Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng, những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc. Có hơn 5.000 thành phần hóa học được tìm thấy trong khói thuốc lá và hàng trăm thành phần trong số đó gây hại đến sức khỏe con người.
Không chỉ có vậy, các chuyên gia y tế cho biết, sử dụng thuốc lá chính là nguyên nhân của hơn 25 căn bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, ung thư miệng, ung thư thanh quản, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…cho cả người hút và những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động.
Những người nghiện thuốc lá có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5-10 lần so với người không hút. Cụ thể với ung thư phổi - ung thư có tỉ lệ mắc lớn nhất tại Việt Nam, những người hút 1 bao thuốc mỗi ngày sẽ dễ bị ung thư phổi gấp 10 lần so với người không hút thuốc lá và tăng lên gấp 25 lần với những người hút 2 bao/ngày. Đặc biệt những người hút thuốc lá thường xuyên trong vòng 6 tháng có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Và người hút thuốc lá có thể chết sớm hơn 20 năm so với người không hút.
Vẫn biết thuốc lá có những tác hại như vậy nhưng số lượng ngươi hút thuốc lại đang có xu hướng ngày càng tăng đặc biệt là lứa tuổi mới lớn. Những người nghiện thuốc có rất ít người cai nghiện thành công, mặc dù đã dùng rất nhiều biện pháp, có những người đã cai được một thời gian dài nhưng vẫn quay trở lại bởi nhiều lý do khác nhau, nhưng hầu hết không thể vượt qua chính bản thân mình và trên thực tế vẫn còn rất nhiều người hút thuốc và thường xuyên tiếp xúc với thuốc…
Do đó, nếu các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá không được nhanh chóng thực hiện, thì dự báo năm 2030, số người tử vong sẽ tăng lên 8 triệu người/năm; trong đó, 70% số ca tử vong là ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, theo dự tính, số người tử vong vì hút thuốc lá vào năm 2030 có thể sẽ lên đến 70.000 người nếu như không có các giải pháp can thiệp mạnh tay từ phía cơ quan chức năng cũng như có sự thay đổi trong hành vi của mỗi người dân.