Dựa vào Dân để xây dựng Đảng

Thứ năm, 25/11/2021 10:30

Từ thực tiễn 35 năm đổi mới đất nước, nhất là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm quý, trong đó có bài học: “Trong mọi công việc của Đảng phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

316.jpg

Ảnh minh họa

Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi chủ trương, chính sách phải thật sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu...”(1). Đây là thông điệp của Đảng ta về Nhân dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, hướng tới xây dựng một đất nước thịnh vượng, hạnh phúc vào năm 2045.

Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là các khâu để phát huy quyền làm chủ trực tiếp của người dân, nhất là ở cơ sở. Chủ trương phát huy dân chủ bằng “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã có cả một quá trình hình thành, thực hiện, luôn luôn được đổi mới, bổ sung, hoàn thiện và thể chế hóa, cụ thể hóa bằng rất nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, thông báo... của Đảng ta trong suốt hơn 35 năm qua. Cho đến nay, trải qua gần 40 năm với 8 nhiệm kỳ Đại hội Đảng thực hiện khẩu hiệu, phương châm dân chủ của Đảng đã góp phần rất quan trọng vào xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, các phong trào thi đua, các cuộc vận động mà nòng cốt, nguyên nhân có tính chất quyết định là phát huy, mở rộng quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân. Chính vì thế, đến nay, Đảng ta vẫn “kiên trì” phương châm dân chủ đã được khởi xướng và thực hiện mấy chục năm vừa qua và bổ sung 2 khâu: “Dân giám sát”, “Dân thụ hưởng”.

Vấn đề đặt ra hiện nay là sau mấy chục năm, cần làm rõ nội hàm của các khái niệm trước sự phát triển của đất nước, tiến triển của thời đại. Vậy các khái niệm và quá trình thực hiện “khẩu hiệu” và sau là “phương châm” của Đảng, đến nay có gì khác và hiện có những vấn đề gì đặt ra? từ đó có mấy nhận xét ngắn gọn: 1). Các khái niệm trong phương châm thì ổn định, nhưng nội hàm của chúng thì luôn luôn đổi mới theo thời gian do sự phát triển của thời đại, đất nước và xã hội; 2). Trong quá trình thực hiện, nội hàm “dân biết” là đa dạng, phong phú, phức tạp và khó nhận biết nhất; 3). Nội hàm khái niệm “dân kiểm tra”, “dân giám sát” là có mối liên hệ phức tạp và khó thực hiện nhất; 4). Thực hiện phương châm của Đảng ở cơ sở xã, phường, thị trấn đạt nhiều kết quả, chuyển biến tích cực và nền nếp nhất; 5). Bài học có ý nghĩa quyết định sự thành công trong việc thực hiện phương châm của Đảng là thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, nhất là của người đứng đầu.

Tất nhiên, các khâu trong phương châm dân chủ của Đảng có liên quan chặt chẽ, quan hệ hữu cơ với nhau, khâu này là tiền đề, là kết quả của khâu kia và ngược lại. Như thế có nghĩa là công tác kiểm tra, giám sát liên quan chặt chẽ đến tất cả các khâu, các nội hàm của khái niệm trong phương châm dân chủ của Đảng. Tuy nhiên trong bài viết này xin chỉ đề cập đến một nội dung: Nội hàm mới của khâu kiểm tra, giám sát và một số khó khăn, vướng mắc nổi bật trong quá trình thực hiện phương châm dân chủ của Đảng. Điều này sẽ là cơ sở, nền tảng cho công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, nhất là trong việc xây dựng dựng cơ sở đảng, phòng ngừa những sai phạm ngay từ cơ sở.

Khái niệm cũ, nội hàm mới

Khái niệm kiểm tra. Về câu chữ cụ thể thì mỗi từ điển có sự khác nhau ít nhiều, nhưng về nội dung, có sự thống nhất. Theo đó, kiểm tra là quá trình đo lường, đối chiếu hoạt động, kết quả hoạt động của tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân... với các tiêu chí chuẩn đã được đề ra, xác lập để phát hiện những ưu điểm và hạn chế nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp giúp đỡ, tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân hoạt động phát triển theo đúng nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. Có thể nói, nội hàm khái niệm “dân kiểm tra” khi khởi đầu đề ra khẩu hiệu đến nay đã thay đổi “một trời một vực” theo hướng thiết thực, hiệu quả, thuận tiện hơn. Chỉ thị 53-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V), thì người dân được “kiểm tra sản xuất, phân phối, cũng như trong tất cả các công tác quan hệ trực tiếp đến quần chúng”. Như thế là phạm vi kiểm tra rất rộng. Đại hội VIII (1996), Đảng ta đề ra nhiệm vụ “Xây dựng cơ chế cụ thể để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước”(2). Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” còn đề ra nhiệm vụ “hoàn thiện cơ chế để nhân dân (...) kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị...”(3). Thể chế hóa phương châm dân chủ của Đảng và Chỉ thị của Bộ Chính trị, các nghị định của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong các loại hình cơ sở và sau này là Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn lại nêu rõ rất nhiều việc dân có quyền kiểm tra, giám sát. Chẳng hạn, người dân ở xã có thể kiểm tra, giám sát 10 loại công việc cụ thể ở cơ sở như: Hoạt động của chính quyền; thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân; quản lý, sử dụng đất đai; thu, chi các loại phí, quỹ; thực hiện chính sách xã hội; nghiệm thu và quyết toán các công trình do nhân dân đóng góp xây dựng v.v. Như vậy, nội hàm của các khái niệm trong phương châm dân chủ của Đảng nói chung và khái niệm kiểm tra nói riêng liên tục đổi mới theo trình độ phát triển dân trí, điều kiện kinh tế-xã hội, cơ chế công khai, minh bạch, trình độ dân chủ và phát huy dân chủ, tính tích cực xã hội của người dân v.v. 

Khái niệm giám sát. Giám sát là sự theo dõi, quan sát mang tính chủ động thường xuyên của cơ quan, tổ chức hoặc Nhân dân đối với hoạt động của các đối tượng chịu sự giám sát và sự tác động bằng các biện pháp tích cực để buộc và hướng các hoạt động đó đi đúng quỹ đạo, quy chế nhằm đạt được mục đích, hiệu quả đã được xác định từ trước, bảo đảm cho Hiến pháp, pháp luật được thực thi, tuân thủ nghiêm chỉnh. Theo Từ điển tiếng Việt thì “Kiểm tra” là xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét”. Còn “Giám sát” là theo dõi và kiểm tra xem có thực hiện đúng những điều quy định hay không”. Như thế có nghĩa nội hàm giám sát rộng hơn kiểm tra, bao chứa công tác kiểm tra. Chính vì thế, Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị (khóa VIII) nói riêng và nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, thông báo... của Đảng đều đề ra cả nhiệm vụ kiểm tra, cả nhiệm vụ giám sát. Trong Chỉ thị 30 của Đảng, Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các nghị định của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở không nói rõ lúc nào, việc gì thì kiểm tra, việc gì thì giám sát. Trên thực tế khi xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cũng rất khó phân biệt lúc nào người dân kiểm tra, lúc nào người dân thực hiện nhiệm vụ giám sát. Như thế có nghĩa là rất khó phân biệt rõ ràng, rành mạch giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động giám sát. Hai khâu công việc này có sự chồng lấn nhau. Như vậy, khi thực hiện “dân kiểm tra” không chỉ xem xét việc thể chế vấn đề dân trực tiếp giám sát, kiểm tra hoạt động của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, cán bộ, công chức, viên chức... mà phải xem xét một cách đồng bộ cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra hệ thống chính trị, xã hội. Trong thực tế quá trình thực hiện khâu “kiểm tra” thì cũng bao gồm cả việc giám sát, nhất là khi dân thực quyền dân chủ của mình trong việc biết, bàn, làm, kiểm tra, giám sát, thụ hưởng quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới... Cũng như kiểm tra, nội hàm của khái niệm giám sát cũng ngày càng đổi mới, phát triển theo thời gian và quá trình phát triển xã hội không khác gì nội hàm khái niệm kiểm tra, thậm chí nhiều khi nội hàm hai khái niệm này còn “đi trước”, vượt ra ngoài những quy định của Đảng, Nhà nước ta. Chính vì vậy, từ Đại hội XI, của Đảng ta đã bổ sung chức năng giám sát cho UBKT các cấp ủy đảng. Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung khâu “dân giám sát” vào phương châm dân chủ là một chủ trương vô cùng đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cũng như có cơ sở pháp lý để tổ chức, người dân thực hiện phương châm dân chủ của Đảng.

Tiếp tục thể chế hóa khâu “Dân kiểm tra”, “Dân giám sát” để thực hiện tốt hơn phương châm dân chủ của Đảng

Trong quá trình thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nổi lên một số vướng mắc cả trong nhận thức cũng như trong hành động. Cho đến nay, người dân mới chỉ kiểm tra, giám sát thành công, hiệu quả chủ yếu trên địa bàn cơ sở, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng và phần nào đó là công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ cơ sở. Một trong những vấn đề chưa được nhận thức một cách thống nhất, đồng thời cũng chưa được thể chế hóa và lúng túng khi vận dụng phương châm của Đảng là khái niệm “Dân kiểm tra”, “Dân giám sát” cũng như nội hàm của hai khái niệm này chưa được đầy đủ, rõ ràng. Trong thực tế, chức năng kiểm tra ở cơ sở thuộc về các cấp ủy, tổ chức đảng nên người dân không thể “lấn sân” công việc của tổ chức đảng. Người dân cũng khó và không được phép có thể trực tiếp kiểm tra, giám sát việc làm của tổ chức, cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội vì đây là việc nội bộ của tổ chức và khi khâu này chưa được thể chế hóa cũng như không được cấp có thẩm quyền cho phép. Hơn nữa, muốn kiểm tra cần có chuyên môn, nghiệp vụ chứ không phải bất người dân nào cũng có thể kiểm tra, giám sát đồng thời người dân không tránh khỏi tâm lý e ngại, tự ti. Hơn nữa, hiện nay, các cấp ủy đảng vừa có chức năng kiểm tra, vừa có chức năng giám sát cho nên người dân rất khó thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức trong hệ thống chính trị. Về phía chính quyền thì đã có hệ thống cơ quan thanh tra của Chính phủ, thanh tra các cơ quan, đơn vị và thanh tra nhân dân. Hiện nay người dân giám sát thì chủ yếu dựa dân chủ gián tiếp tức là các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân). Vào năm 2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội và Quy định việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đồng thời hiện nay cũng có một số quy định việc Nhân dân giám sát, góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, cũng như công tác nhân sự của các cấp ủy đảng được coi là “điểm nghẽn” trong quan hệ Đảng-Dân. Chính vì chưa được thể chế hóa các khâu kiểm tra, giám sát trong phương châm của Đảng cho nên kết quả việc thực hiện các khâu này chưa cao, thậm chí còn hình thức. Khâu tháo gỡ then chốt vẫn là làm rõ nội hàm kiểm tra, giám sát và thể chế bằng pháp luật.

Một số đề xuất, kiến nghị

Trước hết, quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa nói chung và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là cả thời gian lâu dài, trong đó cần mở rộng dân chủ trực tiếp, tăng cường hiệu quả dân chủ đại diện. Trong suốt quá trình này cần đặc biệt coi trọng quan, nâng cao nhận thức quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân, dân chủ, dân vận. Trước mắt, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, trong đó có các quan điểm thực sự coi “dân là gốc”, “dân là trung tâm”, “là chủ thể của công cuộc đổi mới”.

Thứ hai, để mở rộng, tăng cường dân chủ, đặt lên hàng đầu phương châm dân chủ của Đảng “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, trong đó thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở làm khâu đột phá trong quá trình đổi mới đất nước, lấy khâu “Dân kiểm tra”, “Dân giám sát” làm khâu then chốt để tháo gỡ khó khăn, hạn chế tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngay từ cơ sở.

Thứ ba, trong chương trình hành động và chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội cần đưa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thành Luật Quy chế dân chủ ở cơ sở hoặc nâng cấp các nghị định dân chủ của chính phủ thành các pháp lệnh, trong đó làm sâu sắc hơn nội hàm các khái niệm trong phương châm dân chủ, nhất là khái niệm “Dân kiểm tra”, “Dân giám sát”.

Thư tư, với tư cách là một ngành “gác cổng” cho các cấp ủy đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng như ủy ban kiểm tra các cấp ủy đảng, tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, Ban thường vụ các cấp ủy biên soạn, thẩm định các văn bản của Đảng, của các cấp ủy, chính quyền liên quan đến thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, đặc biệt là các nội dung trong khâu kiểm tra, giám sát.

Thứ năm, giúp dân chính là “tự giúp mình”. Việc thực hiện tốt các khâu kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị vững mạnh ngay từ cơ sở. Điều này làm cơ sở vững chắc, điểm tựa lòng dân trong quá trình thực hiện Điều 30 của Điều lệ Đảng trong kiểm tra, giám sát các tổ chức, cấp ủy đảng chấp hành “Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng”. Như thế tức là cụ thể hóa nguyên tắc “dựa vào dân để xây dựng Đảng”./.     

-----------------------

Ghi chú:

(1). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2021, tr 27-28.

(2). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1996, tr 127.

(3). Ban Dân vận Trung ương Đảng, Một số văn kiện của Đảng về công tác dân vận thời kỳ đổi mới (1986-2011), Nxb Lao động, H, 2011, tr 158.

 

 

Vũ Lân (Theo: ubkttw.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top