Một cơ quan quản lý của Đức ngày 11/5 đã ban hành lệnh cấm 3 tháng đối với việc Facebook thu thập dữ liệu người dùng từ các tài khoản WhatsApp, đồng thời chuyển vụ việc lên cơ quan giám sát của Liên minh châu Âu (EU), với lý do lo ngại ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới ở Đức.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Văn phòng Ủy viên bảo vệ dữ liệu bang Hamburg - nơi Facebook đặt chi nhánh tại Đức, đã gửi lệnh cấm tới mạng xã hội sở hữu dịch vụ nhắn tin phổ biến WhatsApp.
Từ đầu năm nay, khi chạy phần mềm WhatsApp, một cửa sổ sẽ tự động bật lên.
Trang thứ nhất nói rằng WhatsApp đang cập nhật về điều khoản sử dụng và quy định bảo vệ dữ liệu, trong đó khẳng định thứ nhất: WhatsApp không thể đọc hoặc nghe các trò chuyện bởi chúng đã được mã hóa, và thứ hai: WhatsApp đang điều chỉnh để việc trò chuyện với doanh nghiệp được đơn giản hơn.
Tiếp đó, trang thứ hai nói rằng WhatsApp đang cập nhật điều khoản sử dụng và quy định bảo vệ dữ liệu, trong đó khẳng định WhatsApp không thay đổi sự riêng tư trong trò chuyện cá nhân, song bổ sung thông tin làm sao để có thể trò chuyện với doanh nghiệp như mong muốn và làm sao để doanh nghiệp có thể quản lý các phần trò chuyện của người sử dụng.
Điều đặc biệt là ở phần cuối trang 2 chỉ có nút "đồng ý" và người dùng không thể làm khác.
Nếu không đồng ý với cập nhật mới, bắt đầu từ 15/5, việc sử dụng WhatsApp có thể gặp trục trặc, như không thể nhận hay gửi tin nhắn, dù tài khoản không bị xóa hay vô hiệu.
Tóm lại, WhatsApp yêu cầu người sử dụng phải đồng ý với chính sách mới của họ để có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ sau ngày 15/5, trong đó bản cập nhật sẽ cho phép chia sẻ thêm thông tin từ WhatsApp với Facebook và các ứng dụng khác như Instagram và Messenger (chẳng hạn như danh bạ và dữ liệu hồ sơ), ngoại trừ nội dung trò chuyện đã được mã hóa.
Theo thông báo của Văn phòng Ủy viên bảo vệ dữ liệu bang Hamburg, các điều khoản của thỏa thuận trên sẽ bị vô hiệu tại Đức trong 3 tháng, đồng thời văn phòng sẽ chuyển vụ việc lên Cơ quan bảo vệ dữ liệu châu Âu, cơ quan độc lập của EU thực thi các quy tắc trong toàn khối.
Theo Ủy viên bảo vệ dữ liệu bang Hamburg Johannes Caspar, những vi phạm bảo vệ dữ liệu của Facebook trong quá khứ cũng như cuộc tổng tuyển cử ở Đức vào tháng 9 cho thấy nguy cơ việc "xây dựng hàng loạt hồ sơ người dùng" có thể bị lợi dụng.
Ông nhấn mạnh phán quyết được đưa ra nhằm bảo vệ các quyền và tự do của hàng triệu người dùng trên khắp nước Đức.
Quan chức này lo ngại không chỉ vấn đề riêng tư mà các hồ sơ có thể bị lợi dụng để "tác động đến các lựa chọn của cử tri và thao túng các quyết định dân chủ."
Hiện ở Đức có khoảng 60 triệu người dùng WhatsApp, ứng dụng trò chuyện hiện phổ biến nhất hiện nay ở nước này.
Tuy nhiên, phản ứng trước lệnh cấm trên, người phát ngôn của WhatsApp khẳng định lệnh cấm được đưa ra không có cơ sở chính đáng và dựa trên sự "hiểu nhầm cơ bản" về mục đích và tác dụng của bản cập nhật. Do vậy, lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng đến việc tiếp tục triển khai bản cập nhật.