Trung tâm Tần số VTĐ khu vực đo, kiểm soát vùng phủ sóng truyền hình số DVB-T2
Như vậy, tính đến nay Việt Nam đã có 28 tỉnh, thành phố với tổng dân số chiếm hơn 60% của cả nước đã chuyển sang phát sóng, thu xem truyền hình số mặt đất DVB-T2, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Hậu Giang, Vĩnh Long, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang và Tiền Giang.
Theo kế hoạch đề ra, tháng 12/2017 sẽ có thêm 07 tỉnh còn lại tại khu vực Đồng bằng Nam Bộ sẽ tắt sóng truyền hình analog, chuyển sang phát sóng truyền hình số mặt đất trước 12 tháng so với kế hoạch ban đầu. Khi đó, tất cả các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng Nam Bộ sẽ hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất.
Tại buổi làm việc của BCĐ Đề án số hóa truyền hình Việt Nam với các tỉnh Bạc Liêu, Bình Phước, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh và Trà Vinh, tổ chức ngày 26/4/2017, lãnh đạo UBND các tỉnh này đều bày tỏ sự quyết tâm và mong muốn tắt sóng truyền hình analog chuyển sang phát sóng số trước 31/12/2017 (Đây là các tỉnh thuộc giai đoạn 3 của Đề án có kế hoạch tắt truyền hình analog trước ngày 31/12/2018).
Hội nghị Số hóa truyền hình mặt đất tại các tỉnh Bạc Liêu, Bình Phước, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh và Trà Vinh, tổ chức ngày 26/4/2017
Tại phiên họp thứ 13 của BCĐ Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, lãnh đạo Công ty SDTV (đơn vị truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực Miền Nam) đã cam kết sẽ hoàn thành phủ sóng truyền hình số mặt đất tại các địa phương này trước ngày 31/12/2017. Hiện nay, công tác chuẩn bị cho việc tắt sóng tại các tỉnh này như công tác thông tin, tuyên truyền; hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo;… đang được triển khai rất tích cực.
Việc hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất tại hai Đồng bằng lớn có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là, phần lớn dân số của Việt Nam được tiếp cận với truyền hình chất lượng cao và có thêm nhiều lựa chọn hơn về chương trình thu xem. Mặt khác, đây là tiền đề để Việt Nam có thể triển khai các dịch vụ băng rộng tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, trên băng tần giải phóng được sau số hóa truyền hình mặt đất - Băng tần 700MHz.
Đối với các nước trên thế giới băng tần 700Mhz đang được coi là là băng tần quý hiếm. Khi đưa vào khai thác sẽ mang lại hiệu quả to lớn không chỉ cho ngành viễn thông mà còn cho phát triển kinh tế xã hội. Với ưu điểm truyền sóng tối ưu ở băng tần này có thể cung cấp dịch vụ 4G ở nông thôn với giá rẻ./.