Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Mắt xích trọng yếu của Đảng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Thực tiễn cách mạng đã minh chứng, trong bất cứ thời kỳ nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ cũng đóng vai trò quyết định. Cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta, nhân tố quyết định sự thành công của cách mạng nước ta.
Trong tiến trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng cán bộ và công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử. Qua các kỳ đại hội và hội nghị Trung ương, vấn đề cán bộ và công tác cán bộ luôn được Đảng ta đề cập. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định, quy định, kết luận, báo cáo... liên quan đến vấn đề cán bộ nói chung và vấn đề cán bộ của một số ngành, cơ quan, lĩnh vực cụ thể nói riêng. Có thể khẳng định: Chính nhờ sự đóng góp của đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực mà chúng ta đã đạt được thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới trong 35 năm qua... Đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo và quản lý đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức tự chủ, tự lực tự cường, năng động và sáng tạo; có kiến thức, trình độ và năng lực hoạt động thực tiễn, trưởng thành trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, thích nghi dần với cơ chế mới...
Trong những năm gần đây, trước những biến chuyển nhanh chóng của thời cuộc, vấn đề cán bộ và công tác cán bộ được Đảng ta tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XII: Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, được Đảng ta tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ và đạt một số kết quả quan trọng; về tổng thể, đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ các cấp, gắn với tiêu chuẩn chức danh và quy hoạch cán bộ được quan tâm, chú trọng và đầu tư tương xứng. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được chú trọng và đổi mới, gắn với nhu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật” về xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ thời gian qua còn những hạn chế, báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn không ít trường hợp chưa phản ánh đúng thực chất. Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, cá biệt có nơi bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín. Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều; nhiều cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp. Nhiều nơi còn tình trạng nể nang, chưa chỉ rõ những cán bộ có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực.
Hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Thực hiện mục tiêu trên, Đảng ta đề ra những chủ trương, giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ nhưng mắt xích quan trọng là phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Liên quan đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cố gắng xem xét một cách tổng thể, sắp xếp hợp lý nhất trong điều kiện có thể; căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ; cần chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; kết hợp yêu cầu trước mắt với bước chuẩn bị cho các khóa tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa và phát triển”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ: “Công tác nhân sự cần được tiến hành theo đúng các quy định của Đảng, quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, đúng với nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; đồng thời phù hợp với các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước”.
Trước đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, hơn lúc nào hết, Đảng ta cần: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, sự gương mẫu, tinh thần vì nhân dân phục vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu các cấp. Coi trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả, sản phẩm thực tế theo chức trách, nhiệm vụ được giao và đề cao trách nhiệm người đứng đầu... Có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chống chạy chức, chạy quyền. Không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhưng cũng không để sót những cán bộ thực sự có đức, có tài...
Để những giải pháp trên phát huy hiệu quả, sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, Đảng ta cần làm thật tốt công tác kiểm tra, giám sát cán bộ ở bất kể vị trí nào. Nếu mỗi cấp ủy các cấp mà buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát thì cán bộ có chức, có quyền dễ rơi vào phóng túng, tự tung tự tác, lạm dụng quyền lực, làm những điều có hại cho Đảng. Thực tiễn thời gian qua, số vụ việc tham nhũng do nội bộ các cơ quan công quyền tự phát hiện thông qua tự kiểm tra, tự phê bình và phê bình hầu như không có. Hầu hết các vụ tham nhũng là do người dân và báo chí phản ánh, tố giác. Do vậy, chúng ta cần sớm khắc phục tình trạng này, nếu để kéo dài và phát triển thì sẽ dẫn tới nguy cơ không lường hết được.
Mặt khác, phải thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nếu không rèn giũa, không chú ý bảo vệ chính trị nội bộ thì sẽ là cơ hội để những phần tử phản động, cơ hội chính trị leo cao, luồn sâu vào tổ chức Đảng. Điều quan trọng là mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu cần nêu cao tính trung thực; thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, có trách nhiệm nêu gương trước Đảng, trước dân. Như đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải mới đây đã khẳng định: Cán bộ phải quán triệt tốt nguyên tắc “3 không”: Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm và tinh thần “nghĩ phải chín, phải kỹ; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải cao; nỗ lực phải lớn; hành động phải quyết liệt, hiệu quả; làm có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào thì dứt điểm việc đó”.