Du lịch Phú Quốc khẳng định thương hiệu - Bài cuối: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái

Thứ ba, 16/06/2020 16:46

Sở hữu nguồn tài nguyên quý giá từ chính hệ sinh thái biển-đảo, núi-rừng nguyên sinh, thời gian qua Phú Quốc đã phát triển mạnh nhiều loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch khám phá...

 Để phát triển du lịch bền vững, gắn phát triển với bảo tồn, phục hồi nguồn tài nguyên, qua đó vừa tạo sự bứt phá cho kinh tế du lịch, đảm bảo sinh kế người dân vừa giữ được vẻ đẹp tự nhiên, cảnh quan môi trường đảo ngọc là việc làm hết sức cần thiết. Làm được như vậy, Phú Quốc chắc chắn sẽ luôn là điểm đến có sức thu hút đặc biệt đối với khách du lịch cả trong nước và quốc tế. 

Bảo tồn hệ sinh thái biển đảo, núi rừng nguyên sinh

 

Theo thông tin từ Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc, Vườn Quốc gia Phú Quốc, huyện đảo này có hệ sinh thái biển đảo vô cùng phong phú với đường bờ biển bao quanh đảo, có nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ như bãi Giếng, bãi Khem, bãi Sao, bãi Vòng, bãi Thơm, bãi Dinh Cậu... Đây là những bãi tắm lý tưởng có bờ cát vàng trải dài với nước biển trong xanh, êm đềm, cùng nhiều loài tảo biển mang màu sắc hấp dẫn.
 
20200616-l28.jpg
 
Cáp treo vượt biển dài nhất thế giới An Thới - Hòn Thơm (Phú Quốc) phục vụ khách du lịch. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN
 
Bên cạnh đó, vùng biển Phú Quốc ấm, là môi trường thuận lợi cho các loài hải sản sinh sôi, phát triển nên sản vật biển của Phú Quốc rất phong phú; trong vùng biển quanh đảo Phú Quốc có nhiều rạn san hô. Đặc biệt đây cũng là một trong hai vùng biển ở Việt Nam hiện còn tồn tại loài bò biển (Dugon) thu hút được sự quan tâm đặc biệt của khách du lịch và các nhà khoa học.
 
Không chỉ có hệ sinh thái biển đảo, hệ sinh thái núi rừng nguyên sinh ở Phú Quốc gồm nhiều dãy núi; hệ thực vật, động vật phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong sách Đỏ. Rừng Phú Quốc có nhiều loại gỗ quý như sao đen, dầu rái, kim giao, cẩm lai, nhiều loài dược liệu; trong đó rừng nguyên sinh Phú Quốc còn có cây dó bầu bên trong có lõi trầm hương rất quý. 
 
Ngoài hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nông nghiệp ở Phú Quốc với loại cây trồng chủ yếu là hồ tiêu, dừa, điều cũng là một dạng tài nguyên du lịch tự nhiên đặc biệt, được nhiều doanh nghiệp lữ hành đưa vào khai thác trong các hành trình tour.  
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng, huyện xác định rừng có ý nghĩa sống còn đối với chiến lược phát triển dịch vụ du lịch cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện đảo đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng, chống chặt phá rừng. Huyện cũng đã có kế hoạch trồng rừng thay thế để đảm bảo độ che phủ rừng ở địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua dù các cấp, ngành, các xã, thị trấn của huyện đã rất nỗ lực song tình trạng bao chiếm, lấn chiếm đất rừng thực tế vẫn xảy ra. Hiện nay, các cấp chính quyền ở Phú Quốc cùng các lực lượng chức năng đang kiên quyết xử lý những trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép, bao chiếm đất rừng để bảo vệ rừng, tài nguyên rừng. Phú Quốc cũng sẽ kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh Kiên Giang, các bộ, ngành Trung ương để có kế hoạch, mở loại hình du lịch dưới tán rừng, tạo điều kiện để du khách khám phá, trải nghiệm được nhiều hơn, qua đó nâng cao ý thức chung tay bảo vệ tài nguyên sinh thái, bảo vệ môi trường đến cộng đồng.  
 
Đối với việc bảo tồn hệ sinh thái biển-đảo, bên cạnh nhiều hoạt động quy hoạch, nghiên cứu bảo tồn được duy trì trong thời gian qua, mới đây vào giữa tháng 5/2020, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt dự án điều tra, khảo sát hiện trạng đa dạng sinh học, điều chỉnh phạm vi diện tích các phân khu trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc. Đây là yêu cầu cấp bách từ thực tiễn ở Phú Quốc, đảm bảo duy trì các quá trình sinh lý và sinh thái của các hệ sinh thái, bảo tồn các quần xã sinh vật đặc trưng liên quan đến các hệ sinh thái đặc thù cũng như các khía cạnh về sinh học, sinh thái và kinh tế - xã hội. Theo đó, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư duy trì sinh kế hiện tại và có cơ hội phát triển kinh tế liên quan đến nuôi trồng hải sản, hình thành các vùng có khả năng tái tạo phục hồi sinh thái cũng như phát triển du lịch. Tỉnh cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia bảo tồn, phục hồi và sử dụng hợp lý tài nguyên để phát triển du lịch, các hoạt động nghiên cứu khoa học và giám sát môi trường biển.
 
Chung tay gìn giữ môi trường đảo ngọc

 

Nhận thức rõ việc bảo vệ môi trường, gìn giữ bầu không khí trong lành là giải pháp quan trọng góp phần phát triển du lịch bền vững cho đảo ngọc, thời gian qua, Sở Du lịch Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc đã sớm xây dựng Bộ tiêu chí du lịch xanh Phú Quốc. Các tiêu chí được đưa ra là: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; hỗ trợ năng lực cạnh tranh với phát triển bền vững; nâng cao nhận thức, thực hành về du lịch xanh; đầu tư nguồn nhân lực; bảo tồn, nâng cao các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.
 
Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Trần Chí Dũng khẳng định: Giải pháp quan trọng hàng đầu của ngành Du lịch Kiên Giang là phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện, giảm thiểu tác động đến môi trường. Những sản phẩm chất lượng, đặc sắc, đa dạng, đồng bộ có giá trị cao được xây dựng đáp ứng nhu cầu của du khách. Kiên Giang tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và sinh thái, chú trọng những sản phẩm du lịch xanh tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương. Tỉnh xây dựng nhãn du lịch xanh cấp cho các khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành… đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
 
Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quốc, tháng 11/2019, lãnh đạo huyện Phú Quốc đã chính thức ký cam kết tham gia thực hiện chương trình hành động Đô thị giảm nhựa-một chương trình được thực hiện xuất phát từ sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) nhằm kết nối các thành phố và các điểm đến du lịch cùng hành động chống lại ô nhiễm nhựa. Phú Quốc là một trong ba địa phương đầu tiên của Đông Nam Á, cùng với thành phố Patong (Thái Lan) và Donsol (Philippines) cam kết loại bỏ ô nhiễm nhựa bằng cách xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể và thử nghiệm các giải pháp sáng tạo.
 
Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, Quản lý Dự án Phú Quốc hướng tới hòn đảo không còn rác thải nhựa (Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên) cho biết: Thực hiện hiệu quả các nội dung đã cam kết, nhiều chủ cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc đã có các hoạt động thiết thực như giảm việc sử dụng chai nhựa, ống hút  nhựa, trang bị túi thân thiện môi trường cho du khách nghỉ tại khách sạn, resort của mình khi đi chợ đêm... 
 
Đặc biệt, từ tháng 6/2019 đến nay, Phú Quốc đã duy trì hoạt động rất ý nghĩa là chọn ngày thứ Bảy tuần đầu tiên của mỗi tháng thực hiện “Ngày vì môi trường Phú Quốc” với phương châm “Mỗi tổ chức, cá nhân một hành động vì môi trường đảo ngọc Phú Quốc thêm xanh, sạch, đẹp và an toàn, thân thiện". Trong ngày này, chính quyền, người dân và cả du khách cùng tham gia làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, làm sạch bờ biển... góp phần gìn giữ môi trường đảo ngọc xanh, sạch, đẹp, tạo ấn tượng đẹp trong lòng khách du lịch trong và ngoài nước.
 
 
Huy Hải - Thanh Trà (TTXVN)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top