của Bộ trong thời gian qua. Các cán bộ làm công tác pháp chế của Bộ nhấn mạnh việc cần thiết đẩy mạnh công tác phổ biến văn bản QPPL. Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Internet cho biết cần phải đẩy mạnh việc phổ biến các văn bản QPPL cho các chủ thể, người sử dụng hiểu rõ hơn các quy định, bởi nếu các chủ thể hiểu không rõ thì sẽ làm giảm hiệu quả. Ví dụ, như các cán bộ Sở TT&TT hiểu các văn bản đầy đủ thì mới có thể thực thi. Bà Hiền đề nghị Vụ Pháp chế trong thời gian tới phối hợp chặt chẽ với Trung tâm và các đơn vị để tổ chức các Hội nghị phổ biến chung các văn bản QPPL cho đúng đối tượng.
Trả lời về đề nghị này, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết Vụ Pháp chế đã có kế hoạch tổ chức Hội nghị phổ biến các văn bản QPPL của Bộ trong năm 2016, sẽ tổ chức theo chuyên đề, như CNTT, viễn thông, xuất bản, báo chí… để các đối tượng cần phổ biến được mời tham dự, tạo ra hiệu quả và tác động nhiều hơn, đồng thời tiết kiệm được nhân lực. Bà Hằng đề nghị các các đơn vị của Bộ gửi sớm các nội dung QPPL muốn phổ biến về Vụ Pháp chế.
Chia sẻ ý kiến về việc đẩy mạnh phổ biến văn bản QPPL, đại diện làm công tác chính sách của Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết Cục hiện có 8 trung tâm tần số vô tuyến điện trên cả nước và các Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các Sở TT&TT thực hiện việc phổ biến QPPL tương đối chủ động, một năm từ 15 – 20 hội nghị để cập nhật các văn bản mới để người sử dụng hiểu rõ các quy định QPPL. Cục cũng đã tuyên truyền cho các đối tượng người nước ngoài quan tâm đến các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực do Cục quản lý qua email, điện thoại, duy trì hình thức trả lời trực tuyến.
Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, Vụ Pháp chế cho biết đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 40 hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với các quy mô khác nhau, trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ như CNTT, viễn thông, bưu chính, tần số vô tuyến điện, xuất bản, chữ ký số và các văn bản pháp luật liên quan khác.
Phát biểu tại buổi gặp, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho rằng những ý kiến thẳng thắn tại buổi gặp mặt này sẽ giúp công tác pháp chế của Bộ TT&TT trong thời gian tới, góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Lãnh đạo Bộ TT&TT chia sẻ những khó khăn của các cán bộ làm công tác pháp chế của Ngành và sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ để các cán bộ làm công tác pháp chế hoàn thành tốt công tác của mình. Thứ trưởng cũng đề nghị các cán bộ chủ động đề xuất các kiến nghị liên quan và có những khen thưởng kịp thời để động viên các cán bộ làm công tác pháp chế./.