Chớm vào hè cũng là thời điểm chín rộ của một số loại trái cây trái cây như mít Thái, dưa hấu, thanh long, vải thiều... Những ngày qua việc tiêu thụ các loại mặt hàng đang vào vụ thu hoạch của các hộ nông dân nhỏ lẻ đang gặp không ít khó khăn. Đơn cử như giá mít Thái tại Đồng bằng Sông Cửu Long hay dưa hấu tại Quảng Bình liên tục giảm, việc thu mua đang có xu hướng cầm chừng, thương lái không mặn mà thu mua.
Bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống của người nông dân bấy lâu này như phụ thuộc vào các thương lái hay bán hàng tại chợ truyền thống, giờ đây người trồng mít Thái tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ có thêm một hình thức bán hàng mới, nhanh chóng hơn, hiện đại hơn - bán hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.
Theo ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển Thương hiệu - Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, để người nông dân chủ động đưa các sản phẩm của hộ gia đình ra ngoài thị trường Bưu điện Việt Nam mở chiến dịch đưa các sản phẩm đặc sản mùa vụ của nông dân lên sàn thương mại điện tử Post mart.
Do đặc thù của hàng nông sản mùa vụ thường là hàng tươi sống, thời gian thu hoạch và sử dụng không dài nên nếu người dân tạo thói quen ứng dụng công nghệ vào để bán và vận chuyển sẽ giúp cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, đảm bảo độ tươi, ngon, sạch. Qua sàn thương mại điện tử, sản phẩm tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, tối ưu được chi phí của người tiêu dùng cuối cùng. Đồng thời, tạo được niềm tin cho người sử dụng. Sản phẩm muốn đến được với người tiêu dùng thì hàng hóa phải có chất lượng, thương hiệu, giá thành bán ra đáp ứng được đối tượng khách hàng của sàn.
Giờ đây người nông dân dù ở đồng bằng hay miền núi, vùng sâu vùng xa chỉ cần có smartphone hay các phương tiện phù hợp kết nối với Internet thì bất cứ lúc nào cũng có thể đưa các sản phẩm của mình ra ngoài thị trường.
“Với sàn thương mại điện tử Postmart, thị trường, khách hàng của người nông dân giờ đây không chỉ còn quanh quẩn tại các phiên chợ trong thôn xã mà bất cứ khi nào có hàng nông dân đều có thể chủ động đưa các sản phẩm ra thị trường trên cả nước”, Ông Lê chia sẻ.
Bên cạnh các mặt hàng như vải thiều Hải Dương, dưa hấu Quảng Bình, hiện Bưu điện Việt Nam đang khẩn trương phối hợp với các ngành chức năng để đưa mít Thái lên sàn Thương mại điện tử Postmart để người nông dân có thêm một kênh tiêu thụ sản phẩm nhanh chóng và tiếp cận cùng một lúc với nhiều khách hàng hơn.
Đại diện Lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, Tổng công ty đã yêu cầu các Bưu điện tỉnh, thành phố tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long khẩn trương làm việc với các Sở ban ngành địa để rà soát, lập danh sách các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương có sản phẩm đạt chất lượng để lập gian hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart. Đại diện Bưu điện tại các tỉnh, huyện sẽ là đầu mối để hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm lên sàn.
Điều quan trọng nhất để đưa các mặt hàng nông sản nói chung và trái cây nói riêng là thay đổi nếp nghĩ của người nông dân, các chủ vườn. Bởi thói quen lâu nay bán hàng cho thương lái hay bán trực tiếp cho người mua và tạo niềm tin về một phương thức tiêu thụ mới không thể một sớm một chiều có thể thay đổi ngay được. Với không ít bà con, khái niệm sàn thương mại điện tử vẫn còn rất mới mẻ và lạ lẫm. Bên cạnh việc giải thích, giới thiệu về những lợi ích của việc đưa sản phẩm hộ gia đình lên sàn thương mại điện tử, nhân viên Bưu điện còn trực tiếp hướng dẫn từng hộ gia đình về cách thức triển khai, quy trình cụ thể từng bước đưa sản phẩm lên sàn.
Với sự vào cuộc nhanh chóng, đầu tư bài bản và cụ thể, Bưu điện Việt Nam sẽ nỗ lực để xây dựng một hệ sinh thái số hỗ trợ nông dân tiếp cận phương thức kinh doanh hiện đại, đảm bảo chủ động ứng phó nhanh chóng trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong và ngoài nước cũng như việc giao thương, xuất khẩu bị ảnh hưởng.