Dữ liệu số sẽ là nền tảng để phát triển, hướng tới Chính phủ số

Thứ hai, 13/04/2020 13:40

Theo Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), Nghị định 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước đã xác định rõ vị trí và tầm quan trọng của dữ liệu số trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Nghị định này cũng là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên đặt trọng tâm vào vấn đề dữ liệu trong Chính phủ điện tử.

trung-tam-hanh-chinh-1-1.jpg

Đại diện Cục Tin học hóa cho biết, Nghị định 47 đã xác định dữ liệu là yếu tố trọng tâm để phát triển Chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp (Ảnh minh họa: Internet)

Dữ liệu sẽ là yếu tố cốt lõi trong xây dựng Chính phủ điện tử
 
Nghị định 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước (Nghị định 47) mới được Chính phủ ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 25/5 tới. Theo Cục Tin học hóa, đây là một mốc quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
 
Nghị định 47 đã xác định rõ vị trí và tầm quan trọng của dữ liệu số trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Nghị định này cũng là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên đặt trọng tâm vào vấn đề dữ liệu trong Chính phủ điện tử.
 
Tại Nghị định, các nội dung về quản lý dữ liệu trong cơ quan nhà nước để xây dựng hạ tầng dữ liệu trong Chính phủ điện tử bền vững và nhất quán đã được quy định, làm rõ.
 
Cụ thể, Nghị định quy định quy trình, yêu cầu để xác lập danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL của bộ, ngành địa phương đã được quy định tại Luật CNTT. Các CSDL này sẽ tạo thành hệ thống các CSDL lõi trong cơ quan nhà nước có mối quan hệ, thống nhất với nhau.
 
Trước đây, các cơ quan nhà nước chỉ tập trung xây dựng dữ liệu phục vụ nhu cầu nội bộ. Điều này làm hạn chế chia sẻ dữ liệu và là nguyên nhân dẫn tới sự cát cứ, trùng lặp. Giải quyết tình trạng này, Nghị định mới quy định, dữ liệu phải được xây dựng tạo thuận lợi chia sẻ cho bên ngoài, được xác định ngay từ khi xây dựng.
 
Nghị định 47 cũng xác định rõ vai trò của dữ liệu đối với phát triển Chính phủ số. “Nghị định đã đặt vấn đề Chính phủ cũng như các bộ, ngành địa phương phải có chiến lược về dữ liệu để định hình phương hướng và tầm nhìn khi triển khai xây dựng dữ liệu với sự dẫn dắt của Chiến lược dữ liệu quốc gia. Đây là nhiệm vụ phải thực hiện trong thời gian tới”, đại diện Cục Tin học hóa cho hay.
 
Cùng với đó, Nghị định mới cũng nhấn mạnh dữ liệu là yếu tố trọng tâm để phát triển Chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngay trong Nguyên tắc của Nghị định đã khẳng định: Dữ liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan nhà nước được chia sẻ phục vụ các hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp.
 
Đồng thời, Nghị định đưa ra quy định để thực thi nguyên tắc thu thập dữ liệu một lần “Once-Only”. Nghĩa là, khi dữ liệu đã được cơ quan nhà nước thu thập và quản lý, chia sẻ thì cơ quan nhà nước sẽ không được yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp lại. Nội dung này được đề cập trong cả Nguyên tắc chung của Nghị định cũng như Nguyên tắc quản lý dữ liệu.
 
Đáng chú ý, Nghị định quy định, công dân, doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước đang quản lý dữ liệu cá nhân của mình chia sẻ cho cơ quan nhà nước khác. Quy định này giúp hạn chế việc phải cung cấp lại dữ liệu, tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
 
Đơn giản hóa quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu số
 
Một điểm mới nữa trong Nghị định 47, theo phân tích của đại diện Cục Tin học hóa, là các quy định được dựa trên các cách thức tiếp cận về dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, sử dụng công nghệ mới trong bối cảnh hiện nay.
 
Cụ thể, Nghị định quy định sử dụng dịch vụ chia sẻ dữ liệu làm nền tảng cơ bản cho hoạt động kết nối, chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước. Theo đó, thay vì triển khai kết nối theo hướng “bắt tay trực tiếp”, “xin-cho”, Nghị định đưa vào các quy định theo hướng chia sẻ dữ liệu là "phục vụ cho các cơ quan khác qua dịch vụ chia sẻ dữ liệu”, theo đăng ký, yêu cầu.
 
Dịch vụ chia sẻ dữ liệu được triển khai qua giao diện API của hệ thống thông tin - cách thức thông dụng, phổ biến hiện nay. “Việc xác định chia sẻ dữ liệu qua dịch vụ cũng là tiền đề để triển khai các giải pháp mới, hướng tới xây dựng đám mây dữ liệu của Chính phủ số trong tương lai”, đại diện Cục Tin học hóa nêu.
 
Việc chia sẻ dữ liệu cũng được quy định qua 2 hình thức chia sẻ dữ liệu mặc định và chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù, đáp ứng tất cả các trường hợp chia sẻ dữ liệu thực tế. Chia sẻ dữ liệu mặc định được ưu tiên triển khai và xác định: coi dữ liệu như “hàng hóa” được chuẩn hóa nhằm cung cấp rộng rãi cho các cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông dữ liệu trong Chính phủ điện tử.
 
Đặc biệt, lần đầu tiên Nghị định đã đưa ra chính sách để thực hiện các công việc quản trị dữ liệu. Theo Cục Tin học hóa, đây là nội dung rất cần thiết khi dữ liệu ngày càng đóng vai trò và trọng tâm trong ứng dụng CNTT để bảo đảm dữ liệu ngày càng bền vững, tin cậy và được làm giầu.
 
Cụ thể, để thực hiện quản trị dữ liệu, các cơ quan nhà nước sẽ phải thực hiện các nội dung công việc như kiểm kê, đánh giá chất lượng dữ liệu hàng năm, tích hợp dữ liệu phục vụ ra quyết định, xây dựng chiến lược dữ liệu để có tầm nhìn dài hạn về phát triển dữ liệu.
 
Cùng với đó, để giải quyết vướng mắc và thúc đẩy quá trình chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, Nghị định 47 còn quy định rõ quá trình cung cấp, chia sẻ và sử dụng dữ liệu trong cơ quan nhà nước.
 
Trong đó nhấn mạnh, quá trình kết nối và chia sẻ dữ liệu là quá trình chuẩn bị sẵn sàng, đăng ký và cấp quyền khai thác các dịch vụ dữ liệu (chia sẻ dữ liệu mặc định) và được chuẩn hóa phù hợp với đa mục đích khai thác khác nhau. Chỉ khi dịch vụ dữ liệu chưa có sẵn thì các cơ quan mới cần trao đổi và chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù. Điều này giúp các dịch vụ dữ liệu ngày càng tin gọn và hiệu quả, thuận lợi cho việc quản lý, vận hành, duy trì và tiết kiệm kinh phí.
 
Việc đăng ký và đáp ứng chia sẻ dữ liệu cũng như quản lý, đáp ứng các yêu cầu chia sẻ dữ liệu được thực hiện trực tuyến dựa trên các hệ thống quản lý dịch vụ chia sẻ dữ liệu. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cũng như tăng cường tính minh bạch, có kiểm soát của quá trình chia sẻ dữ liệu. Xử lý vướng mắc cũng có quy định rõ ràng cho các cơ quan khi gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.
 
Thiết lập nền tảng cho Chính phủ mở
 
Chính phủ mở là một nấc phát triển của Chính phủ điện tử, khi Chính phủ cung cấp dữ liệu cho cộng đồng để thực hiện chủ trương “Nhà nước kiến tạo phát triển”. Lần đầu tiên, một văn bản pháp lý đưa nội dung “Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước” đánh dấu một mốc quan trọng để thực thi chủ trương này. Đồng thời, cũng thể hiện sự tích cực của Việt Nam khi sẵn sàng cung cấp dữ liệu mở cho cộng đồng, người dân, doanh nghiệp.
 
“Quy định pháp lý về dữ liệu mở cũng là một nội dung khá mới không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều nước trên thế giới khi công bố dữ liệu mở của các nước chủ yếu được triển khai dưới dạng sáng kiến”, đại diện Cục Tin học hóa cho biết.
 
Tại Nghị định 47, nội dung quy định về dữ liệu mở được xây dựng trên cơ sở tương thích với các quy định thông dụng phổ biến trên thế giới như: dữ liệu mở phải toàn vẹn, phản ánh đầy đủ thông tin cần cung cấp, cập nhật, máy có thể đọc được, ở định dạng mở, miễn phí, tự do sử dụng...
 
Nghị định mới cũng quy định các cơ quan nhà nước phải xây dựng một kế hoạch và triển khai cung cấp dữ liệu mở theo kế hoạch đã xây dựng. Kế hoạch phải đảm bảo có yêu cầu tối thiểu và phù hợp với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Cơ chế triển khai dữ liệu mở cũng tạo cơ hội cho người dân, doanh nghiệp trong xã hội, cộng đồng tham gia ý kiến phản hồi, đóng góp mở rộng dữ liệu mở.

 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top