Thắp nến tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - Ảnh tư liệu.
Quảng Trị là nơi bị tàn phá nặng nề, nơi chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh. Nơi đây có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của những người con Việt đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Sau chiến tranh, việc tìm kiếm thông tin về mộ liệt sĩ đặt ra cấp thiết đối với các gia đình, thân nhân liệt sĩ trong cả nước cũng như đối với các cấp, các ngành chức năng. Vì thế, những “công cụ tìm kiếm”, những trang web thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ đã ra đời, giúp rút ngắn thời gian tìm kiếm mộ liệt sĩ cho các gia đình, thân nhân liệt sĩ, góp phần chia sẻ, xoa dịu những đau thương, mất mát bởi chiến tranh.
Tại Quảng Trị, việc dùng công nghệ để làm vơi bớt nỗi đau, nỗi khắc khoải tìm kiếm thông tin mộ liệt sĩ của các gia đình, thân nhân liệt sĩ trong cả nước đã sớm được quan tâm, dù Quảng Trị chưa phải là tỉnh mạnh về công nghệ thông tin trong nước. Tại Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị, phía bên phải có dẫn link đến Trang “Tìm kiếm thông tin liệt sĩ tại Quảng Trị” (http://tkttls.quangtri.gov.vn). Trang này hình thành từ năm 2007, do Trung tâm Tin học tỉnh Quảng Trị thiết kế và cập nhật, cung cấp danh sách 72 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (có tổng số liệt sĩ, tổng số liệt sĩ chưa biết tên của từng nghĩa trang); danh sách liệt sĩ từng nghĩa trang; cung cấp “trường” tìm kiếm và hướng dẫn tìm kiếm thông tin liệt sĩ. Trang này được nhiều người vào tìm kiếm, gửi mail liên hệ để hỏi thêm thông tin về liệt sĩ. Trang này cần cập nhật thêm thông tin về các liệt sĩ mới được quy tập, trong đó có các liệt sĩ quy tập từ Lào về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Năm 2018, Trung tâm Tin học tỉnh Quảng Trị đã thiết kế thêm trang Web Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (http://nghiatrangduong9.quangtri.gov.vn) nhưng trang này chưa quảng bá nhiều nên ít người biết đến.
Đặc biệt, được sự hỗ trợ của thành phố Hồ Chí Minh, việc dùng công nghệ hỗ trợ tìm kiếm thông tin liệt sĩ tại Quảng Trị được đẩy lên một bước tiến mới, đó là dùng công nghệ GIS để quản lý và tra cứu thông tin liệt sĩ. Ngày 18/7/2011, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý thành phố Hồ Chí Minh (HCMGIS) trực thuộc Sở này đã bàn giao dự án “Ứng dụng công nghệ GIS để quản lý và tra cứu thông tin tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn” cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị; đồng thời khai trương trang Web GIS Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (http://nghiatrangtruongson.quangtri.gov.vn). Dự án này được UBND thành phố Hồ Chí Minh tài trợ với tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng, do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, HCMGIS thực hiện. Trang Web GIS: http://nghiatrangtruongson.quangtri.gov.vncung cấp các dữ liệu gồm: Bảng danh sách 10.257 liệt sĩ; mục “Chi tiết liệt sĩ” ghi thông tin về liệt sĩ (họ tên, năm sinh, năm hy sinh, nguyên quán), vị trí mộ, đặc biệt mục này có nơi dâng hương “ảo”, có cập nhật danh sách thân nhân, đồng đội đã gửi vòng hoa và thắp hương viếng liệt sĩ, đăng bài viết, cảm tưởng về liệt sĩ; bản đồ 3D. Trang “Bản đồ 3D” giúp thân nhân liệt sĩ tìm vị trí mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn một cách nhanh chóng bằng công nghệ, thay vì phải tìm đường theo lối thủ công, mò mẫm. Sau khi nhập thông tin của liệt sĩ cần tìm, kích vào các chỉ dẫn “tìm đường từ cổng”, “bắt đầu chỉ đường từ cổng”, trang sẽ chỉ đường từ cổng vào nghĩa trang đến chính xác từng mộ liệt sĩ cần tìm trên bản đồ GIS cho thân nhân liệt sĩ thấy được một cách trực quan.
Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn ngày 27/8/2019 - Ảnh: Quốc Nam
Gần đây, việc tìm kiếm thông tin liệt sĩ qua mạng mới được quan tâm ở cấp quốc gia. Ngày 24/1/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã bàn giao Cổng thông tin điện tử liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Cổng này do Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thu thập dữ liệu. Tham gia cung cấp dữ liệu cho Cổng, năm 2017, Bưu điện tỉnh Quảng Trị đã thu thập, cung cấp thông tin, chụp ảnh 53.902 mộ liệt sĩ của 72 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Chị Lê Thị Hà Nhung, Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Trị nói về sự công phu trong thu thập dữ liệu: “Có nhiều ngôi mộ, bia không còn chữ, nhân viên Bưu điện tỉnh phải đồ chữ lại để chụp ảnh bia cho rõ nét. Rồi còn phải sửa sang, dọn dẹp khang trang để vào hình cho đẹp”. Việc bàn giao Cổng này mới chỉ là bước đầu, cần bổ sung thêm dữ liệu, tích hợp dữ liệu, tăng cường tính tương tác, chú trọng truyền thông về Cổng để khai thác Cổng có hiệu quả.
Những nỗ lực của tỉnh, với sự hỗ trợ của thành phố Hồ Chí Minh và những nỗ lực của các Bộ, ngành đã góp phần thúc đẩy sử dụng công nghệ để làm vơi bớt “nỗi đau hậu chiến”. Tuy nhiên, với một tỉnh từng là nơi “tụ nghĩa” của cả nước trong chiến tranh, nơi chiến trường ác liệt, chịu nhiều hy sinh, mất mát, nơi hàng năm, nhất là vào tháng 7, nhiều nơi trong cả nước tìm về để tri ân, thăm viếng mộ liệt sĩ, bạn bè, du khách quốc tế tìm đến theo các tour du lịch tâm linh, du lịch hòa bình, việc xây dựng, hoàn chỉnh, khai thác cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, về 72 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia bằng công nghệ mới khi chuyển đổi số được xác định là cuộc cách mạng của toàn dân cần được chú trọng đúng mức, đúng tầm. Đó chính là việc thực hiện chuyển đổi số… nghĩa trang liệt sĩ. Vậy chuyển đổi số... nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị nên bắt đầu từ đâu và làm những việc gì?
Trước hết là câu chuyện xây dựng, quản lý và khai thác dữ liệu bằng công nghệ mới. Trang Web GIS: http://nghiatrangtruongson.quangtri.gov.vn do HCMGIS thực hiện trước đây cần được nâng cấp, bổ sung thêm những tính năng mới, nội dung mới. Lúc thu thập dữ liệu để làm trang Web GIS này, nhóm thực hiện tiến hành đo đạc, chụp hình ghép lại theo lối thủ công. Bây giờ có thiết bị mới, công nghệ mới (flycam, tạo hình 3D… ), việc tạo dựng hình ảnh nổi sẽ giống như thật. Để cho trang Web GIS này thêm phong phú, thu hút người xem, cần tăng cường bổ sung một số tính năng mới như thực tế ảo, video 360 độ…, một số nội dung mới như: Giới thiệu các tour du lịch đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, tour du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, DMZ tour; video về những chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Trường Sơn” tại Lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á” năm 2004, Chương trình nghệ thuật Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình số 5, chủ đề Khát vọng hòa bình do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức tối 20/7/2017… )… Trao đổi về hướng phát triển Web GIS này, anh Phạm Quốc Phương, Giám đốc HCMGIS nói: “Phải làm sao đáp ứng được hai mục tiêu, một là tâm linh, tri ân, hai là thúc đẩy du lịch. Thành ra phải làm rất hài hòa theo hướng tâm linh nhưng rất nhẹ nhàng, thanh tao theo hướng du lịch. Cái chính là đồ họa bắt mắt. Tâm linh đơn thuần thì khó thu hút. Nhưng kết hợp với du lịch, tạo ra du lịch tâm linh thì sẽ thay đổi được nhiều lĩnh vực cho tỉnh. Cần nghĩ tới mô hình hệ sinh thái kết hợp. Nên đẩy tầm lên. Đó là “đặc sản” của Quảng Trị không đâu có được”.
Trên địa bàn Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sĩ, ngoài 2 Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9 thu hút nhiều thân nhân liệt sĩ và du khách đến thăm viếng, cần có hướng riêng, chú trọng dùng công nghệ mới phục vụ các hoạt động tri ân, du lịch tâm linh, du lịch hòa bình, tỉnh cần có kế hoạch tổng hợp, tích hợp, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu về liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, mộ liệt sĩ của 72 nghĩa trang liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ trên nền hệ thống thông tin địa lý (GIS) để quản lý thống nhất.
Trang Web Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn chỉ đường đến vị trí mộ liệt sĩ cần tìm bằng công nghệ trên bản đồ GIS.
Chuyển đổi số, sau câu chuyện về công nghệ, dữ liệu là chuyện khai thác cho hiệu quả, tức là câu chuyện về con người, về cơ chế mở đường cho sự sáng tạo, vì bản chất của chuyển đổi số là sáng tạo (creation). Chuyển đổi số… nghĩa trang liệt sĩ đòi hỏi cán bộ, nhân viên ngành lao động, thương binh và xã hội, trong đó, trực tiếp là cán bộ, nhân viên quản trang các nghĩa trang liệt sĩ phải có sự gắn kết mật thiết, tức thời với gia đình, thân nhân liệt sĩ trong cả nước bằng… công nghệ. Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, ngoài hoạt động tri ân, thăm viếng trực tiếp của các đoàn, các gia đình, thân nhân liệt sĩ ra, hàng năm, vào ngày giỗ liệt sĩ, ngày thương binh liệt sĩ, ngày lễ, tết, ngày rằm… nhiều gia đình, thân nhân liệt sĩ đã nhờ Ban quản lý Nghĩa trang, nhân viên quản trang làm lễ cúng mộ liệt sĩ giúp cho họ, với lễ vật là hoa quả, xôi gà và đặc biệt là chụp ảnh, quay hình và livestream lễ cúng này trên mạng xã hội (Zalo, Facebook… ) cho gia đình, thân nhân liệt sĩ xem. Nhu cầu tâm linh thiêng liêng vượt qua không gian địa lý, vượt qua thời gian đi lại này chỉ có công nghệ mới đáp ứng tức thời được. Nhưng cách làm livestream cần chuyển từ tự phát sang chuyên nghiệp, bài bản hơn. Thay vì chỉ livestream qua các trang, nhóm cá nhân, cần mở thêm Fan page Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn trên Facebook để livestream các lễ cúng mộ liệt sĩ này thì hiệu ứng lan truyền cảm xúc sẽ mạnh mẽ hơn, lay động hơn. Cùng với việc livestream các lễ cúng mộ liệt sĩ, Fan page này cần livestream và đưa thông tin về các hoạt động tưởng niệm, tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Các hoạt động “tri ân bằng công nghệ” này cần được tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích, quảng bá. Như thế, chuyển đổi số ở đây sẽ tạo ra hiệu quả kép: vừa vun bồi văn hóa tri ân, nâng cao lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho mọi người, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; vừa thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh, du lịch hòa bình trên miền đất thiêng Quảng Trị./.