Gắn chuyển đổi số với nền tảng công nghệ Việt

Thứ ba, 11/08/2020 13:02

Bộ TT&TT vừa tổ chức hội nghị tham vấn doanh nghiệp về Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược phát triển CPS). Trong dự thảo Chiến lược phát triển CPS, Bộ TT&TT xác định, việc phát triển CPS gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, chủ quyền số quốc gia.

20200810-m10.jpg
 
Doanh nghiệp giới thiệu bản đồ số giao thông. Ảnh: TẤN BA
 
Chuyển đổi lên môi trường số
 
Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 01 (ngày 1-1-2020) và triển khai xây dựng Chính phủ số, một trong ba trụ cột của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua, Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển CPS.
 
Dự thảo này nêu rõ: “Chính phủ số là trụ cột trong mô hình phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết CPS với kinh tế số, xã hội số, giúp Chính phủ có năng lực phục vụ và kiến tạo với mức độ cá thể hóa theo nhu cầu của người dùng và doanh nghiệp, dựa trên phân tích dữ liệu để đổi mới quản trị hành chính công”. 
 
Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, trong dự thảo Chiến lược phát triển CPS, Bộ TT&TT xác định việc xây dựng, phát triển CPS gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và chủ quyền số quốc gia theo các quan điểm: chuyển đổi toàn bộ hoạt động của cơ quan Nhà nước lên môi trường số; cơ quan Nhà nước sử dụng dữ liệu, các công nghệ số để ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, tạo nền tảng, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan Nhà nước; hình thành văn hóa số, người dân có thói quen sử dụng dịch vụ số; kết hợp hài hòa mô hình tập trung và phân tán; tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; các nền tảng dùng chung cho CPS phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung sau đó nhân rộng… 
 
Theo dự thảo, mục tiêu kép của Chiến lược phát triển CPS là gắn phát triển CPS số với phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm chủ các công nghệ lõi, làm chủ các nền tảng mở phục vụ CPS; các doanh nghiệp có thể tham gia quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công. Cùng với đó, bản dự thảo cũng đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai để phát triển CPS Việt Nam trong giai đoạn mới. 
 
Phù hợp với xu thế
 
Tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Chiến lược phát triển CPS, đại diện Viettel Solutions, VNPT-IT, VietnamPost, FPT IS, CMC cùng đại diện các hội, hiệp hội trong lĩnh vực CNTT như Hội Tin học Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) đều cho rằng việc xây dựng Chiến lược phát triển CPS là cần thiết và định hướng phát triển CPS phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới. Ý kiến của doanh nghiệp đều nhấn mạnh việc phát triển CPS phải gắn chặt với chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh. 
 
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch VFOSSA, đánh giá, dự thảo Chiến lược phát triển CPS có định hướng rõ ràng, theo xu hướng phát triển của thế giới là phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng điều hành của Chính phủ trong thời đại công nghệ 4.0. 
 
TS Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, khẳng định, việc Bộ TT&TT xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển CPS là rất quan trọng và đúng hướng.
 
Theo ông Long, một điểm nổi bật của dự thảo là đã đưa ra vai trò tham gia tích cực của doanh nghiệp, gắn kết doanh nghiệp công nghệ số với chương trình và có những đột phá như giao doanh nghiệp thực hiện những công việc mà trước đây chỉ Nhà nước làm.
 
Ông Long cũng bày tỏ mong muốn bản dự thảo này sớm được hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành để thực hiện bước đầu tiên trong quá trình thay đổi nhận thức, chuyển đổi phương thức điều hành quốc gia từ môi trường truyền thống, môi trường ứng dụng tin học sang môi trường số và hướng tới quốc gia số.
 
Một số mục tiêu quan trọng đến năm 2025 của Chiến lược phát triển CPS: 100% dịch vụ công trực tuyến có chức năng định danh, xác thực một lần và thanh toán trực tuyến; cho phép thực hiện thủ tục hành chính từ đầu đến cuối trên môi trường mạng, ngoại trừ những dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định pháp luật; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển CPS (dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm) được hoàn thành, kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; 80% cơ quan Nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở, dưới định dạng phổ biến để cung cấp dịch vụ công kịp thời, phát triển kinh tế xã hội...; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý…
 
 
Trần Lưu (SGGP Online)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top