Triển khai từ giữa tháng 7/2021, chỉ trong hơn 3 tháng, Bưu điện Việt Nam đã đào tạo, hướng dẫn và đưa gần 1,7 triệu hộ nông dân lên sàn TMĐT Postmart.vn, góp một phần nhỏ trong việc hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản qua kênh phân phối mới trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ngay sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông và Truyền thông ra Quyết định số 1304 về việc hỗ trợ đưa người nông dân lên sàn TMĐT, Bưu điện Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong việc hỗ trợ người dân trên cả nước đang vào vụ thu hoạch các loại nông sản để tiêu thụ, đặc biệt là thông qua sàn TMĐT Postmart.vn. Qua đó giúp người nông dân từng bước phục hồi kinh tế, góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản trên cả nước.
Đã có rất nhiều khó khăn trong những ngày đầu triển khai do cùng thời điểm đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp và lan rộng, đặc biệt là tại 19 tỉnh phía Nam khiến cho việc tiếp cận, đào tạo và hướng dẫn hộ nông dân lên sàn không thể tổ chức rộng rãi, tuy nhiên, sự quyết liệt từ phía Bưu điện khi quyết tâm hỗ trợ người nông dân lên sàn trước khi mùa thu hoạch nông sản bắt đầu đã được thể hiện khi Bưu điện Việt Nam thường xuyên mở các lớp đào tạo thông qua hình thức trực tuyến, cũng như bố trí lực lượng chuyên viên đến những địa phương ít bị ảnh hưởng để đẩy mạnh việc đào tạo, hướng dẫn cho người dân.
Tính đến thời điểm này, chỉ sau hơn 3 tháng triển khai, đã có gần 1,7 triệu hộ là các hộ sản xuất nông nghiệp đã được Bưu điện Việt Nam hỗ trợ mở gian hàng số trên sàn TMĐT Postmart.vn. Qua đó hỗ trợ tiêu thụ gần 7.000 tấn nông sản, đặc biệt là trái cây, rau củ tươi. Điển hình như vải thiều Bắc Giang tiêu thụ hơn 4.500 tấn, na Lạng Sơn gần 100 tấn hay nhãn Đồng Tháp, Hưng Yên tiêu thụ được gần 300 tấn..
Việc hỗ trợ người nông dân lên sàn, tiêu thụ nông sản qua sàn TMĐT Postmart.vn, đặc biệt trong mùa dịch, là một phương thức tiêu thụ mới, không chỉ giúp người nông dân chủ động giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp mà còn mở ra một hướng đi mới, hiệu quả và bền vững hơn trong tương lai.
Bên cạnh đó, giờ đây, chính người nông dân thông qua sàn TMĐT Postmart.vn cũng có thể đưa quy trình sản xuất, chăm sóc nông sản của mình đến với người tiêu dùng, trực tiếp giúp cho người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng, an toàn của sản phẩm mà họ đặt mua. Nhiều khách hàng giờ đây đã dần chuyển đổi kênh mua sắm nông sản qua sàn TMĐT thay vì mua trực tiếp như trước, bởi các sản phẩm trên sàn Postmart đều được chọn lựa kỹ lưỡng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn vệ sinh và chất lượng cao.
Theo ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển và Thương hiệu của Vietnam Post, trung bình mỗi ngày, lượng truy cập vào những sản phẩm nông sản trên sàn đạt hơn 1.200 lượt, tăng mạnh so với trước đây.
“Dù mới tiếp cận với phương thức bán hàng trên sàn TMĐT, song nhiều hộ gia đình đã tận dụng được thế mạnh của nền tảng số để giới thiệu các sản phẩm nông sản của mình đến với người tiêu dùng cả nước thay vì phụ thuộc vào thương lái như trước kia đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu riêng cho cá nhân. Có những hộ gia đình sau một thời gian ngắn tham gia giao thương trên sàn đã tiêu thụ được 1/3 sản lượng hàng hóa của gia đình, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh khiến cho chuỗi cung ứng đứng trước nguy cơ đứt gẫy”, ông Lê cho biết thêm.
Bưu điện Việt Nam có thế mạnh là doanh nghiệp bưu chính quốc gia số 1 Việt Nam, với lợi thế sẵn có về hệ sinh thái số được ví như “kiềng 3 chân” gồm Hệ thống định danh điện tử PostID, Mã địa chỉ số trên nền bản đồ số VMAP và Nền tảng thanh toán điện tử Postpay, là tiền đề vững chắc để phát triển thương mại điện tử đưa nông sản Việt lên Postmart, hướng tới đông đảo người tiêu dùng trên không gian mạng.
Bên cạnh hạ tầng logistics số 1 Việt Nam, ngang tầm Khu vực, hệ thống kho ngoại quan, kho lạnh chuyên dụng, hub vùng, các sàn khai thác tỉnh rộng hàng trăm ngàn héc ta với công nghệ chia chọn hiện đại ứng dụng công nghệ tự động hoá cao đảm bảo độ an toàn, chính xác trên nền địa chỉ số sẽ góp phần tạo nên chuỗi cung ứng bền chắc, đảm bảo cho người dân yên tâm giao thương, từng bước hội nhập và phát triển nền kinh tế số.