Gánh nặng bệnh tật của việc sử dụng thuốc lá

Thứ bảy, 12/11/2022 10:40

Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thì Việt Nam hiện có 45,3% nam giới và 1,1% phụ nữ trưởng thành hút thuốc lá, nghĩa là cứ hai người có một người hút thuốc, tương đương với 17 triệu người. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì thuốc lá.

20221209-A-124.jpg
ảnh minh họa
Trên thế giới

Thế giới hiện có 1,3 tỷ người trưởng thành hút thuốc. 80% số người hút thuốc sống tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh và gây ra 90% các trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ(1).

Trên thế giới, 90% bệnh nhân bị bệnh phổi có liên quan đến thuốc lá. Đây cũng là nguyên nhân khiến 73% số ca tử vong (chủ yếu ở các nước có thu nhập trung bình, thấp). Nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong thế kỷ 21, tổng số ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá sẽ tới một tỷ người.

Theo ước tính ở Hoa kỳ, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 30% các trường hợp tử vong do bệnh ung thư. Trong thế kỷ 20, đã có 100 triệu người chết  do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Mỗi năm, thế giới có khoảng 9 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó có 900.000 người chết do các bệnh gây ra bởi sự phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động (hút thuốc thụ động).

Có tới 80% số ca tử vong  là ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Tổ chức Y tế thế giới dự báo, nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong thế kỷ 21, tổng số người bị tử vong do những căn bệnh do thuốc lá gây ra sẽ lên tới 1 tỷ người.

Tại Việt Nam

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời. Theo điều tra tại bênh viện K năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%.

Với mục tiêu hết năm 2020, tỷ lệ người hút thuốc ở Việt Nam giảm xuống dưới 39%, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), các ban ngành, cơ quan, đơn vị cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức; tuyên truyền về mô hình, tấm gương cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quy định về môi trường không khói thuốc…

Theo Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), nguyên nhân của tình hình trên có nhiều nhưng tập trung ở việc vi phạm quy định cấm trưng bày quảng cáo một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn thuốc lá rất cao: Gần 90% điểm bán lẻ thuốc lá vi phạm quy định trưng bày thuốc lá; việc chấp hành trách nhiệm của người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chưa nghiêm; nhiều cơ quan, đơn vị chưa có quy định cấm hút thuốc trong quy chế nội bộ, còn để xảy ra tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc tại địa điểm do mình quản lý.

Bên cạnh đó, thuế thuốc lá tại Việt Nam còn thấp (chỉ chiếm 70% giá xuất xưởng và tính trên giá bán lẻ là 42%). Thuế thuốc lá thấp làm giá thuốc rẻ (trung bình 1 bao thuốc lá 20 điếu có xu hướng giảm), rẻ nhất là 6.000 đồng, phổ biến ở mức dưới 20.000 đồng. Theo WHO, giá này nằm trong 15 nước thấp nhất thế giới. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng trong người dân và thu hút người hút mới, đặc biệt là những đối tượng nghèo và thanh thiếu niên.

Hiện, Việt Nam tính thuế thuốc lá theo tỷ lệ phần trăm trên giá xuất xưởng, dự kiến đạt 75% vào năm 2019. Song, các chuyên gia đánh giá tiến trình tăng thuế chậm, hầu như không có hiệu quả giảm người hút. Trong 13 năm, thuế thuốc lá chỉ tăng 20%. Càng tăng thuế thì Chính phủ càng có nguồn thu, giá bán lẻ thuốc lá cao thì thanh thiếu niên, người nghèo không có tiền mua. Bộ Y tế và WHO đều cho rằng Việt Nam cần áp mức thuế tối thiểu là 2.000 đồng một bao, phương án tối ưu là 5.000 đồng. Ngoài ra, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Thông tư 05/2013/TTLT-BYT-BCT hướng dẫn ghi/in nhãn bao bì thuốc lá chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2013. Hình ảnh nhãn bao bì thuốc lá tác động mạnh, tạo cảm giác ghê rợn khi tiếp cận. Tuy nhiên hình ảnh đó chỉ có ‘giá trị’ đối với những người ... không hút thuốc. Đối với người hút thuốc, trẻ nhỏ (chưa đủ nhận thức) gần như không mấy tác dụng. Một số người khác nghiện thuốc ‘nhìn thấy ớn’ đã chuẩn bị sẵn một bao khác tự chế thật xịn, đẹp mắt để mua thuốc điếu bỏ vào bao tự chế hút cho ngon miệng.

Trong khi đó, tình hình buôn lậu thuốc lá điếu ngoại qua biên giới vẫn còn phức tạp. Cho đến nay, việc thực hiện thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu chưa được thực hiện, còn tồn 6 triệu bao chưa được xử lý. Chế tài xử lý vi phạm được quy định ở nhiều Nghị định xử phạt vi phạm hành chính nên việc xử lý còn gặp khó khăn. Lực lượng thanh tra mỏng, hành vi hút thuốc xảy ra nhanh, công tác xử lý vi phạm hành chính ở một số cơ quan quản lý nhà nước còn chưa hiệu quả đối với những hành vi hút thuốc nơi công cộng, nơi cấm hút thuốc.

Các hoạt động cai nghiện thuốc lá chủ yếu mới được triển khai ở bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, chưa được triển khai toàn quốc, làm giảm sự tiếp cận của luật đối với tuyến dưới. Để giảm bớt số người hút thuốc lá, tại Quyết định 229 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020” cũng đã xác định: “Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giải pháp chủ đạo”.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá cần được nỗ lực triển khai từ tuyến Trung ương đến các địa phương, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bao gồm cả báo hình, báo viết, các trang mạng xã hội.
Nội dung truyền thông phải đia vào những vấn đề chính như: Chính sách pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tác hại của thuốc lá với sức khỏe của người sử dụng và những người khác không sử dụng thuốc lá nhưng hít phải khói thuốc lá; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; các biện pháp cai nghiện thuốc lá, lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá và môi trường sống không có khói thuốc lá; vận động Nhân dân không sử dụng thuốc lá trong đám cưới, đám tang và các cuộc vui của gia đình, bản làng… Qua đó, người dân nắm bắt những kiến thức cơ bản phòng, chống tác hại thuốc lá để chủ động thực hiện./.
P.V (nguồn: tuyengiao.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top