Số lượng tấn công mã độc tống tiền được phát hiện trong nửa cuối năm 2020 đến nửa đầu năm 2021
Công ty an ninh mạng Fortinet mới đây đã công bố Báo cáo toàn cảnh các mối đe dọa an ninh mạng toàn cầu nửa đầu năm 2021 (FortiGuard Labs Global Threat Landscape Report) do FortiGuard Labs thực hiện. Báo cáo chỉ ra sự tăng trưởng đáng kể về số lượng và mức độ tinh vi của các cuộc tấn công nhắm tới các cá nhân, tổ chức và các cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Mã độc tống tiền (Ransomware) không chỉ nhắm mục tiêu vào tiền: Dữ liệu từ FortiGuard Labs chỉ ra rằng mức độ hoạt động trung bình hàng tuần của mã độc tống tiền vào tháng 6/2021 đã cao hơn gấp 10 lần so với năm 2020. Đây là sự tăng trưởng liên tục và đáng lo ngại trong thời gian một năm qua. Các cuộc tấn công đã phá hoại chuỗi cung ứng của nhiều tổ chức thuộc các lĩnh vực trọng yếu, đồng thời gây ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày, năng suất làm việc và kinh doanh thương mại nhiều hơn bao giờ hết.
Các tổ chức trong lĩnh vực viễn thông là mục tiêu bị tấn công nặng nề nhất, sau đó là các cơ quan chính phủ, các đơn vị cung ứng dịch vụ an ninh được quản lý, ngành ô tô và lĩnh vực chế tạo. Hơn nữa, một số kẻ tấn công sử dụng mã độc tống tiền đã thay đổi chiến lược sử dụng các payload trong thư điện tử của mình, thay vào đó tập trung vào việc chiếm dụng và bán quyền truy cập ban đầu vào các hệ thống mạng công ty. Điều đó cho thấy sự biến đổi không ngừng của tội phạm mạng cung cấp mã độc tống tiền như một dịch vụ (RaaS).
Ngoài ra, một trong những đúc kết quan trọng nữa của Báo cáo là mã độc tống tiền vẫn duy trì như một mối nguy hiểm rõ ràng hiện nay đối với tất cả các tổ chức ở mọi quy mô và lĩnh vực. Các tổ chức cần một phương thức tiếp cận chủ động với các giải pháp bảo vệ endpoint, phát hiện và ứng phó tự động theo thời gian thực để bảo vệ các môi trường, đồng thời triển khai hình thức truy cập zero-trust, phân đoạn mạng và mã hóa dữ liệu.
Cứ bốn tổ chức lại có một đơn vị phát hiện quảng cáo độc hại: Xếp hạng mức độ phổ biến trong phát hiện phần mềm độc hại cho thấy sự tăng trưởng của tấn công phi kỹ thuật lừa đảo gồm malvertising (quảng cáo độc hại) và scareware (phần mềm hù dọa giả mạo). Hơn một phần tư số lượng các tổ chức đã khám phá ra các đợt tấn công malvertising hay scareware với Cryxos là loại mã độc phổ biến. Dù vậy, đa số các trường hợp phát hiện có khả năng được kết hợp với các chiến dịch JavaScript tương tự khác được coi như malvertising.
Thực trạng làm việc theo phương thức kết hợp cả từ xa và tại văn phòng hiện nay đã làm gia tăng xu hướng sử dụng chiến thuật này của tội phạm mạng khi chúng cố gắng khai thác điểm yếu, không chỉ nhằm mục đích hù dọa mà còn để tống tiền. Nâng cao nhận thức về an ninh mạng là điều quan trọng hơn bao giờ hết nhằm cung cấp kiến thức và đào tạo kỹ năng kịp thời giúp mọi người tránh được việc trở thành nạn nhân của các chiến thuật lừa đảo bằng scareware và malvertising.
Xu hướng sử dụng botnet cho thấy những kẻ tấn công đã nhắm tới biên mạng: Theo dõi mức độ phổ biến của các trường hợp phát hiện botnet, Fortinet nhận thấy rõ ràng là có sự gia tăng trong hoạt động. Vào đầu năm 2021, 35% tổ chức đã phát hiện hoạt động của botnet, nhưng 6 tháng sau con số đã lên tới 51%.
Sự phát triển đáng kể trong hoạt động TrickBot liên quan đến sự gia tăng đột biến của botnet trong tháng 6. TrickBot ban đầu xuất hiện như một trojan ngân hàng, nhưng sau đó đã được phát triển thành một bộ công cụ tinh vi và nhiều giai đoạn giúp hỗ trợ cho một loạt các hành vi bất hợp pháp. Mirai là loại phổ biến nhất, nó đã vượt qua Gh0st vào đầu năm 2020 để thống trị kể từ đó cho tới năm 2021. Mirai đã không ngừng bổ sung những vũ khí mới vào kho vũ khí trên mạng của mình, nhưng có khả năng sự thống trị của Mirai cũng do tội phạm mạng tìm cách khai thác các thiết bị IoT được những người làm việc hoặc học tập tại nhà sử dụng. Gh0st cũng đáng chú ý bởi là một botnet truy cập từ xa cho phép những kẻ tấn công kiểm soát hoàn toàn hệ thống bị nhiễm mã độc, chiếm lấy các nguồn cấp dữ liệu webcam và microphone trực tiếp hoặc tải các tệp xuống.
Trong hơn một năm thế giới chuyển đổi sang học tập và làm việc từ xa, những kẻ xấu trên không gian mạng tiếp tục nhắm vào những thói quen đang thay đổi hàng ngày của chúng ta để khai thác cơ hội. Để bảo vệ hệ thống mạng và ứng dụng, các tổ chức cần triển khai hình thức truy cập zero - trust để cung cấp đặc quyền truy cập tối thiểu nhất, từ đó bảo đảm an toàn trước việc các thiết bị và endpoint IoT truy cập vào hệ thống mạng.
Sự gián đoạn của tội phạm mạng cho thấy khối lượng mối đe dọa có giảm đi: Trong an ninh mạng không phải mọi biện pháp đều có tác động tức thì hoặc lâu dài, nhưng thực tế năm 2021 cho thấy những tiến triển tích cực, đặc biệt đối với đội ngũ bảo vệ hệ thống mạng.
Nhóm lập trình ban đầu của mã độc TrickBot đã bị chỉ trích trong nhiều cáo buộc vào tháng 6. Ngoài ra, việc phối hợp gỡ xuống Emotet, một trong những chiến dịch mã độc nguy hiểm nhất trong lịch sử gần đây, cũng như các biện pháp nhằm phá hủy các hoạt động vận hành của phần mềm độc hại Egregor, NetWalker và Cl0p là những thành công đáng kể của đội ngũ bảo vệ an ninh mạng, bao gồm các cơ quan chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật trên toàn cầu với mục tiêu kiềm chế tội phạm mạng.
Ngoài ra, mức độ chú ý mà một số cuộc tấn công thu được đã khiến một vài kẻ vận hành mã độc tống tiền thông báo rằng họ đã ngừng hoạt động. Dữ liệu của FortiGuard Labs cho thấy dấu hiệu chững lại của các mối đe dọa sau khi Emotet bị gỡ xuống. Hoạt động liên quan đến các biến thể TrickBot và Ryuk vẫn duy trì sau khi botnet Emotet bị đưa vào ngoại tuyến, nhưng mức độ hoạt động đã giảm đi. Đây là một lời nhắc nhở rằng rất khó để loại bỏ các mối đe dọa trên mạng hoặc các chuỗi cung ứng nguy hại ngay lập tức, nhưng dù sao những sự kiện này cũng là những thành quả rất quan trọng.
Kỹ thuật lẩn tránh hệ thống bảo vệ và leo thang đặc quyền được tội phạm mạng ưa thích: Nghiên cứu sâu về các mối đe dọa trên mạng, đội ngũ FortiGuard Labs đã rút ra những điểm đáng ghi nhận về sự phát triển của các kỹ thuật tấn công hiện nay.
Các chuyên gia FortiGuard Labs đã phân tích chức năng cụ thể của mã độc đã bị phát hiện bằng cách thử nghiệm triển khai các mẫu nghiên cứu để quan sát kết quả dự kiến đối với những tội phạm mạng là như thế nào. Kết quả cho thấy một chuỗi vấn đề tiêu cực mà mã độc sẽ gây ra nếu các payload tấn công được triển khai trong môi trường mục tiêu. Điều này chứng minh tội phạm mạng đã tìm cách để leo thang đặc quyền, lẩn tránh các biện pháp phòng thủ, di chuyển qua các hệ thống nội bộ và xâm nhập qua các dữ liệu bị kiểm soát, cùng với nhiều kỹ thuật khác nữa. Ví dụ: 55% chức năng leo thang đặc quyền quan sát được đã sử dụng kỹ thuật mồi câu (hooking) và 40% sử dụng kỹ thuật chèn tiến trình (process injection).
Rõ ràng là có một sự tập trung vào các chiến thuật lẩn tránh hệ thống bảo vệ và leo thang đặc quyền. Mặc dù những kỹ thuật này không mới, nhưng đội ngũ phòng thủ sẽ chủ động bảo đảm an ninh tốt hơn trước các cuộc tấn công trong tương lai nếu được trang bị kiến thức kịp thời này. Các phương pháp tiếp cận nền tảng được tích hợp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), được hỗ trợ bởi trí thông minh về mối đe dọa mạng phi pháp, là điều cần thiết để bảo vệ mọi biên mạng, đồng thời xác định và khắc phục các mối đe dọa đang thay đổi mà các tổ chức phải đối mặt hiện nay theo thời gian thực.
Ông Derek Manky, Giám đốc Nghiên cứu An ninh mạng và Mối đe dọa Toàn cầu của FortiGuard Labs, cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng các cuộc tấn công mạng mạnh mẽ và nghiêm trọng ảnh hưởng tới hàng ngàn tổ chức chỉ trong một sự cố duy nhất, tạo ra chuyển biến quan trọng cho cuộc chiến trên không gian mạng. Giờ đây, hơn bao giờ hết, mọi người đều đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chống lại tội phạm mạng. Việc liên kết các lực lượng thông qua hợp tác phải được ưu tiên để phá vỡ sức mạnh của các tổ chức tội phạm mạng. Dữ liệu được chia sẻ cùng với những mối quan hệ đối tác chặt chẽ sẽ giúp ứng phó hiệu quả hơn và dự đoán tốt hơn các kỹ thuật tấn công của tương lai, làm suy yếu sức mạnh và nỗ lực của những kẻ tấn công. Việc đào tạo nâng cao nhận thức về an ninh mạng liên tục cũng như các kỹ thuật ngăn chặn, phát hiện và ứng phó áp dụng công nghệ AI được tích hợp trên hầu hết các thiết bị đầu cuối, hệ thống mạng và đám mây vẫn là yêu cầu thiết yếu trong việc đối phó với tội phạm trên không gian mạng”.
Hợp tác, đào tạo và tăng cường khả năng Phòng ngừa, Phát hiện và Phản ứng với công nghệ AI là điều vô cùng quan trọng: Trong khi chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật đã thực hiện các biện pháp chống lại tội phạm mạng trong quá khứ, nửa đầu năm 2021 có thể sẽ xoay chuyển hoàn toàn đà phát triển của cuộc chiến này trong tương lai. Họ đang làm việc với các nhà cung cấp trong ngành, các tổ chức nghiên cứu và cung cấp thông tin về mối đe dọa an ninh mạng cũng như các tổ chức hợp tác toàn cầu khác để kết hợp các nguồn lực và trí tuệ về mối đe dọa theo thời gian thực, nhằm mục đích triển khai những biện pháp trực tiếp chống lại tội phạm mạng. Tuy nhiên, khả năng phát hiện mối đe dọa tự động và công nghệ AI vẫn rất thiết yếu trong việc hỗ trợ các tổ chức giải quyết các cuộc tấn công trong thời gian thực và làm suy yếu các cuộc tấn công ở mọi tốc độ và quy mô trên tất cả biên mạng.
Ngoài ra, việc đào tạo nâng cao nhận thức cho người dùng về an ninh mạng cũng quan trọng hơn bao giờ hết với bất kỳ ai đang là mục tiêu của các cuộc tấn công. Tất cả mọi người đều cần được hướng dẫn thường xuyên về các biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất để giữ an toàn cho từng nhân viên và tổ chức.
“Tại Việt Nam trong những năm gần đây phương thức tấn công mã độc tống tiền cũng được ghi nhận ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Fortinet khuyến cáo các tổ chức, cá nhân luôn nâng cao nhận thức an toàn thông tin để nhận biết được các “bẫy” ngày càng tinh vi của tin tặc hiện nay. Đồng thời, các tổ chức cũng cần thường xuyên đánh giá lại hệ thống bảo mật của mình, cập nhật hệ điều hành và bản vá tránh việc tin tặc khai thác những lỗ hổng từ những thiết bị cũ, không được cập nhật. Cuối cùng, áp dụng một chiến lược, một chính sách bảo mật xuyên suốt trong tổ chức, từ “On-Net” đến “Off-Net” là cần thiết đặc biệt trong bối cảnh đại dịch hiện nay khi người dùng phải làm việc kết hợp hay hoàn toàn từ xa”, ông Nguyễn Gia Đức, Giám đốc quốc gia, Fortinet Việt Nam chia sẻ.
Báo cáo toàn cảnh các mối đe dọa an ninh mạng toàn cầu nửa đầu năm 2021 (FortiGuard Labs Global Threat Landscape Report) là một sản phẩm thể hiện quan điểm của Fortinet, được xây dựng từ trí tuệ tập thể của đội ngũ nghiên cứu FortiGuard Labs. Fortinet thu thập dữ liệu cho báo cáo này từ hàng tỷ sự kiện về an ninh mạng quan sát được trên khắp thế giới trong nửa đầu năm 2021. Tương tự như cách mô hình MITER ATT & CK phân loại các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình với ba nhóm đầu tiên bao gồm trinh sát (reconnaissance), phát triển tài nguyên (resource development) và truy cập ban đầu (initial access), báo cáo của FortiGuard Labs tận dụng mô hình này để mô tả cách các tác nhân nguy hại tìm kiếm lỗ hổng, xây dựng hạ tầng độc hại và khai thác mục tiêu. Trong Báo cáo, Fortinet cũng tổng hợp nhiều quan điểm và dữ liệu toàn cầu cũng như từng khu vực.